Ung thư đại tràng là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng sau ung thư gan, phổi và dạ dày. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, người bệnh có cơ hội sống lâu hơn, thậm chí có thể kiểm soát bệnh trong nhiều năm. Dưới đây là những biểu hiện ung thư đại tràng, cũng như các phương pháp điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của bệnh ung thư đại tràng mà bạn cần biết
Ung thư đại tràng có thể bắt đầu mà không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều người dễ dàng bỏ qua và chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Tuy nhiên, có một số biểu hiện của ung thư đại tràng có thể báo hiệu sự xuất hiện của khối u hoặc tế bào ung thư trong đại tràng. Sau đây là những dấu hiệu phổ biến:
1.1 Thay đổi thói quen đại tiện
Một trong những biểu hiện sớm nhất của ung thư đại tràng là sự thay đổi trong thói quen đại tiện. Người bệnh có thể bị táo bón và tiêu chảy xen kẽ trong một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân cũng có thể gặp tình trạng cảm giác muốn đi đại tiện liên tục nhưng lại không thể đi hết, khiến họ cảm thấy khó chịu.
1.2 Phân có máu hoặc chất nhầy
Khối u trong đại tràng có thể gây chảy máu trong lòng ruột, khiến phân lẫn máu hoặc chất nhầy. Máu có thể có màu đỏ tươi hoặc nâu sẫm, tùy thuộc vào vị trí của khối u trong đại tràng. Việc phát hiện máu trong phân là một tín hiệu cảnh báo quan trọng, nên người bệnh cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay nếu gặp tình trạng này.
1.3 Đau bụng và khó chịu ở vùng bụng
Bệnh nhân ung thư đại tràng thường gặp tình trạng đau bụng quặn theo cơn, đầy hơi, chướng bụng hoặc thậm chí là bí tiêu. Khi khối u phát triển và cản trở đường ruột, người bệnh có thể gặp tình trạng tắc ruột, gây ra các cơn đau dữ dội.
1.4 Sụt cân không rõ nguyên nhân
Một trong những biểu hiện chung của các loại ung thư, bao gồm ung thư đại tràng, là sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân. Người bệnh có thể bị mất cân trong thời gian ngắn mà không có bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc sinh hoạt.
1.5 Mệt mỏi và thiếu máu
Ung thư đại tràng có thể gây chảy máu trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng thiếu máu. Thiếu máu có thể gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và khó thở. Đây là biểu hiện ung thư đại tràng thường gặp ở giai đoạn tiến triển của bệnh.
2. Những người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn
Bệnh ung thư đại tràng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những nhóm đối tượng sau đây cần đặc biệt chú ý đến các biểu hiện của ung thư đại tràng:
Người trên 50 tuổi.
Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng.
Người có thói quen hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu bia trong thời gian dài.
Người có lối sống ít vận động, thường xuyên tiêu thụ thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn, ít ăn rau xanh, trái cây.
Những người mắc các bệnh viêm ruột mãn tính như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
Bệnh nhân mắc bệnh nền tiểu đường lâu năm hoặc có tiền sử béo phì.
3. Phương pháp phát hiện sớm ung thư đại tràng
Để giảm nguy cơ tử vong và tăng khả năng điều trị thành công, việc phát hiện sớm ung thư đại tràng là rất quan trọng. Các biện pháp chẩn đoán ung thư đại tràng thường bao gồm:
Nội soi đại tràng định kỳ: Đối với những người trên 50 tuổi hoặc những người có nguy cơ cao, việc nội soi đại tràng thường xuyên giúp phát hiện các polyp hoặc tế bào ung thư sớm, từ đó có thể loại bỏ hoặc điều trị kịp thời.
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Một số xét nghiệm có thể phát hiện hồng cầu trong phân, từ đó có thể chỉ ra các dấu hiệu của ung thư đại tràng. Nên thực hiện xét nghiệm này từ 1-2 lần mỗi năm.
Nội soi đại tràng ống mềm: Đây là phương pháp cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong đại tràng để phát hiện các bất thường.
4. Phương pháp điều trị ung thư đại tràng phổ biến hiện nay
Hiện nay, ung thư đại tràng có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:
4.1 Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần đại tràng có chứa khối u, cùng với một số mô khỏe mạnh xung quanh. Một số loại phẫu thuật ung thư đại tràng bao gồm:
Cắt đại tràng bên phải: Khi tế bào ung thư xuất hiện ở phần đại tràng bên phải.
Cắt đại tràng bên trái: Áp dụng khi tế bào ung thư nằm ở bên trái.
Cắt toàn bộ đại tràng: Dành cho bệnh nhân có ung thư ở nhiều vị trí hoặc trong trường hợp ung thư di căn.
4.2 Hóa trị
Hóa trị là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể hoặc ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư. Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, rụng tóc và buồn nôn.
4.3 Xạ trị
Xạ trị sử dụng bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật để giảm kích thước khối u hoặc tiêu diệt các tế bào còn sót lại.
5. Cách phòng ngừa ung thư đại tràng
Để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng, chúng ta có thể thực hiện một số thay đổi tích cực trong lối sống và chế độ dinh dưỡng:
Tăng cường vận động và duy trì cân nặng hợp lý: Hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc ung thư.
Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia: Đây là hai tác nhân chính gây ung thư không chỉ ở đại tràng mà còn ở các cơ quan khác.
Ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc và hạn chế thịt đỏ: Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Bổ sung vitamin D: Một số nghiên cứu cho thấy rằng vitamin D có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng, tuy nhiên không nên bổ sung quá liều.
Nhận biết sớm các biểu hiện ung thư đại tràng giúp hát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó có thể điều trị hiệu quả và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi người cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có các yếu tố nguy cơ cao. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do ung thư đại tràng.