Bộ máy tiêu hóa gồm nhiều cơ quan, bắt đầu từ miệng cho tới hậu môn, đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. So sức khỏe suy yếu, người cao tuổi dễ gặp phải các bệnh tiêu hóa với mức độ nguy hiểm hơn đối với người trẻ. Sau đây là các bệnh lý phổ biến nhất và cách để người cao tuổi phòng bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Danh sách bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở người cao tuổi
1.1. Viêm loét dạ dày – tá tràng
Hệ miễn dịch ở người già suy giảm, các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn HP có nguy cơ phát triển mạnh và tấn công gây bệnh dạ dày – tá tràng. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường gặp phải nhiều bệnh lý khác, phải sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc xương khớp, thuốc tim mạch,… Tác dụng phụ của những loại thuốc này cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Viêm loét dạ dày – tá tràng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh đối mặt với nguy cơ chảy máu dạ dày, thủng dạ dày – tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày.
1.2. Trào ngược dạ dày – thực quản
Tình trạng này xảy ra khi thức ăn từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản, hầu họng. Sử dụng thường xuyên các loại thuốc giảm đau là một trong những tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, một số nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày còn có suy cơ thắt dưới thực quản và thoát vị hoành.
Bệnh lý này có thể gây ra các vấn đề tại thực quản như viêm loét, chít hẹp, barrett, ung thư thực quản. Viêm họng, viêm xoang cũng là một số biến chứng khác của trào ngược dạ dày – thực quản.
1.3. Tiêu chảy – bệnh tiêu hóa phổ biến ở người lớn tuổi
Hiện tượng tiêu chảy xuất hiện do hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn ở người già. Các yếu tố gây bệnh phát triển mạnh trong thời điểm nắng nóng, do đó tiêu chảy thường gặp nhất vào mùa hè.
Tiêu chảy khiến người bệnh mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần. Ở thể cấp tính hay mạn tính, tiêu chảy đều có thể gây mất nước, mất điện giải, khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng.
1.4. Táo bón
Lý do chính dẫn đến táo bón là người già ít vận động, ăn ít rau, chức năng và hệ men tiêu hóa đường ruột suy giảm. Tình trạng này có thể gây đau bụng, đặc biệt là vùng hố chậu và bụng dưới. Táo bón kéo dài rất dễ dẫn đến bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và các bất thường về huyết áp, tim mạch, thận.
1.5. Sa dạ dày – bệnh tiêu hóa ở người cao tuổi
Dạ dày có thể bị sa xuống thấp với các mức độ nặng nhẹ khác nhau do tình trạng co bóp kém. Đây là nguyên nhân khiến thức ăn tồn lưu tại dạ dày trong thời gian dài. Từ đó, người bệnh sẽ có cảm giác nặng bụng, khó tiêu, khó chịu.
1.6. Bệnh lý đại tràng
Người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh đại tràng như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng sigma, bệnh Crohn,… Người bệnh sẽ gặp nhiều phiền toái như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, ăn không tiêu, đau bụng âm ỉ kéo dài, rối loạn đại tiện,…
1.7. Sỏi mật
Thông thường, túi mật bắt đầu có dấu hiệu lão hóa từ độ tuổi 40. Theo đó, túi mật teo đi, giảm lượng mật lưu trữ, giảm sức co bóp ở các cơ vách khiến mật không được đẩy hết xuống ruột. Lượng mật còn sót lại là nguyên nhân tạo sỏi mật.
Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có thể đối mặt với các bệnh lý về mật khác như viêm đường mật, viêm túi mật,… Cũng như sỏi mật, chúng làm suy giảm hiệu quả tiêu hóa thức ăn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
2. Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh tiêu hóa ở người cao tuổi
2.1. Lưu ý trong điều trị
Việc chẩn đoán chính xác các vấn đề tiêu hóa ở người cao tuổi là không dễ dàng. Lý do là bởi không ít người bệnh có dấu hiệu suy giảm trí nhớ, hoặc tâm lý e ngại việc thăm khám, dẫn đến thói quen giấu bệnh khi có triệu chứng bất thường.
Các dấu hiệu như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện,… có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, tại nhiều cơ quan trong cơ thể. Để có thể điều trị tận gốc, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán chính xác và toàn diện về bệnh lý.
Người cao tuổi cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả chữa trị. Người bệnh không nên mất kiên nhẫn, dừng thuốc hay tự ý thay đổi loại thuốc cũng như liều lượng sử dụng. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
2.2. Phòng bệnh như thế nào?
Để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, người cao tuổi cần thực hiện các biện pháp như sau:
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung nhiều rau và chất xơ; uống nhiều nước; ưu tiên thức ăn mềm, lỏng, được nấu chín; không ăn quá no; tránh sử dụng rượu bia, các thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu;…
– Luyện tập thể thao, vận động hàng ngày để tăng cường sức khỏe, miễn dịch và cải thiện chức năng tiêu hóa.
– Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế tối đa căng thẳng, lo lắng, bực tức.
– Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, tránh ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa.
– Thăm khám tiêu hóa định kỳ từ 1 đến 2 lần mỗi năm để phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường.
Trên đây là 7 bệnh tiêu hóa thường gặp ở người cao tuổi và cách để phòng tránh hiệu quả. Người già cần đặc biệt cảnh giác với các bệnh lý này và hãy áp dụng các biện pháp nói trên để bảo vệ tốt nhất hệ tiêu hóa của chính mình.