Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh thường gặp và có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề. Bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ nào dễ bị viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản thường là do virus, chiếm 30-50% các trường hợp mắc bệnh. Virus có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh thường phát triển thành dịch. Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đối tượng dễ bị viêm tiểu phế quản hơn cả là trẻ dưới 2 tuổi.
Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virus hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ.
Những trẻ từng bị ốm do nhiễm virus trước đó như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA… nếu không được chăm sóc tốt cũng rất dễ mắc bệnh.
Ngoài ra, các trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc viêm tiểu phế quản.
2. Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường có biểu hiện gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh hay gặp ở trẻ em với các triệu chứng như viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn.
Ngoài ra, trẻ sẽ có biểu hiện ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3- 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở.
Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím tái…ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa.
Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng, kéo hơn, nhiều biến chứng và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non – nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.
Lúc này cha mẹ nên đưa trẻ tới trực tiếp bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp.
3. Chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản
Tùy vào từng trường hợp bệnh mà áp dụng phương pháp điều trị và chăm sóc trẻ phù hợp:
– Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng thì có thể được chăm sóc tại nhà. Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc theo đúng như chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn.
– Trong trường hợp bệnh nặng, xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe mà chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
Các bậc cha mẹ nên chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ, theo dõi tiến triển tình trạng bệnh và tái khám định kỳ. Có như vậy mới giúp phục hồi nhanh chóng bệnh của trẻ và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.