Một chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh viêm loét dạ dày. Chính vì thế, người bệnh bị loét dạ dày cần nắm được những loại thực phẩm nên ăn, nên kiêng cùng những lưu ý về chế độ ăn đúng cách hằng ngày.
Menu xem nhanh:
1. Bị loét dạ dày nên ăn gì?
Đối với người bệnh viêm loét dạ dày cần được bổ sung thêm các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp ích cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giảm tiết acid dạ dày và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất,…
1.1. Chuối cực kỳ tốt với người bệnh bị loét dạ dày
Thành phần trong chuối đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa: khả năng trung hòa được nồng độ acid vượt quá ngưỡng trong dịch dạ dày; tác dụng giảm viêm; cung cấp năng lượng; hàm lượng kali và thành phần xơ hòa tan pectin cao giúp ích với người bệnh rối loạn tiêu hóa, táo bón và tiêu chảy.
1.2. Cơm
Cơm mềm, dễ tiêu hóa. Không chỉ vậy, cơm còn giúp tránh kích thích tiết nhiều acid ở dạ dày, làm giảm cơn đau dạ dày, giảm nguy cơ tiêu chảy. Ngoài cơm, chúng ta có thể lựa chọn các thực phẩm tương tự như xôi, bánh mì, bánh chưng, khoai, cháo, súp,…
1.3. Sữa chua
Sữa chua có nhiều lợi khuẩn probiotic, enzyme giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng. Sữa chua giúp tạo lớp đệm trên niêm mạc, giảm kích thích dạ dày. Tuy nhiên, bạn nên cân đối lượng sữa chua nạp vào sao cho phù hợp, không lạm dụng ăn quá nhiều sẽ không tốt với người bệnh viêm loét dạ dày.
1.4. Nhóm thực phẩm tốt trong hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày
Nhóm thực phẩm giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày bao gồm nghệ, gừng, mật ong, trà thảo dược,… Người bệnh viêm loét dạ dày nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách sử dụng các loại thực phẩm này để mang lại hiệu quả tốt nhất,
1.5. Đậu bắp
Đậu bắp cung cấp nhiều vitamin có lợi như: B, C, E và các dưỡng chất khác. Đặc biệt, chất nhầy trong đậu bắp là loại phức hợp protein kết dính polysaccharides, pectin và một số các chất khác. Các chất này sẽ giúp bảo vệ tốt cho lớp niêm mạc dạ dày và hỗ trợ làm lành các ổ viêm loét.
1.6. Thực phẩm giàu vitamin
Nhóm vitamin cần thiết có lợi cho người bệnh viêm loét dạ dày như: vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie. Hãy lựa chọn ngũ cốc, rau củ có màu đỏ và xanh đậm,.. sẽ rất tốt với người bệnh viêm loét dạ dày.
2. Bị loét dạ dày kiêng ăn gì?
Người bệnh viêm loét dạ dày cần lưu ý những loại thực phẩm sau nếu không muốn tình trạng bệnh thêm nặng.
2.1. Rượu và đồ uống có cồn
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, rượu bia và đồ uống chứa cồn gây kích thích và thậm chí là làm tổn hại nghiêm trọng tới ống tiêu hóa, khiến các vết loét ở dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần tránh xa loại đồ uống này tuyệt đối.
2.2. Các đồ ăn giàu chất béo
Các đồ ăn giàu chất béo tạo gánh nặng tiêu hóa lên dạ dày nên dễ dẫn tới tình trạng đau bụng, khó tiêu. Người bệnh cần hạn chế các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn,…
2.3. Đồ ăn cay – khắc tinh của người bệnh bị loét dạ dày
Các loại gia vị cay và đồ ăn cay nóng dễ gây kích thích và gây tổn thương tới lớp niêm mạc dạ dày, từ đó khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng. Do đó người bệnh bị viêm loét dạ dày cần hạn chế thấp nhất loại đồ ăn này
2.4. Trái cây họ cam chanh
Các loại trái cây thuộc họ cam chanh như cam, bưởi, chanh, quất,.. có chứa các acid tự nhiên gây kích thích vết loét. Tuy nhiên, những loại trái cây này lại rất giàu vitamin có lợi nên người bệnh có thể cân đối sử dụng một lượng vừa phải mà không cần kiêng khem tuyệt đối loại thực phẩm này.
2.5. Sữa tươi
Sữa tươi có thể gây kích thích khiến dạ dày tiết ra nhiều acid hơn, điều này làm cho tình trạng loét dạ dày trở nên thêm tệ.
3. Những thói quen sinh hoạt hằng ngày cần lưu ý
Khi đã nắm được các loại thực phẩm nên ăn và nên kiêng, người bệnh viêm loét dạ dày còn cần đặc biệt quan tâm tới các thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể, người bệnh cần lưu ý những điều như sau:
– Ăn đủ bữa, đúng giờ. Có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, điều này sẽ đảm bảo dạ dày sẽ thường xuyên có thức ăn để trung hòa đủ lượng acid.
– Ưu tiên chế biến món ăn theo cách: luộc, hấp hay om, kho,.. thay vì các món chiên qua dầu, xào, rán,.. vì những đồ ăn này dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn.
– Ăn chậm, nhai kỹ và cần tập trung khi ăn. Điều này giúp nâng cao hiệu suất tiêu hoá.
– Không ăn quá no hoặc để bụng đói quá lâu. Khi đói quá lâu làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn và gây đau, thậm chí có thể dẫn tới chảy máu. Còn khi ăn quá no khiến dạ dày căng to, co bóp yếu, từ đó ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn và tăng cọ xát khiến cơn đau dạ dày thêm nghiêm trọng.
– Tránh đồ ăn bị quá đặc hoặc quá lỏng. Đồ ăn quá đặc làm dịch vị khó thấm đều vào thức ăn. Đồ ăn lỏng hoặc quá nhiều nước sẽ làm pha loãng dịch vị. Cả 2 trường hợp này đều làm giảm khả năng tiêu hóa.
– Tránh ăn thức ăn khi quá nóng hoặc quá lạnh vì đều làm dạ dày phải co bóp mạnh hơn và sẽ gây đau nhiều hơn. Nhiệt độ thích hợp nhất để tiêu hóa và hấp thu nên được giữ ấm khoảng 40-50 độ C.
4. Kết luận
Bệnh viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể được chữa khỏi dứt điểm nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện chế độ ăn uống khoa học cùng thói quen sinh hoạt điều độ.
Người bệnh bị loét dạ dày tuyệt đối không chủ quan với bệnh hoặc tự tiến hành “bắt bệnh” và điều trị tại nhà vì điều này có thể làm tình trạng thêm trở nặng. Trên hết, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định xử lý đúng cách.