Viêm phúc mạc: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm phúc mạc là một bệnh lý nặng trong ngoại khoa cần được điều trị kịp thời để nhanh chóng kiểm soát nhiễm trùng. Nếu điều trị muộn, tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

1. Viêm phúc mạc là gì?

Phúc mạc là một màng mỏng trơn láng, bọc lót mặt trong thành bụng, có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ tất cả các cơ quan trong ổ bụng.

Viêm phúc mạc là tình trạng nhiễm trùng lớp phúc mạc thường gây ra bởi sự nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm. Sự nhiễm trùng này có thể là một biến chứng của thẩm phân phúc mạc. Nó cũng có thể được gây ra bởi sự tích tụ chất dịch phúc mạc, các viêm nhiễm khác hoặc chấn thương.

Dù nguyên nhân nào, viêm phúc mạc đòi hỏi phải được chăm sóc y tế ngay lập tức để chống nhiễm trùng. Trong trường hợp cần thiết là để điều trị bệnh lý nền tảng gây ra tình trạng viêm nhiễm. Phương pháp điều trị phúc mạc bị viêm thường bao gồm thuốc kháng sinh, và trong vài trường hợp cần được phẫu thuật. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, đe dọa đến tính mạng của  người bệnh.

Viêm phúc mạc đòi hỏi được chăm sóc y tế ngay lập tức để chóng nhiễm trùng

Viêm phúc mạc đòi hỏi được chăm sóc y tế ngay lập tức để chống nhiễm trùng, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm.

2. Nguyên nhân của viêm phúc mạc

2.1. Viêm phúc mạc nguyên phát

Viêm phúc mạc nguyên phát do vi khuẩn tự phát gây nên. Con đường lây nhiễm đến nhiễm trùng phúc mạc nguyên phát khởi phát từ đường máu, đường bạch huyết hoặc do lây truyền vi khuẩn trong lòng ruột ra ngoài.

Theo kết quả nghiên cứu, khoảng 90% các trường hợp viêm nguyên phát là cấy dương tính với một tác nhân. Trong đó, vi khuẩn gram âm như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Bacteroides…là tác nhân thường gặp. Các vi khuẩn gram dương như Streptococcus pneumoniae…ít gặp hơn.

Những người bệnh mắc bệnh tiềm ẩn gây ra cổ trướng như xơ gan mất bù, gây tràn dịch trong khoang màng bụng là các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm trùng phúc mạc nguyên phát.

2.2. Viêm phúc mạc thứ phát

Nhiễm trùng phúc mạc thứ phát thường là biến chứng của một số bệnh lý ngoại khoa xảy ra trong khoang màng bụng như:

– Thủng các cơ quan rỗng: viêm loét dạ dày, loét túi thừa, viêm túi mật hoại tử.

– Viêm các cơ quan trong ổ bụng: viêm túi thừa, viêm ruột thừa, viêm tụy hoại tử.

– Biến chứng sau phẫu thuật: nhồi máu tạng, sang chấn thủng tạng, sinh thiết tạng trong ổ bụng.

– Chấn thương xuyên vào ổ bụng.

– Vỡ áp xe tạng lân cận lan vào ổ bụng.

2.3. Nguyên nhân khác

– Cơ thể suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS.

– Viêm phúc mạc hóa học: gây ra bởi các chất hóa học trong cơ thể có tính kích thích (như máu, mật, nước tiểu…) hoặc chất hóa học ngoại sinh bị tràn vào trong khoang màng bụng.

3. Triệu chứng nhiễm trùng phúc mạc

Người bệnh bị viêm phúc mạc thường có các dấu hiệu và triệu chứng cơ bản sau:

– Đau bụng: đây là triệu chứng đặc trưng và xuất hiện sớm nhất. Vị trí đau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh (như thủng dạ dày: bụng cứng như gỗ và đau dữ dội; vỡ ruột thừa: đau vùng hố chậu phải và thượng vị…).

– Sốt cao liên tục (từ 39_40°C) hoặc sốt âm ỉ kéo dài.

– Đầy hơi, khó tiêu và có cảm giác khó chịu trong ổ bụng.

– Buồn nôn và nôn.

– Người mệt mỏi, hốc hác, lừ đừ hay bơ phờ. Nặng hơn, người bệnh có thể ngủ li bì, bán mê hoặc hôn mê; mạch đập nhanh, huyết áp tụt.

– Da xanh tái, nhớp mồ hôi, chân tay lạnh.

– Tiêu chảy hoặc bí trung tiện, đại tiện.

– Khát nước, tiểu rất ít.

Đau bụng, chướng bụng, sốt cao, nôn là những triệu chứng của viêm phúc mạc

Đau bụng, chướng bụng, sốt cao, nôn là những triệu chứng thường gặp của viêm phúc mạc.

– Nếu nhiễm trùng phúc mạc xảy ra ở những người bệnh đang thực hiện thủ thuật lọc dịch thông qua màng bụng, các triệu chứng cũng có thể bao gồm dịch lọc ra máu đục, có các vệt trắng hoặc sợi lợn cợn. Có mùi bất thường trong dịch hoặc xung quanh khu vực vị trí đặt ống thông.

4. Viêm phúc mạc nguy hiểm như thế nào?

Nhiễm trùng phúc mạc là một bệnh lý rất nặng trong ngoại khoa, là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm khuẩn trong ổ bụng. Nếu không được can thiệp kịp thời, nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu gây sốc, làm tổn thương toàn bộ các cơ quan khác của cơ thể và có thể gây tử vong. Các biến chứng tiềm ẩn của viêm phúc mạc bao gồm:

– Cơ thể mất nước và gây rối loạn điện giải.

– Áp xe ổ bụng.

– Dính phúc mạc và có thể gây tắc ruột.

– Nhiễm trùng huyết.

– Bệnh não gan: thường xảy ra ở người bệnh suy gan mạn tính. Các chất độc không được gan chuyển hóa và đào thải đã di chuyển vào hệ tuần hoàn và thấm qua hàng rào máu – não đến não, gây rối loạn chức năng não. Người bệnh bị rối loạn ý thức, hôn mê..

– Hội chứng gan thận.

– Suy đa cơ quan.

– Sốc nhiễm trùng.

– Tử vong.

Vì vậy, bệnh cần chẩn đoán sớm và xử trí đúng, kịp thời nhằm hạn chế tử vong đến mức tối đa.

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh

5.1. Chẩn đoán:

– Chẩn đoán lâm sàng: bác sĩ hỏi về bệnh sử và tiến hành thăm khám.

– Chẩn đoán cận lâm sàng: xét nghiệm máu để kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu; cấy máu để phát hiện vi khuẩn; chụp X Quang hoặc siêu âm, chụp CT để kiểm tra các lỗ hoặc vị trí thủng khác trong ống tiêu hóa; phân tích dịch phúc mạc…

Mục đích là để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm nhiễm và nguyên nhân gây bệnh.

5.2. Phương pháp điều trị

Nguyên tắc điều trị bệnh là điều trị ngoại khoa kết hợp với hồi sức ngoại khoa tích cực. Các phương pháp điều trị viêm phúc mạc có thể bao gồm:

– Dùng thuốc kháng sinh: để chống nhiễm khuẩn và phòng ngừa sự tràn lan của vi khuẩn. Loại thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc và mức độ nặng – nhẹ của bệnh, và loại viêm phúc mạc.

– Phẫu thuật: dẫn lưu ổ áp xe qua da để tăng cường liệu pháp kháng khuẩn. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh buộc phải phẫu thuật để loại bỏ mô bị nhiễm trùng. Đặc biệt là viêm phúc mạc do vỡ dạ dày, ruột thừa, ruột già…

Trong trường hợp cần thiết, viêm phúc mạc cần được phẫu thuật để loại bỏ các mô nhiễm trùng

Trong trường hợp cần thiết, viêm phúc mạc cần được phẫu thuật để loại bỏ các mô nhiễm trùng.

– Phương pháp điều trị khác: giảm đau, truyền dịch đường tĩnh mạch, thở oxy và truyền máu (nếu cần)…

Viêm phúc mạc một bệnh lý nguy hiểm cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, khi có các biểu hiện và triệu chứng bất thường, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và có phương pháp điều trị sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital