Võng mạc trẻ sinh non là một bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh dưới 33 tuần và có thể trạng yếu, nhẹ cân. Bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ, vì thế việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Cha mẹ đừng chủ quan với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP) là một bệnh lý ở mắt, biểu hiện tình trạng rối loạn tăng sinh mạch máu. Bệnh thường gặp ở những trẻ sinh non dưới 33 tuần tuổi, trẻ nhẹ cân và có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài. Các trường hợp trẻ bị suy hô hấp, viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng,… cũng cần phải khám mắt nếu có chỉ định của bác sĩ sơ sinh.
Nếu để bệnh diễn tiến âm thầm mà không được phát hiện, điều trị kịp thời trong vòng 6 tháng đầu đời thì có thể dẫn đến nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Tại nhiều quốc gia, ROP được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.
1.1. Vì sao trẻ sinh non dễ bị mắc bệnh?
Trẻ càng sinh non, nhẹ cân và ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và mức độ bệnh càng nặng. Nguyên nhân gây bệnh được xác định như sau: Võng mạc mắt được hình thành từ tuần 16 đến tuần 40 của thai kỳ. Hệ thống mạch máu này có tác dụng cung cấp dưỡng chất và oxy, giúp phát triển toàn bộ bề mặt lớp trong cùng phía sau của mắt.
Chính vì thế, ở trẻ sinh non thì mạch máu võng mạc sẽ không được phát triển hoàn thiện. Sự bất thường này gây ra những tổn hại đến võng mạc và thị giác ở trẻ sơ sinh.
1.2. Dấu hiệu nhận biết võng mạc trẻ sinh non
Ở giai đoạn sớm 1 và 2, cha mẹ gần như không thể phát hiện việc bé bị bệnh do ROP rất khó nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các dụng cụ y khoa, máy chuyên dụng, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể khám đáy mắt của bé và phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.
Cần lưu ý rằng, ROP chỉ biểu hiện ra bên ngoài khi bệnh đã bước vào giai đoạn muộn. Chính vì thế, cha mẹ cần cho bé đi khám sàng lọc chuyên khoa mắt ngay sau sinh nhằm phát hiện sớm dấu hiệu bệnh, có phương án điều trị kịp thời và giữ lại ánh sáng đôi mắt cho trẻ.
1.3. Các giai đoạn của bệnh võng mạc trẻ sinh non
Bệnh ROP sẽ bắt đầu từ những thay đổi nhỏ ở mạch máu, sau đó dần dần phát triển thành những thay đổi lớn hơn ở vùng tiếp nối giữa võng mạc có mạch máu và võng mạc chưa có mạch máu. Bệnh có 5 giai đoạn với các mức độ tổn thương khác nhau:
– Giai đoạn 1: Xuất hiện đường ranh mỏng màu trắng, ngăn cách giữa khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch. Lúc này mạch máu vẫn có thể phát triển bình thường, tuy nhiên cần theo dõi sát tình trạng của trẻ.
– Giai đoạn 2: Đường ranh trắng hiển thị rõ hơn, dần dần phát triển thành một đường gờ màu trắng hoặc hồng. Các búi mạch máu bất thường rải rác sau gờ, tạo thành hình ảnh giống như ngô rang.
– Giai đoạn 3: Từ bề mặt gờ trắng, tổ chức xơ mạch tăng sinh và lan rộng ra phía sau/ phía trước bề mặt võng mạc vào trong dịch kính.
– Giai đoạn 4: Tổ chức xơ phát triển mạnh mẽ vào trong dịch kính, gây ra tình trạng co kéo võng mạc. Lúc này, một phần võng mạc có thể bị bong khỏi nhãn cầu.
– Giai đoạn 5: Võng mạc bị bong toàn bộ và cuộn lại thành dạng hình phễu. Có 3 loại phễu là phễu mở, phễu đóng hoặc phía trước đóng, phía sau mở.
Càng phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị càng thấp và có nguy cơ tước đi thị lực vĩnh viễn ở trẻ. Cha mẹ cần theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ và ghi nhớ lịch thăm khám định kỳ để chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ.
2. Các phương pháp chữa bệnh võng mạc trẻ sinh non
Việc điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non cần được tiến hành càng sớm càng tốt nhằm đạt hiệu quả cao. Trên thế giới hiện tại có 3 phương pháp điều trị bệnh ROP, bao gồm:
– Tiêm nội nhãn – thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (anti VEGF). Phương pháp này có tỷ thành công trên 98%
– Phẫu thuật laser quang đông có tỷ lệ thành công từ 65% lên tới 95% tùy hình thái. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không đạt hiệu quả điều trị cao đối với trường hợp trẻ có tuổi thai và cân nặng quá thấp.
– Phẫu thuật bong võng mạc: Áp dụng với trường hợp bị bong võng mạc. Sau khi khám lâm sàng và đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
3. Mách cha mẹ cách phòng ngừa võng mạc ở trẻ sinh non
Đối với trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc, lời khuyên tốt nhất dành cho cha mẹ là thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và đưa trẻ đến thăm khám chuyên khoa mắt tại những cơ sở y tế uy tín.
Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai cần đặc biệt quan tâm tới sức khỏe, duy trì lịch khám định kỳ và tránh để xảy ra tình trạng sinh non. Dưới đây là một số biện pháp giúp thai phụ giảm thiểu nguy cơ sinh trước 34 tuần:
– Phụ nữ mang thai trước 18 tuổi hoặc sau 35 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, trong đó có sinh non. Lời khuyên tốt nhất dành cho các chị em là tránh mang thai quá sớm hoặc quá muộn để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, đồng thời tránh được những rủi ro bệnh tật tiềm ẩn.
– Nếu thai phụ có tiền sử từng sinh non, hãy thông báo với bác sĩ sản khoa để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí kịp thời.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước để ngăn tình trạng mất nước dẫn đến khó chịu tử cung.
– Tránh làm các công việc bê vác nặng nhọc, nguy hiểm, hoặc làm việc trong điều kiện môi trường độc hại.
– Vệ sinh vùng kín hàng ngày để hạn chế đối đa nguy cơ mắc viêm nhiễm phụ khoa.
– Xây dựng lối sống khoa học, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời tránh xa căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
– Nữ giới trong thời gian mang thai nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, phát hiện những cơn gò tử cung bất thường để kịp thời đi khám và điều trị dự phòng sinh non.
Bên cạnh việc dự phòng sức khỏe trong suốt giai đoạn mang thai thì cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ ngay từ khi chào đời. Đừng quên lịch hẹn của bác sĩ để việc thăm khám đạt được kết quả tốt nhất.
Trên đây là những thông tin giúp cha mẹ có cái nhìn tổng quan về bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Nếu cần tư vấn thêm, cha mẹ đừng ngại ngần liên hệ với Thu Cúc TCI để được tư vấn sớm nhất!