Bạn có biết, tỷ lệ chữa thành công ung thư dạ dày sẽ càng cao nếu bệnh được phát hiện và điều trị từ sớm. Hãy theo dõi bài viết ngay dưới đây và tìm hiểu các phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu cùng chúng tôi bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Hiểu thế nào về ung thư dạ dày giai đoạn đầu?
Ung thư dạ dày là bệnh lý xảy ra khi các tế bào trong dạ dày tăng sinh bất thường, dần mất kiểm soát và phát triển thành khối u ác tính.
Ung thư dạ dày phát triển theo 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu được hiểu là giai đoạn mà các tế bào ung thư mới xuất hiện và vẫn nằm ở lớp hạ niêm mạc, chưa lây lan đến các hạch bạch huyết hay các cơ quan khác trên cơ thể. Kích thước khối u dạ dày trong giai đoạn này thường rất nhỏ nên chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng tiêu hóa.
2. Chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường có rất ít biểu hiện rõ ràng, thậm chí là không có triệu chứng nên rất khó phát hiện.
Để chẩn đoán ung thư dạ dày, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một hoặc kết hợp các xét nghiệm/chẩn đoán dưới đây:
– Nội soi dạ dày: Là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất và thường được dùng để chẩn đoán ung thư dạ dày. Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi có gắn camera qua miệng hoặc mũi của người bệnh rồi xuống đến dạ dày để quan sát và tìm ra các tổn thương bên trong.
– Sinh thiết: Được thực hiện ngay trong quá trình nội soi dạ dày. Xét nghiệm sinh thiết được tiến hành bằng cách thu thập một mẫu mô nhỏ từ vùng dạ dày có dấu hiệu tổn thương rồi phân tích dưới kính hiển vi.
– Chụp CT (cắt lớp vi tính), siêu âm dạ dày: Hình ảnh thu được từ phương pháp chụp CT và siêu âm sẽ giúp bác sĩ xác định kích thước khối u và quan sát khối u đã lan rộng hay chưa.
Ngoài ra, bác sĩ còn kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn HP ngay khi nội soi hoặc bằng các phương pháp khác như xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân.
3. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Ung thư dạ dày nếu được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể chữa thành công, tỷ lệ bệnh nhân sống khỏe mạnh sau 5 năm cũng cao hơn so với các giai đoạn muộn. Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị chính là những phương pháp thường được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân trong giai đoạn này.
3.1. Phẫu thuật
Ở giai đoạn đầu, người bệnh ung thư có thể cắt một phần dạ dày hoặc cắt toàn bộ dạ dày nếu cần thiết. Chỉ định cụ thể sẽ phụ thuộc tình trạng khối u cũng như khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Nếu cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày thì người bệnh sẽ được đặt lại đường tiêu hóa sau khi phẫu thuật xong.
Hiện nay, nhờ vào những tiến bộ trong y học nên phẫu thuật ung thư dạ dày có thể được tiến hành bằng kỹ thuật nội soi hoặc theo phương pháp truyền thống để loại bỏ khối u. Bác sĩ sẽ xem xét và tư vấn cách làm phù hợp nhất cho bệnh nhân.
3.2. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất đặc trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn và làm chậm quá trình phát triển của những tế bào ung thư này.
Hóa trị có thể được chỉ định độc lập nếu sức khỏe của người bệnh không đủ điều kiện đáp ứng phẫu thuật. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kết hợp bổ trợ hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật để tăng cường hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
3.3. Xạ trị
Một phương pháp khác cũng thường được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu, đó chính là xạ trị. Đây là phương pháp tác động tại chỗ, nhắm vào đúng vị trí tổn thương đang tồn tại khối u bằng các tia bức xạ năng lượng cao.
Tương tự như hóa trị, xạ trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị để tối ưu hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
4. Chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày sau điều trị
Khi điều trị ung thư dạ dày, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Chính vì vậy, gia đình cần lưu ý một số điều trong quá trình chăm sóc để người bệnh có đủ sức khỏe và nhanh hồi phục.
– Chăm sóc dinh dưỡng: Chế độ ăn uống hợp lý có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể người bệnh luôn khỏe mạnh và đủ chất, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với các tác dụng phụ khi thực hiện hóa trị hay xạ trị.
– Chăm sóc tâm lý: Hãy cố gắng động viên, cổ vũ người bệnh, để người bệnh luôn cảm thấy thoải mái, lạc quan và vững tâm chiến đấu với ung thư.
– Chăm sóc vận động: Không nên để người bệnh bị hạn chế vận động. Dù là trước hay sau khi điều trị, người bệnh vẫn nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để có thể giảm bớt cảm giác đau đớn và giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
Trong quá trình điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu, nếu có bất cứ thắc mắc hay vấn đề phát sinh trên cơ thể thì bạn hãy liên hệ và trao đổi ngay với bác sĩ chuyên khoa để nhận được tư vấn chính xác và biết cách xử lý kịp thời.