Nhiễm trùng tai, viêm phổi, nhiễm khuẩn viêm não,… là những biến chứng bệnh sởi ở trẻ em nếu bệnh không được kiểm soát tốt và điều trị kịp thời đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em
Khi bị nhiễm sởi, sau 7 ngày – 2 tuần, trẻ em sẽ có những triệu chứng thường gặp sau đây:
– Lúc mới khởi bệnh trẻ thường bị sốt cao, khi dấu hiệu sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát ban đặc trưng của sởi.
– Ban sởi lúc đầu nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất sẽ để lại những vết thâm trên da.
– Ngoài ra, bệnh sởi ở trẻ còn có một số triệu chứng như: chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt, đôi khi trẻ bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đường tiêu hóa.
Khi trẻ có những triệu chứng của bệnh sởi, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và có phương pháp điều trị sớm bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
2. Biến chứng bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi ở trẻ em nếu không được điều trị đúng cách có thể gây nên biến chứng nguy hiểm như:
2.1. Nhiễm trùng tai
Một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh sởi là nhiễm trùng tai do vi khuẩn. Nhiễm trùng tai thường khiến trẻ cảm thấy đau ở tai, đối với những trẻ lớn hơn chúng có thể nói với bố mẹ. Đối với trẻ sơ sinh bạn cần đặc biệt lưu ý hơn, vì chúng không thể truyền đạt bằng lời nói mà chỉ có biểu hiện quấy khóc.
2.2. Viêm phế quản – phổi
Viêm phế quản – phổi là do virus gây bệnh sởi, xảy ra thường xuyên hơn do nhiễm thêm đường hô hấp và bề mặt phổi bị hư hại do virus hoặc vi khuẩn khác. Viêm phế quản – phổi có những biểu hiện rõ ràng qua việc thở nhanh, thở khó, ho và đau ngực trầm trọng hơn. Biến chứng này rất nguy hiểm và thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.
2.3. Tiêu chảy
Tiêu chảy thường là biến chứng nhẹ của bệnh sởi, thường gặp đối với những trẻ nhẹ cân và suy dinh dưỡng. Tiêu chảy sau sởi nặng nề hơn và có nhiều biến chứng hơn tiêu chảy cấp do virus thông thường gây ra.
2.4. Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn gây viêm mắt khá nghiêm trọng và có thể dẫn đến sẹo giác mạc, biến chứng này thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn. Ở trẻ em Châu Phi, sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.
2.5. Viêm não
Khoảng 1 trong số 1.000 người mắc bệnh sởi sẽ gặp biến chứng gọi là viêm não, với các biểu hiện như co giật, hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ. Viêm não có thể xảy ra ngay sau khi bị bệnh sởi, hoặc có thể không xảy ra cho đến vài tháng sau đó.
Trẻ bị bệnh sởi, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị đúng cách. Bên cạnh việc thực hiện theo đúng đơn thuốc của bác sĩ, cha mẹ nên áp dụng chế độ chăm sóc trẻ đúng cách. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học tại nhà để tránh lây nhiễm sang trẻ khỏe mạnh. Vệ sinh thân thể cho trẻ, vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn hàng ngày, tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.