Các phương pháp điều trị rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Rong kinh là 1 trong những biểu hiện của tình trạng rối loạn kinh nguyệt, thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tình trạng rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh nếu không có biện pháp điều trị và cải thiện thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nữ giới.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về các phương pháp điều trị rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh nhằm giúp chị em sớm cải thiện được tình trạng này.

1. Tổng quan về giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở nữ giới

1.1 Giai đoạn tiền mãn kinh ở nữ giới

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước khi phụ nữ chính thức mãn kinh từ 2 – 5 năm. Ở thời kỳ này, nồng độ hormone sinh dục nữ có sự suy giảm rõ rệt, đồng thời 2 chỉ số hormone là LH và FSH sẽ tăng. Thời kỳ tiền mãn kinh sẽ có những chu kỳ không rụng trứng và cơ chế phản hồi ngược âm sẽ dẫn đến tình trạng cường estrogen tương đối.

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ có những thay đổi rõ rệt trên cơ thể như:

– Dễ bị đau vùng ngực do tính thấm thành mạch tăng

– Gia tăng phân bào ở các mô vú và khu vực nội mạc tử cung làm tăng sinh nội mạc tử cung, hình thành một số tổn thương dị dưỡng

– Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn: Chu kỳ ngắn hoặc thưa hơn bình thường, kèm theo các hiện tượng như rong kinh, cường kinh, thậm chí là mất kinh,…

– Tăng cân mất kiểm soát, đau tức bụng dưới, chướng bụng, sa sút tinh thầ, dễ nóng giận, bất an,…đều là những biểu hiện ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.

1.2 Giai đoạn mãn kinh ở nữ giới

Thời kỳ mãn kinh ở nữ giới - Các chức năng buồng trứng sẽ ngừng hoạt động

Thời kỳ mãn kinh ở nữ giới – Các chức năng buồng trứng sẽ ngừng hoạt động

Giai đoạn mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ sinh sản sang ngừng sinh sản, hay nói cách khác, khi mãn kinh, cơ thể nữ giới sẽ ngưng không rụng trứng, không xuất hiện kinh nguyệt nữa, đi kèm đó là sự suy giảm hormone nội tiết, cơ quan sinh dục dần teo lại, giai đoạn này thường bắt đầu khi phụ nữ ngoài 40 tuổi và kéo dài từ 10 – 20 năm.

2. Vì sao chị em hay bị rong kinh ở giai đoạn tiền mãn kinh?

Tình trạng rong kinh khi phụ nữ bước vào tuổi tứ tuần đa phần đều bắt nguồn từ lý do tuổi tác: Theo đó, khi càng có tuổi, các chức năng hoạt động của buồng trứng sẽ suy giảm theo, kéo theo đó là sự mất cân bằng hormone sinh dục. Vì vậy, buồng trứng thi thoảng sẽ không có hiện tượng phóng noãn, dẫn đến số ngày hành kinh kéo dài hơn bình thường hoặc ra máu nhiều hơn.

Ngoài ra, rong kinh ở giai đoạn tiền mãn kinh cũng không loại trừ các nguyên nhân gây ra do một số bệnh lý như:

– Nữ giới mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như: nấm âm đạo, nhiễm trùng âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung,….

Viêm, nhiễm khuẩn âm đạo có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh

Viêm, nhiễm khuẩn âm đạo có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh

– Các bệnh liên quan đến u lành tính như u xơ tử cung, polyp cổ tử cung,…

– Các bệnh liên quan đến u ác tính như ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh

– Ở phụ nữ ngoài 40, tình trạng quá sản tuyến nang không hiếm gặp, bệnh lý này có thể dẫn đến rong kinh. Thậm chí nếu không được điều trị sớm có thể diễn biến xấu thành ác tính.

Rong kinh ở giai đoạn tiền mãn kinh tuy không khó điều trị nhưng nếu để bệnh tình trạng kéo dài dễ gây ra thiếu máu mãn tính, làm ảnh hưởng đến sức khỏe nữ giới, gây trở ngại đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Vì vậy khi thấy có hiện tượng rong kinh, chị em nên đến bệnh viện để được kiểm tra và thăm khám từ sớm, để được loại trừ các bệnh lý nguy hiểm và có biện pháp điều trị rong kinh thích hợp.

3. Các phương pháp điều trị rong kinh giai đoạn tiền mãn kinh phổ biến hiện nay

Để điều trị rong kinh hiệu quả, các bác sĩ chuyên khoa khuyên chị em tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị rong kinh khi chưa có y lệnh của bác sĩ, chị em nên thực hiện đầy đủ các bước thăm khám phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân bị rong kinh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể với từng người bệnh. Hiện có 2 phương pháp để chữa rong kinh tuổi tiền mãn kinh được áp dụng phổ biến là sử dụng thuốc và điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

3.1 Điều trị rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh bằng thuốc

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để điều hòa kinh nguyệt cũng như giúp cầm máu (nếu có hiện tượng cường kinh) hoặc bổ sung thêm sắt để bù vào lượng máu đã mất:

– Thuốc sắt: Nhằm tăng lượng chất sắt vào máu khi người bệnh có hiện tượng thiếu máu do rong kinh.

– Thuốc Ibuprofen: Nhằm giảm đau, giảm hiện tượng chuột rút ở các kỳ đèn đỏ và giảm thiểu số lượng máu xuất huyết. Lưu ý ở một số trường hợp không hợp, thuốc kháng viêm có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết âm đạo.

– Thuốc tránh thai: Nhằm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm lượng máu chảy

Điều trị rong kinh bằng cách sử dụng thuốc tránh thai

Điều trị rong kinh bằng cách sử dụng thuốc tránh thai

– Sử dụng thuốc có chứa estrogen hoặc progesterone (liệu pháp hormone) để điều tiết lượng máu chảy.

– Thuốc xịt Desmopessin: Nhằm giúp cầm máu ở những trường hợp bị rối loạn chảy máu, bệnh máu khó đông bằng việc giải phóng các protein làm đông máu được lưu lại trong niêm mạc máu, giúp máu đông lại và tăng mức độ protein trong máu một cách tạm thời

– Các dòng thuốc chống tiêu sợi huyết như axit tranexamic, axit aminocaproic giúp ngăn máu đông vỡ ra sau khi hình thành, giảm lưu lượng máu chảy

3.2 Điều trị rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh bằng phương pháp phẫu thuật

– Thủ thuật nạo niêm mạc tử cung: Đây là biện pháp loại bỏ đi lớp trên cùng của niêm mạc tử cung để giảm xuất huyết âm đạo. Thủ thuật này có thể được chỉ định làm đi làm lại tùy vào từng trường hợp cụ thể.

– Phẫu thuật Hysteroscopy: đây là phương pháp sử dụng một dụng cụ đặc biệt để kiểm tra bên trong tử cung và giúp điều chỉnh các bất thường của tử cung, kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Biện pháp này cũng được sử dụng trong điều trị loại bỏ polyp tử cung và u xơ tử cung.

– Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc tử cung: Phương pháp này sẽ sử dụng kỹ thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ niêm mạc tử cung để giúp kiểm soát lượng máu kinh nguyệt

– Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung: Khi thực hiện phương pháp này, phụ nữ sẽ chấm dứt hiện tượng kinh nguyệt và không còn khả năng mang thai.

Hiện tượng rong kinh là vấn đề khá phổ biến của phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nhưng nhiều chị em còn chủ quan và e ngại mà không đi thăm khám, dẫn đến nhiều trường hợp biến chứng từ nặng đến nhẹ. Vì vậy , khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, chị em phụ nữ hãy có kế hoạch khám phụ khoa định kỳ để không chỉ phòng ngừa được bệnh rong kinh mà còn tầm soát được các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm khác. Mọi thắc mắc liên quan đến các bệnh lý phụ khoa, chị em có thể liên hệ tới Thu Cúc TCI để được tư vấn và hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital