5 giai đoạn của bệnh võng mạc ROP ở trẻ sinh non

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Trần Bích Dung

Bác sĩ Chuyên khoa Mắt

Hiện nay, bệnh võng mạc ROP ở trẻ sinh non đã trở thành một mối lo lắng của các bậc cha mẹ khi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mù lòa của trẻ. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi sau điều trị trở thành một vấn đề hết sức quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Khái quát về bệnh võng mạc ROP ở trẻ sinh non

1.1. Bệnh võng mạc ROP ở trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) là tình trạng bị rối loạn tăng sinh mạch máu, xảy ra tại võng mạc trẻ sinh non cùng với quá trình tạo mạch máu võng mạc không hoàn chỉnh. Trẻ sinh non (trước 31 tuần), trẻ nhẹ cân (dưới 1,25 kg), đặc biệt là những trẻ có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Võng mạc ROP được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng mù lòa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, tất cả trẻ có cân nặng 1800g và tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần đều cần được thực hiện tầm soát bệnh ROP. Đối với trường hợp trẻ sinh non không đáp ứng các tiêu chí trên, nhưng mắc bệnh viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng, suy hô hấp phải thở oxy sẽ được khám sàng lọc khi có chỉ định của bác sĩ. Ưu điểm của việc tầm soát theo tiêu chuẩn này đó là giúp không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào có nguy cơ mắc bệnh ROP.

ROP được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng mù lòa

Tại Việt Nam, trẻ có cân nặng 1800g và tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần đều cần được tầm soát bệnh ROP

1.2. Nguyên nhân gây nên bệnh võng mạc ROP ở trẻ sinh non

Ở tuần thứ 16 thai kỳ, mắt của bé sẽ bắt đầu phát triển các mạch máu võng mạc. Tiếp đó tiến dần đến cạnh võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Quá trình phát triển này thường diễn ra nhanh hơn ở 12 tuần cuối thai kỳ. Ở trẻ sinh non chưa đủ tháng, quá trình phát triển này sẽ bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận tới cạnh võng mạc, không cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc dẫn đến nguy cơ mắc bệnh lý về võng mạc.

2. Tìm hiểu 5 giai đoạn phát triển của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Tiến triển của bệnh võng mạc ROP được chia thành 5 giai đoạn với các đặc điểm tổn thương khác nhau. Cụ thể như sau:

2.1. Giai đoạn 1 của bệnh

Xuất hiện đường ranh giới mỏng có màu trắng, ngăn cách giữa hai khu vực (khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và võng mạc vô mạch). Ở giai đoạn 1, các mạch máu vẫn có thể tiếp tục phát triển bình thường, tuy nhiên bác sĩ sẽ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của bé.

2.2. Giai đoạn 2 của bệnh

Lúc này, đường ranh giới giữa khu vực võng mạc đã hình thành các mạch máu, khu vực võng mạc vô mạch nhìn thấy rõ hơn và phát triển khỏi bề mặt võng mạc, trở nên rộng – cao tạo thành một đường gờ màu trắng (nếu có ít mạch máu) hoặc hồng (nếu có nhiều mạch máu). Các búi mạch máu bất thường nằm rải rác sau gờ, tạo ra hình ảnh giống như ngô rang.

2.3. Giai đoạn 3 của bệnh

Đây là giai đoạn tăng sinh sợi mạch ở ngoài võng mạc. Từ bề mặt của gờ, tổ chức xơ mạch sẽ tăng sinh, phát triển lan rộng ra sau bề mặt võng mạc hoặc phát triển ra trước, vuông góc với bình diện võng mạc vào dịch kính. Ở giai đoạn này, tình trạng bệnh ROP còn được phân chia theo mức độ nhẹ, vừa, nặng tùy thuộc vào mức độ tăng sinh của tổ chức xơ mạch vào dịch kính.

2.4. Giai đoạn 4 của bệnh

Tổ chức xơ phát triển mạnh vào trong buồng dịch kính dẫn tới tình trạng co kéo vào võng mạc, làm một phần võng mạc bong khỏi thành nhãn cầu. Dựa vào vị trí của võng mạc bong, người ta chia giai đoạn này ra làm hai phần là 4A và 4B.

– Vào giai đoạn 4A, chức năng của mắt lúc này chưa bị tổn thương nhiều. Tình trạng bong võng mạc còn chưa lan đến vùng hoàng điểm.

– Vào giai đoạn 4B, chức năng của mắt sẽ giảm rõ rệt. Tình trạng bong võng mạc rộng hơn lan đến cả võng mạc vùng hoàng điểm.

2.5. Giai đoạn 5 của bệnh

Vào giai đoạn này, trẻ sẽ bị bong võng mạc toàn bộ. Võng mạc bị bong sẽ cuộn lại có dạng hình phễu.

Nguyên nhân gây bệnh võng mạc ROP ở trẻ sinh non

Bệnh ROP thường được chia thành 5 giai đoạn

3. Yếu tố gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Với các tiến bộ vượt bậc của y học trong việc chăm sóc trẻ sinh non trong những năm gần đây, nhiều trẻ sơ sinh nhẹ cân, tuổi thai nhỏ đã được cứu sống. Tuy nhiên, một vấn đề nổi bật ở trẻ sinh non thiếu tháng đó là khi tuổi thai càng nhỏ thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Đối tượng cần được thực hiện chẩn đoán và theo dõi bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh bao gồm:

– Trẻ sinh non dưới 31 tuần.

– Trẻ lúc sinh ra có cân nặng dưới 1500g.

– Trẻ khi sinh có cân nặng từ 1500g – 2000g, là trường hợp đa thai.

– Trẻ khi sinh ra có cân nặng 1500g – 2000g, xuất hiện các bệnh lý kèm theo như bị ngạt khi sinh phải thở oxy trong kéo dài, viêm phổi, thiếu máu hoặc nhiễm trùng,…

Ba mẹ cần biết rằng, khi bệnh võng mạc ROP ở thể nhẹ, đã được chữa khỏi và không tiến triển thêm thì trẻ vẫn có thể mắc phải một số khuyết điểm như bị cận thị hoặc lé khi lớn. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ điều chỉnh khi bé được 1 – 2 tuổi. Mặt khác, khi căn bệnh võng mạc ở trẻ sinh non tiến triển thể nặng, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, bệnh nhi có thể bị mù lòa; loạn sản phổi – phế quản có thể gặp ở trẻ sinh cực non hoặc trẻ suy hô hấp cần thở máy. Ngoài ra, bệnh ROP còn có thể tiến triển thành nhiễm trùng, vàng da nặng hoặc thiếu máu.

Biến chứng của bệnh ROP

Ba mẹ nên cho trẻ thăm khám mắt sớm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh

Bệnh võng mạc ROP ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1 và 2), nếu chỉ quan sát bằng mắt thì sẽ rất khó để thấy được triệu chứng bệnh. Thông thường, bệnh chỉ biểu hiện những triệu chứng rõ rệt khi chuyển sang giai đoạn muộn. Do đó, để phát hiện sớm bệnh võng mạc ở trẻ và điều trị hiệu quả thì phụ huynh cần cho bé khám sàng lọc chuyên khoa mắt ngay sau sinh. Hy vọng bài viết trên đã giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về căn bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ tới Thu Cúc TCI để được giải đáp tận tình nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital