Bệnh đường hô hấp là bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu không biết cách chăm sóc và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI sẽ giới thiệu với bố mẹ các bệnh hô hấp ở trẻ em hay gặp nhất để bố mẹ có sự phòng ngừa và bảo vệ tốt cho con.
Menu xem nhanh:
1. Cúm
Bệnh cúm là bệnh do virus gây ra, thường khiến trẻ sốt cao kéo dài từ 5 – 7 ngày kèm các triệu chứng: ho, sổ mũi, mệt mỏi, đau cơ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, các hội chứng nhiễm khuẩn thứ phát, thậm chí có thể gây tử vong.
Thực tế cho thấy, trẻ bị cúm thường sốt cao hơn và có các triệu chứng đường tiêu hóa nặng hơn người lớn.
Đến nay chưa có loại thuốc nào có thể chữa dứt điểm bệnh cúm. Tuy nhiên, các thuốc kháng virus như Tamiflu (oseltamivir) có thể giúp giảm bớt triệu chứng bệnh nếu cho trẻ uống trong 48 giờ đầu tiên. Ba mẹ nên cho con uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo đúng liều.
Mặc dù chưa có thuốc đặc trị nhưng hiện đã có vắc xin phòng ngừa một số chủng cúm phổ biến cũng như giúp giảm thiểu các triệu chứng cho trẻ khi mắc bệnh. Các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm phòng cúm khi trẻ được 6 tháng tuổi trở lên. Nghiên cứu cho thấy, vắc xin thường có hiệu lực sau 2 tuần tính từ thời điểm tiêm phòng. Bên cạnh đó, mỗi năm, bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm nhắc lại để phòng ngừa các chủng virus cúm mới.
2. Cảm lạnh
Cảm lạnh cũng là một trong các bệnh hô hấp ở trẻ em do virus gây ra và khá phổ biến. Hầu hết các bé sẽ bị cảm lạnh từ 6-8 lần/ năm với các triệu chứng điển hình như: hắt hơi, sổ mũi, ho, đau họng, nhức đầu, đau nhức cơ,…
Theo các bác sĩ, bệnh cảm lạnh thường ít nghiêm trọng hơn bệnh cúm. Nguy cơ dẫn đến viêm phổi thứ phát cũng thấp hơn.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị cảm lạnh đều có thể tự khỏi sau vài ngày. Bố mẹ hãy cho bé nghỉ ngơi, uống nhiều nước để bé nhanh khỏe hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ lưu ý không tự ý cho con uống thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ vì các thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho trẻ.
3. Viêm họng liên cầu khuẩn
Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra. Đây cũng là bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ em. Một nghiên cứu cho thấy, cứ 10 trẻ bị đau họng thì trong đó có 3 trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Ở người lớn, tỷ lệ này chỉ khoảng 1/10.
Viêm họng liên cầu khuẩn cần được điều trị sớm vì bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: sốt thấp khớp, viêm thận, bệnh thấp tim, bệnh Osler, nhiễm trùng máu, …. Do đó, khi thấy trẻ đau họng, khó nuốt, sưng hạch ở cổ, trong vòm họng xuất hiện những nốt trắng, … bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị kịp thời.
4. Viêm xoang
Một trong các bệnh hộ hấp ở trẻ em hay gặp không thể không kể đến bệnh viêm xoang. Bệnh còn được gọi là nhiễm trùng xoang, xảy ra khi các mô nằm trong xoang bị sưng hoặc viêm, gây tích tụ dịch trong túi khí sau mũi và mắt, dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh lý này thường đi kèm với bệnh cúm, bệnh cảm lạnh, hoặc có thể do dị ứng gây nên.
Trẻ bị viêm xoang thường thấy đau, tức ở mặt, đặc biệt là sau mắt và sau mũi. Trẻ sẽ bị ho, sổ mũi, chảy dịch ở mũi sau gây đau họng và buồn nôn. Ngoài ra, trẻ còn cảm thấy khó thở và hay bị hụt hơi.
So với người lớn, các triệu chứng trên thường kéo dài hơn ở trẻ em, khiến trẻ rất khó chịu. Bố mẹ nên dùng bình rửa mũi để rửa xoang cho bé, đồng thời có thể mua các thuốc không kê đơn giúp giảm viêm và triệu chứng cho bé.
Trong trường hợp trẻ bị viêm xoang kéo dài, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị tốt cho trẻ. Có thể trẻ sẽ phải thực hiện phẫu thuật để làm sạch các khu vực bị tắc nghẽn.
5. Viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản cấp cũng là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 5 tuổi. Bệnh do virus gây ra, làm sưng thanh quản và khí quản, khiến không khí không thể đi vào phổi trơn tru và tạo ra tiếng rít khi trẻ hít thở. Giọng của trẻ cũng sẽ bị khàn hơn so với bình thường khi mắc bệnh này.
Bố mẹ có thể điều trị bệnh cho trẻ bằng cách cho trẻ nghỉ ngơi, truyền dịch, dùng thuốc chống viêm/ thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, acetaminophen. Ngoài ra, bố mẹ cần lưu ý giữ không khí trong nhà ẩm, sạch để giúp trẻ dễ thở hơn.
Nếu thấy các triệu chứng diễn biến nặng hơn, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chắm sóc, điều trị phù hợp.
6. Viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong các bệnh đường hô hấp dưới hay gặp ở trẻ. Bệnh thường do virus gây ra, có thể phát triển sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc cúm, gây viêm các ống thở lớn trong phổi.
Khi bị viêm phế quản, trẻ thường có triệu chứng ho liên tục trong khoảng từ 3 – 4 tuần mặc dù cơ thể trẻ không còn virus gây bệnh.
Ngoài ra, trẻ còn có thể có các triệu chứng khác như: sổ mũi, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau họng, đau tức ngực, thở khò khè,…
Nhìn chung, các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em cũng giống như ở người lớn, tuy nhiên, trẻ có thể sẽ nuốt chầy nhầy xuống chứ không ho khạc ra ngoài được như người lớn.
Thực tế cho thấy, nhiều bố mẹ thường nhầm bệnh viêm phế quản với bệnh hen suyễn, cũng là một trong các bệnh hô hấp ở trẻ em. Do đó, khi bé có triệu chứng, bố mẹ nên đưa bé đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh cho trẻ và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.
7. Viêm phổi
Các bệnh hô hấp ở trẻ em hay gặp còn có bệnh viêm phổi. Đây là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xảy ra do virus hoặc vi khuẩn mắc kẹt trong cơ quan này, sinh sôi nảy nở và tạo thành ổ nhiễm trùng. Bệnh có thể là biến chứng từ việc con bị cúm, cảm lạnh, hoặc viêm họng liên cầu khuẩn nhưng không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng mà trẻ thường gặp khi bị viêm phổi gồm có: sốt cao và ớn lạnh, ho, thở gấp, đau ngực (đặc biệt là khi thở), mệt mỏi, bơ phờ …
Viêm phổi là một bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, có thể gây tử vong cho trẻ (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi) nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như ho nặng tiếng, thở nhanh, thở gắng sức, đau tức ngực, môi tím tái… bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời.