Nhiễm khuẩn tiêu hóa là bệnh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vừa qua, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI đã tiếp nhận trường hợp điều trị nhiễm khuẩn tiêu hóa của bé P.K.N (4 tháng tuổi). Với các triệu chứng ban đầu như biếng ăn, tiêu chảy, sút cân, quá trình điều trị của con diễn ra như thế nào?
Nếu bạn cũng đang quan tâm thì hãy cùng tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Bé P.K.N & Bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa
1.1 Triệu chứng
Nhiễm khuẩn tiêu hóa ở trẻ hay còn có tên gọi khác là nhiễm khuẩn đường ruột. Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa của trẻ gây ra. Bên cạnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, đây là một trong những bệnh lý nhiễm khuẩn có tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu ở trẻ em.
Gần đây, số lượng trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường tiêu hóa có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, chúng tôi ghi nhận được trường hợp của bé P.K.N (4 tháng tuổi).
Theo chia sẻ từ gia đình, hai ngày trở lại đây K.N có biểu hiện mệt mỏi, bú kém. Con sốt cao, nôn nhiều và đi ngoài ra phân lỏng có chất nhầy.
Khá lo lắng trước tình trạng này, ba mẹ K.N đã đưa con đi khám ngay để tìm hiểu nguyên nhân.
1.2 Kết quả thăm khám
Dựa trên triệu chứng và kết quả thăm khám, bác sĩ kết luận tình trạng của K.N là do nhiễm khuẩn tiêu hóa gây ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ tiêu hóa của con vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Hệ miễn dịch còn yếu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào có thể phát triển và gây viêm.
Trong đó, yếu tố khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan tiêu hóa của con có thể là do:
– Nhiễm khuẩn trong quá trình sinh
– Môi trường sống chưa đảm bảo vệ sinh
– Vi khuẩn lây nhiễm thông qua đường thức ăn
1.3 Mức độ nguy hiểm
Thông thường, trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa có thể gặp phải các triệu chứng như:
– Bú kém, chán ăn
– Tiêu chảy
– Buồn nôn
– Đau bụng
– Ho, sổ mũi
– …..
Tùy theo thể trạng của trẻ, thời gian ủ bệnh thường sẽ là từ 2 – 5 ngày.
Đối với trường hợp của K.N, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của con. Tiêu chảy kéo dài dẫn đến tình trạng mất nước, cơ thể suy kiệt, rất nguy hiểm.
Chưa kể bệnh có thể xảy ra nhiều lần khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn. Lâu dần, hệ tiêu hóa không thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng. Do đó, dẫn đến tình trạng con bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Cơ thể phát triển kém cả về thể chất và trí não.
Thậm chí, nếu để xuất hiện các biến chứng như viêm mạc treo, viêm phúc mạc hay nhiễm trùng huyết thì sẽ rất khó để điều trị. Có thể nguy hiểm đến tính mạng của con.
2. Quá trình điều trị nhiễm khuẩn tiêu hóa
2.1 Phương án điều trị
Sau khi xem xét tình trạng của K.N, các bác sĩ chỉ định cho con nằm viện để điều trị nội trú. Trong thời gian lưu viện, con được kiểm tra liên tục kết hợp chế độ chăm sóc khoa học nhất.
Cách điều trị tốt nhất với trẻ nhiễm khuẩn tiêu hóa là cung cấp đủ nước. Nước ở đây được xem là những loại chất lỏng khác nhau, trong đó có sữa mẹ. Do đó, bác sĩ hướng dẫn mẹ tiếp tục cho con bú bình thường. Tuy nhiên, với số lượng và tần suất cao hơn. Việc ăn uống đầy đủ và đúng cữ sẽ giúp con hồi phục nhanh hơn.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu do vẫn còn mệt nên con rất biếng ăn. Đòi hỏi bác sĩ và các điều dưỡng viên phải hỗ trợ mẹ sát sao trong quá trình dỗ và cho con ăn. Nếu con không phối hợp sẽ áp dụng phương pháp vắt sữa mẹ và cho con ăn bằng thìa.
Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy khiến con bị phát ban ở vùng hậu môn (hăm hậu môn). Do đó cần rửa sạch và lau khô hậu môn cho con sau mỗi lần đi đại tiện. Đồng thời thoa kem để cải thiện hăm, giúp con đỡ đau và đỡ ngứa rát.
2.2 Kết quả điều trị
Sau khoảng 5 ngày điều trị, rất may tình trạng của K.N đã được cải thiện một cách rõ rệt. Con ít quấy khóc và bú mẹ tốt hơn. Tình trạng sốt và đi ngoài cũng đã được giảm hẳn.
Khi nhận thấy sức khỏe của con đã ổn định, bác sĩ cho con xuất viện về nhà. Đồng thời dặn dò ba mẹ cách chăm sóc để viêm không tái lại.
Mẹ K.N chia sẻ: “Thực sự lúc khám biết con bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, mình lo lắng lắm. Ăn không ngon, ngủ không yên vì con biếng ăn và đi ngoài suốt thôi. Nhưng rất may nhờ có sự hỗ trợ từ bác sĩ và các điều dưỡng viên, sức khỏe con đã tốt lên từng ngày. Mình mừng lắm. Cảm ơn các bác sĩ và bệnh viện rất nhiều!”
2.3 Lời khuyên bác sĩ
Thông qua trường hợp của K.N, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu có các biểu hiện như: Sốt, tiêu chảy, biếng ăn, nôn nhiều,… thì cần cho trẻ đi khám ngay. Tránh để xảy ra biến chứng không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hiện tại và cả sau này.
Trong trường hợp thấy trẻ có các biểu hiện lạ, tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc. Bởi nếu sử dụng thuốc không đúng bệnh, đúng liều thậm chí có thể gây ra tác dụng phụ khiến bệnh thêm nặng hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể áp dụng các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột cho con như:
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ
– Dọn dẹp nhà cửa và môi trường sống xung quanh thường xuyên
– Vệ sinh sạch sẽ chân tay và cơ thể khi tiếp xúc với trẻ
– Đảm bảo vệ sinh thức ăn cho trẻ
– Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi 2 tuổi
– Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người bị các vấn đề về hô hấp/tiêu hóa
– Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mỗi khi đi chơi về
– …..
Như vậy, trên đây là trường hợp điều trị nhiễm khuẩn tiêu hóa ở bé P.K.N. Thông qua trường hợp của K.N, chắc hẳn cha mẹ đã hiểu thêm về bệnh lý này ở trẻ. Nếu có thêm các câu hỏi nào khác liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhé!