Ung thư gan là bệnh lý ác tính gây ra mối lo ngại trên toàn cầu. Cùng tìm hiểu các loại ung thư gan cũng như cách phòng tránh để hạn chế tối đa khả năng mắc căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư gan là gì?
Ung thư gan là bệnh lý ác tính xảy ra tại gan khi các tế bào không lành mạnh trong gan phát triển không kiểm soát tạo thành khối u, từ đó cản trở chức năng hoạt động bình thường của gan, dẫn đến các tác động có hại và nghiêm trọng đến cơ thể.
Ung thư gan cũng được xếp vào dạng bệnh lý có độ phổ biến và tỷ lệ tử vong cao do phần lớn các trường hợp được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển nặng.
2. Phân loại ung thư gan
Dựa vào vị trí khởi phát bệnh mà ung thư gan được phân chia thành 2 loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
Ung thư gan nguyên phát nghĩa là người bệnh có tế bào ung thư ác tính có xuất phát điểm tại gan. Ngược lại ung thư gan thứ phát là người bệnh gặp tình trạng ung thư di căn có xuất phát điểm từ một cơ quan khác (vú, phổi, dạ dày…) lan đến gan và hình thành khối u mới tại gan.
Chính vì vậy, khi phát hiện người bệnh có khối u gan thì thường cần phải làm thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác để xác định khối u tại gan thời điểm đó là ở dạng nguyên phát hay thứ phát.
2.1 Các loại ung thư gan nguyên phát
Đối với dạng ung thư gan nguyên phát thì khối u cũng có thể phát triển ở nhiều vị trí trong gan, từ đó sẽ có các loại ung thư gan nguyên phát khác nhau. Loại ung thư gan nguyên phát thường gặp, chiếm tỷ lệ bệnh nhân mắc cao nhất trong số các dạng ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (80%). Ngoài ra còn có các loại ung thư đường mật, u mạch máu gan, u nguyên bào gan.
Ung thư biểu mô tế bào gan
Được biết đến với tên tiếng anh là HepatoCellular Carcinoma, tên viết tắt là HCC, ung thư biểu mô tế bào gan được đánh giá là thường xảy ra ở những người có nhiễm virus viêm gan B, C, xơ gan do rượu.
Ung thư đường mật/ ung thư ống mật
Là loại ung thư gan chiếm khoảng 10-20% người mắc bệnh. Ở dạng này, ung thư sẽ xuất phát từ các ống dẫn mật đưa mật đến túi mật và ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn. Nếu ung thư hình thành ở các ống mật trong gan được gọi là ung thư đường mật trong gan. Nếu ung thư hình thành ở các ống dẫn mật ngoài gan thì được gọi là ung thư đường mật ngoài gan.
Ung thư gan nguyên bào
Đây là loại ung thư gan thường gặp ở trẻ nhỏ không quá 4 tuổi, phát triển do sự bất thường của gen. Khối u ác tính này có thể được điều trị thành công bằng phẫu thuật và hóa trị, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn khi được phát hiện trong giai đoạn đầu. Trẻ mắc bệnh sẽ gặp khó khăn trong điều trị hơn nếu ung thư đã lan ra ngoài gan.
Ung thư mạch máu gan
Đây là một dạng ung thư hiếm gặp, có điểm khởi nguồn từ các mạch máu của gan. Ung thư mạch máu gan cũng là loại có xu hướng tiến triển nhanh, người bệnh thường được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn.
Những người có yếu tố nguy cơ cao phát triển bệnh là tiếp xúc với vinyl clorua, thorium dioxide, asen, radium…
2.2 Ung thư gan thứ phát – Một trong số các loại ung thư gan
Như đã đề cập trước đó, ung thư gan thứ phát là tình trạng tế bào ung thư ở cơ quan ngoài gan di căn đến gan và hình thành nên khối u mới tại gan. Ung thư gan thứ phát cũng là một tình trạng bệnh thường gặp bởi gan là một tạng hội tụ mạng lưới mạch máu dày đặc cùng nhiều chất dịch của cơ thể, do đó gan cũng là đích đến tiềm năng cho nhiều tế bào ung thư. Các loại ung thư di căn sang gan có thể là: Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng…
3. Cách phòng tránh ung thư gan nói chung
Như phân loại bệnh thành hai dạng phía trên, nên cách phòng tránh các loại ung thư gan cũng sẽ được phân loại thành hai dạng với mục đích khác nhau như sau:
3.1 Phòng tránh ung thư gan nguyên phát
Mục đích là để ngăn chặn, hạn chế tối đa khả năng mắc ung thư gan ở mọi đối tượng người dân. Theo đó, bạn cần chủ động phòng tránh dựa trên nguyên tắc ngăn chặn sự phát triển của các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư gan.
– Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ em, người lớn chưa từng tiêm vắc-xin hoặc nên tiêm nhắc lại nếu hiệu lực vắc-xin đã giảm.
– Nên quan hệ tình dục an toàn, không sử dụng chung bơm kim tiêm, thận trọng trong việc xăm hình, thẩm mỹ, xỏ khuyên…
– Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, hạn chế ăn nhiều chất béo, nên ăn chế độ cân bằng giữa rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein…
– Nên điều trị, theo dõi, kiểm tra định kỳ đối với những bệnh nhân đã mắc viêm gan virus, gan nhiễm mỡ.
– Duy trì cân nặng hợp lý, và thường xuyên thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe cho gan.
– Đặc biệt, người dân cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến các bệnh về gan. Những người nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để giúp phát hiện sớm ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cơ hội sống nếu mắc bệnh.
3.2 Phòng tránh ung thư gan thứ phát
Mục đích là giúp những bệnh nhân đã mắc các căn bệnh ung thư ở cơ quan khác ngoài gan có thể kiên trì chiến đấu với bệnh, tránh để bệnh diễn tiến sang giai đoạn di căn sang các cơ quan khác, trong đó có gan.
– Bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ điều trị được xây dựng dựa trên giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, mong muốn, mức độ đáp ứng của các phương pháp…
– Bệnh nhân nên cố gắng ăn uống, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tránh cơ thể suy nhược, không đảm bảo sức khỏe để duy trì điều trị. Cơ thể suy nhược, hệ miễn dịch yếu cũng là yếu tố hàng đầu khiến ung thư tiến triển mạnh.