Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non – gọi tắt là ROP (Retinopathy of prematurity) – là một rối loạn mắt do sự phát triển bất thường của các mạch máu võng mạc, thường gặp ở trẻ đẻ non (trước 31 tuần tuổi) hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 1250g).

1. Tìm hiểu về bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

1.1. Định nghĩa

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non – gọi tắt là ROP – là tình trạng rối loạn tăng sinh mạch máu xảy ra ở võng mạc thường gặp ở trẻ sinh non (trước 31 tuần tuổi), nhẹ cân (dưới 1250g) và đặc biệt có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài. Cho đến hiện nay, bệnh được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho trẻ ở nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, tất cả trẻ em có cân nặng dưới 1800g và tuổi thai dưới 34 tuần đều cần thực hiện tầm soát ROP. Đối với những trường hợp trẻ sinh non không thỏa mãn hai tiêu chí trên nhưng mắc viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng hay suy hô hấp phải thở oxy cũng cần thực hiện sàng lọc dưới sự chỉ định của bác sĩ.

võng mạc ở trẻ đẻ non

ROP là tình trạng rối loạn tăng sinh mạch máu thường gặp ở trẻ sinh non.

1.2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ở tuần 16 của thai kỳ, mắt sẽ bắt đầu phát triển các mạch máu võng mạc. Các mạch máu võng mạc này phát triển và tiến dần đến cạnh võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Quá trình phát triển sẽ diễn ra đặc biệt nhanh chóng ở 12 tuần cuối thai kỳ. Do đó ở trẻ sinh non, quá trình này bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận và cung cấp đủ oxy, chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc dẫn đến nguy cơ hình thành các bệnh lý võng mạc. Nhìn chung, tuổi thai càng nhỏ thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao.

1.3. Các giai đoạn phát triển của bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

ROP bắt đầu với những thay đổi nhỏ ở mạch máu, tiến triển dần đến những thay đổi lớn hơn ở vùng giao giữa võng mạc có mạch máu phát triển bình thường và võng mạc chưa có mạch máu hay còn gọi là võng mạc vô mạch. Cụ thể, bệnh được chia thành 5 giai đoạn như sau:

– Giai đoạn 1

Xuất hiện đường ranh giới mỏng màu trắng ngăn giữa hai khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và võng mạc vô mạch.

– Giai đoạn 2

Đường ranh giới hiện lên rõ hơn, rộng và cao, phát triển khỏi bề mặt võng mạc tạo thành một đường gờ màu trắng hoặc hồng. Các búi mạch máu bất thường nằm rải rác sau gờ.

– Giai đoạn 3

Từ bề mặt gờ, các tổ chức xơ mạch tăng sinh và phát triển lan rộng ra phía trước hoặc sau bề mặt võng mạc.

– Giai đoạn 4

Tổ chức xơ mạch phát triển vào trong buồng dịch kính gây ra tình trạng co kéo vào võng mạc, khiến một phần võng mạc bong khỏi thành nhãn cầu.

– Giai đoạn 5

Võng mạc bong toàn bộ, cuộn lại có dạng hình phễu.

võng mạc ở trẻ đẻ non

Bệnh càng để lâu, cơ hội chữa trị càng giảm.

1.4. Dấu hiệu nhận biết bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

Ở giai đoạn sớm, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì rất khó để nhận biết ROP. Những triệu chứng bên ngoài chỉ biểu hiện rõ ràng khi bệnh đã tiến vào giai đoạn cuối. Do đó để phát hiện sớm bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non cũng như hỗ trợ điều trị hiệu quả, bố mẹ cần cho bé thăm khám sàng lọc chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.

Ở thể nhẹ, khi đã được chữa khỏi và không tiến triển thêm, một số biến chứng trẻ có thể gặp phải khi lớn có thể kể đến cận thị hoặc lé. Tuy nhiên bố mẹ không cần quá lo lắng bởi bác sĩ có thể điều chỉnh những trường hợp này khi bé được 1 – 2 tuổi. Ngược lại. khi bệnh đã tiến triển nặng, việc điều trị và phục hồi sẽ vô cùng khó khăn, trẻ có thể phải đối mặt với tình trạng mù lòa, loạn sản phổi – phế quản. Bên cạnh đó, ROP có thể biến chứng sang nhiễm trùng, vàng da và thiếu máu.

2. Phương pháp chẩn đoán và phòng ngừa bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non

2.1. Phương pháp chẩn đoán

Những đối tượng cần thực hiện chẩn đoán và theo dõi ROP bao gồm:

– Trẻ đẻ non dưới 31 tuần tuổi.

– Trẻ khi sinh nặng dưới 1500g.

– Trẻ thuộc trường hợp đa thai, khi sinh nặng từ 1500 – 2000g.

– Trẻ khi sinh nặng từ 1500-2000g, có các bệnh lý kèm theo như bị ngạt phải thở oxy thời gian dài, viêm phổi, nhiễm trùng, thiếu máu,…

Các chẩn đoán ban đầu có thể tiến hành vào thời điểm 4 – 6 tuần sau sinh. Bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng thuốc giãn đồng tử cho bé vào cả hai mắt, tra ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 10 phút. Ngay sau khi tra thuốc, điều dưỡng sẽ chấm khô thuốc trên mắt để tránh tác dụng phụ và liên tục theo dõi tình trạng của bé. Khi đồng tử trẻ đã giãn tối thiểu 4mm, bác sĩ sẽ sử dụng máy soi đáy mắt với cường độ ánh sáng vừa phải để tránh gây chói, khô giác mạc hay tổn thương hoàng điểm bởi nhiệt độ cao khi ánh sáng hội tụ qua kính lúp.

Tùy thuộc vào số lượng mạch máu phát triển bất thường quan sát được mà bác sĩ sẽ phân loại độ nặng của bệnh. Dựa trên những yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng, vị trí vùng thiếu máu trong mắt và tốc độ hình thành mạch máu bất thường mà bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác từ 1 – 2 lần mỗi tuần. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định ngừng tái khám khi võng mạc đã hoàn toàn trưởng thành, mạch máu võng mạc bên phía thái dương phát triển đến bờ trước võng mạc, trẻ mắc ROP nhưng bệnh đã thoái triển hoàn toàn.

võng mạc ở trẻ sinh non

Nếu trẻ có những đặc điểm trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được thăm khám và chẩn đoán kĩ càng.

2.2. Phương pháp phòng ngừa

Với trẻ đẻ non có những đặc điểm như trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được thăm khám và chẩn đoán kĩ càng. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, thai phụ cần lưu ý những điểm sau:

– Không nên có thai quá sớm hoặc quá muộn (trước 18 tuổi và sau 35 tuổi).

– Tìm nguyên nhân và điều trị triệt để nếu thai phụ từng sinh non.

– Uống đủ nước để đề phòng tình trạng mất nước gây khó chịu tại tử cung.

– Không nhịn tiểu.

– Thai phụ cần vệ sinh kỹ sau khi đi vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm.

– Vệ sinh răng miệng thường xuyên, điều trị các bệnh nha chu.

– Hạn chế nằm ngửa, thay vào đó hãy nghiêng sang trái hoặc phải.

– Cân bằng thời gian biểu trong ngày giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng trong cuộc sống.

– Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đảm bảo khoa học.

– Tránh các việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc môi trường độc hại.

– Theo dõi, để ý những cơn gò tử cung bất thường, đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe cũng như chữa trị dự phòng sinh non kịp thời.

Trên đây là những thông tin chung về bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non như nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết, cùng biện pháp đề phòng và chẩn đoán bệnh. Hi vọng bài viết đã phần nào giúp bạn giải đáp được những thắc mắc của bản thân. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi sức khỏe nào liên quan, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp nhanh nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital