Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Lúc này, các biến chứng của sỏi thận bắt đầu hình thành nếu người bệnh không phát hiện và chữa trị sớm. Chức năng thận sẽ bị giảm và gây ra suy thận.
Menu xem nhanh:
1. Biến chứng của sỏi thận
Những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản.
Sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó.
Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận.
Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Lúc này người bệnh sẽ thấy đau lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó.
Nếu nhiễm khuẩn nặng, biến chứng của sỏi thận thường gây hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu, kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hóa sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu. Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm cho hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản…
2. Biện pháp ngăn ngừa biến chứng của sỏi thận
Điều trị sớm bệnh sỏi thận là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa biến chứng của sỏi thận. Vì thế người bệnh sỏi thận cần tới trực tiếp bệnh viện để làm các xét nghiệm, kiểm tra chẩn đoán chính xác bệnh. Qua đó sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, can thiệp kịp thời.
Với sỏi nhỏ, có thể uống nước nhiều, uống nước râu ngô hay thuốc lợi tiểu cũng như một số loại thuốc nam để kích thích bài tiết, sỏi cũng theo đó ra ngoài. Bệnh nhân cũng có thể được uống thuốc giãn cơ để niệu quản không co thắt, đồng thời uống thuốc lợi tiểu để sỏi ra ngoài.
Nếu sỏi đã quá lớn khi phát hiện hoặc điều trị nội khoa không có kết quả, bệnh nhân có thể được chỉ định ngoại khoa (mổ thận lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi, thậm chí làm ổ nội soi gắp sỏi).
Tất cả bệnh nhân sỏi thận cần thực hiện: Uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng trên 2,5 lít/ngày. Điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm nhiễm ở thận. Điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ gây hình thành sỏi. Khi biết được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì phải điều trị theo nguyên nhân.