Niềng răng là giải pháp được lựa chọn nhiều giúp khắc phục các tình trạng răng miệng. Ví dụ như răng lệch lạc, răng khểnh, sai khớp cắn. Quy trình thực hiện niềng răng với nhiều công đoạn nghiêm ngặt, đảm bảo hiệu quả và an toàn. Vậy quy trình thực hiện đó là gì? Sau đây, bài viết sẽ làm rõ về các giai đoạn niềng răng và những điều cần lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Kỹ thuật niềng răng
Bản chất niềng răng là một kỹ thuật nha khoa phức tạp và cần khá nhiều thời gian. Tại các mốc thời gian sẽ thấy sự thay đổi khác nhau của hàm răng. Đây chính là hiệu quả của tác động lực lên răng, di chuyển răng để khớp cắn đúng. Thông qua sự dịch chuyển răng này, những khuyết điểm về vị trí, hướng mọc của răng có thể được khắc phục.
Về cơ bản, có 2 kỹ thuật niềng răng phổ biến:
– Niềng răng mắc cài cố định: Đây là phương pháp niềng khá phổ biến với các khi cụ nắn chỉnh như mắc cài, dây thun, dây cung, … Những khí cụ này sẽ hỗ trợ, tạo lực siết dể điều trị vị trí các răng theo như ý muốn. Hình thức niềng răng này yêu cầu người dùng phải đeo niềng toàn thời gian. Những thay đổi về niềng răng, dây thun, … sẽ được điều chỉnh bởi bác sĩ điều trị qua mỗi lần tái khám.
– Niềng răng không mắc cài: Phương pháp niềng này được đánh giá với mức độ tiên tiến và hiện đại cao. Niềng răng không mắc cài còn có tên gọi là niềng răng trong suốt. Với khả năng khắc phục được hầu hết mọi vấn đề nha khoa, ta gần như không nhận thấy những nhược điểm còn tồn tại như ở niềng răng mắc cài. Khi thực hiện niềng răng không mắc cài, người bệnh sẽ được cung cấp một bộ khay niềng cá nhân. Mỗi khay sẽ được thiết kế riêng, phù hợp với tình trạng, tương ứng với từng giai đoạn đeo.
2. Các giai đoạn niềng răng cần thực hiện trong bao lâu?
Thông thường, việc niềng răng sẽ kéo dài từ 12-36 tháng. Có thể thấy quy trình niềng này khá tốn thời gian, vậy nên nó đòi hỏi về sự nhẫn nại cũng như hợp tác với bác sĩ.
Việc răng thay đổi trong quá trình niềng sẽ diễn ra từng chút nên có thể người niềng sẽ không thể nắm bắt rõ. Để thấy hiệu quả rõ rệt, kiên trì thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ điều trị tới cuối cùng là rất cần thiết.
3. Các giai đoạn niềng răng
Quá trình chỉnh nha của mỗi người đều cần trải qua các giai đoạn niềng răng cơ bản sau:
3.1 Thời kỳ tiền chỉnh nha
Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng quát để nắm rõ tình trạng. Những kiểm tra như phim Panorama, Conebeam CT, ảnh chụp trước khi thực hiện, … đều được thực hiện. Từ đó, bác sĩ có thể xây dựng nên phác đồ điều trị tối ưu. Người đeo niềng có thể lựa chọn phương pháp niềng phù hợp dựa trên tư vấn của bác sĩ và điều kiện tài chính của bản thân.
3.2 Thời kỳ đeo niềng
Thông thường để có thể di chuyển răng hiệu quả, giai đoạn deo niềng cần thực hiện qua những giai đoạn sau:
3.2.1 Giai đoạn 1: Làm đều và phẳng phần cung răng
Đây là bước đầu trong quá trình chỉnh nha toàn diện. Thông thường quá trình này sẽ kéo dài khoảng 4-6 tháng tùy vào tình trạng lệch lạc của răng. Ở giai đoạn này, răng bắt đầu xếp thẳng hàng nhờ vào các dây cung nhỏ có tính đàn hồi và kích thước tăng dần. Khi thời gian này kết thúc, ta có thể nhận thấy các răng được vào hàng nhanh. Tuy nhiên, tình trạng hô tăng xuất hiện do trục răng hơi bị ngả ra phía trước. Vấn đề này hoàn toàn nằm trong phân tích, tính toán của bác sĩ và sẽ nhanh chóng được giải quyết và giai đoạn tiếp theo.
3.2.2 Giai đoạn 2: Điều chỉnh sự tương quan của răng hàm và xử lý các khoảng
Mục tiêu của thời điểm này là giúp răng bớt các tình trạng hô, móm và khớp tốt với nhau. Thời gian cần thiết cho quá trình này sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp cần nhổ răng, giai đoạn này có thể cần kéo dài tới 12 tháng.
Nếu ở giai đoạn đầu tiên, bác sĩ đặt lực siết chủ yếu dựa vào các dây cung thì đối với giai đoạn này, dây cung được sử dụng là dây vuông, cứng. Chúng gần như chỉ tác dụng nhẹ một đường trượt định hướng sự di chuyển răng. Những chiếc răng sẽ được kéo lùi lại bởi khí cụ như lò xo, dây chun, loop kéo đóng khoảng, …
Ở giai đoạn này, sự khéo léo trong tính toán khoảng trống của bác sĩ là rất quan trọng. Điều này là bởi mỗi milimet khoảng trên cung hàm đều có được dựa vào căm vít di xa hay mài kẽ răng. Thậm chí, người niềng răng có thể phải chấp nhận nhổ bớt răng để sử dụng khoảng trống. Vì vậy, khoảng trống có được cần được sử dụng phù hợp, tránh những biến chứng xảy ra do áp dụng lực sai. Điều này có thể sẽ dẫn tới bị tiêu ngót chân răng quá mức.
Kết thúc giai đoạn 2, hiệu quả rõ nét nhất chính là tình trạng hô được cải thiện, răng đã khít.
3.2.3 Giai đoạn 3: Quá trình tinh chỉnh kết thúc
Giai đoạn 3 sẽ được thực hiện trong khoảng từ 3-6 tháng. Giai đoạn này có tính liên quan tới sự ổn định kết quả niềng răng về sau. Những răng có độ nghiêng chưa được chuẩn sẽ điều chỉnh lại. Khớp răng đóng cho chuẩn hơn, phù hợp tiêu chí hơn.
3.3 Thời kỳ tháo bỏ niềng răng và đeo hàm duy trì
Sau khi hàm răng đã được chỉnh nha tương đối ổn định, niềng răng sẽ được tháo bỏ. Tiếp đó, việc đeo hàm duy trì sẽ được tiến hành.
Đeo hàm duy trì là một bước rất quan trọng với quá trình niềng răng. Hàm duy trì sẽ giúp tình trạng răng sau chỉnh nha được ổn định, lâu dài hơn. Hiện nay, có nhiều loại hàm duy trì được sử dụng như hàm Hawley, hàm duy trì mặt lưỡi hay máng trong suốt. Cụ thể đâu là hàm duy trì phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dựa trên tình trạng của bệnh nhân.
4. Những lưu ý về niềng răng
Phương pháp niềng răng đem lại hiệu quả chỉnh nha cao. Tuy nhiên trường hợp tái phát vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân tái phát là bởi những thói quen xấu như cắn bút, nghiến răng, không đeo hàm duy trì, … Điều này khiến răng dễ bị chạy về chỗ cũ.
Để tránh trường hợp bị tái phát, ta cần đeo hàm duy trì bằng với thời gian đeo niềng. Răng của ta luôn có xu hướng chạy về chỗ cũ do sự co kéo của hệ dây chằng quanh răng cũng như sự cân bằng sinh lý giữa môi, má, lưỡi. Đeo hàm duy trì từ 2-3 năm sẽ giúp cơ thể được tái lập sự cân bằng mới thích hợp với tình trạng răng sau niềng hơn.
Trên đây là một vài chia sẻ về các giai đoạn niềng răng. Mọi người lưu ý nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, bác sĩ tay nghề cao với nhiều năm kinh nghiệm để đảm bảo hơn về an toàn cũng như hiệu quả niềng.