Ung thư đại tràng là một bệnh lý ung thư đường tiêu hóa thường gặp và có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi người bệnh. Ung thư đại tràng xảy ra chủ yếu bởi sự tăng sinh bất thường tại niêm mạc đại tràng hay còn gọi là polyp. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90% nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Vậy làm thế nào để nhận biết những triệu chứng, biểu hiện ung thư đại tràng và cách phòng tránh căn bệnh này hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Các dấu hiệu của bệnh ung thư đại tràng bạn nên biết
1.1 Xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài
Rối loạn tiêu hóa là một biểu hiện ung thư đại tràng phổ biến, người bệnh có thể gặp những triệu chứng cụ thể như: Hơi thở hôi, ợ chua, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, đầy bụng, ăn không ngon. Bên cạnh đó người bệnh có thể nhận thấy dấu hiệu đau quặn bụng, cơn đau âm ỉ kéo dài, đau theo từng cơn, khó chịu ở toàn bộ vùng bụng.
1.2 Tình trạng bất thường trong phân – Biểu hiện của ung thư đại tràng
Bên cạnh các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa thì ung thư đại tràng còn dẫn đến biểu hiện rối loạn đại tiện. Nghĩa là bệnh nhân có thể đi lỏng hoặc táo bón thất thường, và tình trạng này kéo dài. Kết hợp với rối loạn bài tiết phân thì bệnh nhân có thể đau quặn bụng, mót rặn, cảm thấy khó chịu khi đại tiện.
Quan sát hình dạng của chất thải, người bệnh có thể nhận thấy hình dạng phân mỏng nhỏ, dẹt, không thành khuôn bởi rất có thể khối u đã cản chất thải lại, khiến lượng chất thải đi ra ngoài ít. Bên cạnh đó, quan sát bệnh nhân cũng có thể thấy khi đi đại tiện có kèm máu tươi lẫn nhầy. Bệnh nhân có thể nhầm lẫn triệu chứng này với các dấu hiệu của bệnh trĩ, và để bệnh phát triển trong thời gian dài mà không đi thăm khám điều trị dẫn đến bệnh ngày càng nặng.
1.3 Triệu chứng toàn thân – Biểu hiện của ung thư đại tràng
Kết hợp các triệu chứng kể trên người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi và suy nhược. Phần lớn là do liên quan đến tình trạng mất máu trong phân. Tiếp đến là tình trạng giảm cân nhanh bất thường. Và khi cảm thấy chán ăn, dần dần người bệnh sẽ suy giảm sức khỏe, cảm thấy kiệt sức ngay cơ khi vừa mới nghỉ ngơi.
Ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm có thể sẽ không có các triệu chứng đặc hiệu, mà sẽ có những biểu hiện nghèo nàn, mơ hồ dễ gây nhầm lẫn bệnh đường tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên việc phát hiện và điều trị ung thư đại tràng ở giai đoạn càng muộn, hiệu quả điều trị và tiên lượng sống sẽ càng giảm. Vậy nên phát hiện và can thiệp điều trị càng sớm bệnh nhân sẽ càng gia tăng cơ hội sống. Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư đại tràng được phát hiện và điều trị ở giai đoạn 1 là khoảng 90%, giai đoạn 2 khoảng 80 – 83%, giai đoạn 3 còn khoảng 60% và giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) giảm rất thấp, chỉ còn khoảng 11%. Vậy nên khi nhận thấy những triệu chứng bất thường lời khuyên dành cho người bệnh là không nên chần chừ mà hãy nhanh chóng đi thăm khám, tránh trường hợp tế bào ác tính phát triển mạnh.
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung thư đại tràng
Thông qua thăm khám ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cần thiết cho mỗi bệnh nhân như: Xét nghiệm máu trong phân, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, nội soi đại trực tràng, chụp CT, chụp MRI…
Ung thư đại tràng có thể chữa khỏi khi bệnh lý được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị theo phác đồ đúng hướng. Điều trị ung thư đại tràng cần phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, mức độ xâm lấn của khối u, tuổi tác, bệnh lý nền… từ đó bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch phù hợp…
3. Làm gì để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng?
Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu sẽ có những dấu hiệu sớm nhưng không được chú ý bởi những biểu hiện ung thư đại tràng lúc này có thể nhầm lẫn thành các bệnh lý tiêu hóa. Vì thế nhiều trường hợp chẩn đoán, phát hiện bệnh khi đã tiến tri ển đến ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị. Nắm bắt được các dấu hiệu cảnh báo bệnh sớm như đã liệt kê ở phần trước đó thì bạn nên chủ động quan tâm đến sức khỏe, thăm khám kịp thời.
Ung thư đại tràng có liên hệ mật thiết với chế độ dinh dưỡng, vì thế bạn nên chủ động xây dựng chế độ ăn uống hợp lý nhiều chất xơ, hạn chế chất béo để làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Cụ thể là:
– Nên hạn chế các loại đồ ăn chiên nướng, xông khói, thức ăn nhanh, nên ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây bởi chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ axit folic, đẩy nhanh các chất độc hại gây hại ra khỏi ruột sớm, giảm thời gian ứ đọng phân.
– Hạn chế uống các loại nước chứa cồn, có ga, hạn chế sử dụng thuốc lá bởi đây cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
– Nên tăng cường hoạt động thể lực, vận động thể dục thể thao để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng, đồng thời tăng sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể.
Bên cạnh đó, nếu bạn có tiền sử mắc polyp đại trực tràng đặc biệt là đa polyp có tính chất gia đình thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng gấp 10 lần so với người bình thường. Vậy nên với những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng nên chủ động trong việc kiểm tra đại trực tràng thường xuyên và định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những người không nằm trong đối tượng có nguy cơ cao thì cũng nên nhận thức đúng với việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc ung thư đại trực tràng để phát hiện sớm dấu ấn ung thư, giúp nâng cao hiệu quả điều trị nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.