Các biểu hiện của sốt xuất huyết rất đa dạng, tùy thuộc vào mức độ bệnh và khả thích ứng của từng cơ thể. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở thể nhẹ, thể nặng của bệnh ra sao và cách xử trí trong trường hợp sốt xuất huyết tăng nặng sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết theo mức độ bệnh
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm rất phổ biến do virus Dengue gây ra. Bệnh có nhiều biểu hiện khác nhau dựa theo mức độ của bệnh.
1.1 Các biểu hiện của sốt xuất huyết ở thể nhẹ
Sốt đột ngột 39 – 40 độ C trong vòng 2 – 7 ngày là biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết ở thể nhẹ. Người bệnh thường rất khó để hạ sốt kèm theo các biểu hiện:
– Đau dữ dội ở vùng trán và vùng sau nhãn cầu
– Phát ban hoặc nổi mẩn ngứa
– Đau mỏi cơ khớp
– Đau đầu nghiêm trọng
– Buồn nôn và ói mửa
Đây là biểu hiện điển hình, nhiều trường hợp bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hơn. Các triệu chứng thường diễn biến giảm dần và tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày mà không gây bất kỳ biến chứng nào khác… Tuy nhiên, sốt xuất huyết ở thể nhẹ vẫn có khả năng chuyển sang thể nặng nếu điều trị và chăm sóc sai cách.
1.2 Các biểu hiện của sốt xuất huyết ở thể nặng
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng trong khoảng 3 – 7 ngày sau khi bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên.
Thân nhiệt lúc này có thể sẽ giảm, nhưng điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Sốt xuất huyết ở thể nặng cũng có những dấu hiệu như thể bệnh nhẹ. Bên cạnh đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng xuất huyết như:
– Chảy máu cam
– Xuất huyết ngoài da
– Xuất huyết nội tạng với biểu hiện phân đen, vết tiêm bị bầm tím
– Kinh nguyệt ra nhiều bất thường, chảy máu âm đạo
Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết có thể gặp các triệu chứng như:
– Đau bụng dữ dội
– Buồn nôn hoặc nôn
– Tụt huyết áp
– Lạnh chân tay
– Người mệt mỏi, vật vã, lơ mơ, mất ý thức…
– Thở gấp
Khi bệnh nhân đã rơi vào thể nặng, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Bởi nếu không được cấp cứu kịp có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong đặc biệt cao ở trẻ em, có thể lên tới 30 – 40%.
3. Tại sao sốt xuất huyết tăng nặng?
Bệnh sốt xuất huyết có thể tăng nặng và gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến bệnh sốt xuất huyết dễ trở nặng gồm:
– Tự ý dùng các loại thuốc như ibuprofen và aspirin để hạ sốt. Các loại thuốc này có tác dụng giảm sốt nhưng có thể gây xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm. Thay vì ibuprofen và aspirin, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên sử dụng paracetamol.
– Tự ý tăng liều thuốc hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau gây ngộ độc thuốc, dẫn đến suy gan, suy thận…
– Sự chủ quan của người bệnh cũng là một yếu tố khiến bệnh tăng nặng. Sự chủ quan bao gồm: không thăm khám mà tự ý điều trị khi bệnh còn nhẹ, nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh nên chủ quan không tiếp tục điều trị, không thăm khám lại.
Cần nhớ rằng, sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: sốt, nguy hiểm, sau đó mới đến hồi phục. Vì thế hãy theo dõi sát diễn tiến của bệnh và tuyệt đối không chủ quan.
Khi nghi ngờ sốt xuất huyết nặng, không nên chần chừ mà cần nhanh chóng đưa người bệnh tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
4. Các biến chứng thường gặp khi sốt xuất huyết ở vào giai đoạn nặng
Một số biến chứng mà người bệnh có thể gặp khi bị sốt xuất huyết nặng gồm:
– Cô đặc máu
– Giảm tiểu cầu nghiêm trọng
– Sốc do mất nhiều máu
– Suy đa tạng, gồm các cơ quan quan trọng như tim, gan, thận,…
– Xuất huyết não
– Tràn dịch, ứ dịch ở phổi, tim
– Biến chứng về mắt
– Sảy thai hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai
– Hôn mê
Khi gặp các biến chứng này, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
5. Làm sao để tránh tình trạng tăng nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết?
Sự chăm sóc đúng cách và theo dõi sát sao của người nhà là vô cùng quan trọng trong việc ngăn bệnh diễn tiến xấu. Những lưu ý khi chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết bao gồm:
– Nếu bệnh nhân sốt dưới 38,5 độ C, chỉ cần chườm khăn ấm vào các vị trí như trán, nách, bẹn, nới lỏng hoặc mặc quần áo thoáng mát.
– Nếu sốt trên 38,5 độ C, cần cho bệnh nhân uống paracetamol với liều vừa phải. Tuyệt đối không hạ sốt bằng ibuprofen hoặc aspirin.
– Cho bệnh nhân uống nhiều nước, dùng oresol hoặc hydrit để bù nước và điện giải. Ngoài ra có thể dùng nước hoa quả, oresol, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, nhất là thức ăn lỏng…
– Truyền tĩnh mạch NaCl 0.9% để bù nước và điện giải nếu bệnh nhân nôn nhiều, mất nước.
– Để người bệnh nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại gây mất sức.
– Tránh ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen vì điều này có thể gây nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa.
– Theo dõi kỹ thân nhiệt và các triệu chứng của bệnh nhân để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng và kịp thời đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế.
6. Cách phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra nên cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy, tránh bị muỗi đốt. Các biện pháp cụ thể gồm:
Các biện pháp phổ biến giúp diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy:
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, khiến muỗi không có nơi đẻ trứng
– Thau rửa các dụng cụ chứa nước để tránh nước ứ đọng
– Thu gom, hủy các vật dụng phế thải như chai, lọ, mảnh vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, bẹ lá…
– Lật úp các vật dụng chứa nước khi không dùng đến
– Thả cá vào bể, giếng, chum, vại… để diệt lăng quăng/bọ gậy
– Thay nước bình hoa/bình bông
Các biện pháp tránh muỗi đốt:
– Mặc quần áo dài tay, đặc biệt là khi làm việc gần môi trường nhiều muỗi
– Ngủ trong màn kín kể cả ban ngày
– Diệt muỗi bằng cách dùng bình xịt hương muỗi, kem xua muỗi hay vợt điện
– Tẩm hóa chất diệt muỗi vào rèm che, màn
– Người bị sốt xuất huyết cần nằm trong màn để lây lan bệnh cho người khác qua đường muỗi đốt
– Tích cực phối hợp trong các đợt phun hóa chất của chính quyền và ngành y tế