Menu xem nhanh:
Bệnh thấp tim ở trẻ em thường gặp ở lứa tuổi nào?
- Bệnh thấp tim thường gặp ở lứa tuổi từ 7-15 tuổi, nhất là trẻ từ 9-12 với những trẻ có cơ địa dị ứng như hay bị mề đay, hen phế quản, chàm có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. (ảnh minh họa).
Bệnh thấp tim ở trẻ em xảy ra do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sau khi trẻ bị viêm họng, viêm amidan do nhiễm loại liên cầu khuẩn này. Nhưng không phải trẻ em nào khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A cũng đều bị bệnh thấp tim. Bệnh thường hay gặp ở trẻ lứa tuổi từ 7-15 tuổi, nhất là trẻ từ 9-12 và những trẻ có cơ địa dị ứng như hay bị mề đay, hen phế quản, chàm có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra trẻ sinh sống ở những vùng có điều kiện sinh hoạt thấp, nhà ở chật chội, vệ sinh kém, kinh tế khó khăn, ô nhiễm môi trường sống,… cũng khiến trẻ dễ mắc viêm họng và nguy cơ bị thấp tim cũng cao hơn. Bên cạnh đó, yếu tố gia đình cũng là một trong những nhân tố.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thấp tim ở trẻ em
Các biểu hiện thấp tim ở trẻ em thường xuất hiện sau 2-4 tuần nhiễm liên cầu khuẩn. Biểu hiện ban đầu là trẻ thường sốt từ 38-40 độ C, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, tiểu ít, mệt mỏi, kém ăn, mặt bé trông nhợt nhạt. Bệnh biểu hiện ở các vị trí như tim, khớp, thần kinh, da.
Biểu hiện ở tim
- Bệnh thấp tim ở trẻ em khiến trẻ có biểu hiện mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim. (ảnh minh họa)
Đây là biểu hiện thường gặp và cũng nguy hiểm nhất. Các tổn thương tim và màng trong tim, tổn thương phổ biến nhất là hở và hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ. Trẻ có các biểu hiện như mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim. Tình trạng viêm tim nặng có thể dẫn tới suy tim cấp và nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng ở van tim.
Biểu hiện ở khớp
Sau khi có các biểu hiện ban đầu của bệnh thấp tim, khoảng 1-5 tuần thì trẻ có các biểu hiện đau ở khớp. Một số khớp bị viêm sưng nóng đỏ. Cảm giác đau lan tỏa từ khớp này sang khớp khác. Các khớp bị sưng, đau, nóng, đỏ thường gặp là các khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay. Triệu chứng đau rất dữ dội, thường khi người bệnh thấy đau ở khớp cũng là lúc bệnh tấn công mạnh ở tim. Vì vậy, ngay khi người bệnh có cơn đau ở khớp thì ở tim cũng có tổn thương (cơ tim, các màng tim và các van tim).
Biểu hiện ở thần kinh
Các triệu chứng thường biểu hiện ở giai đoạn muộn của bệnh thấp tim. Có thể xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm liên cầu. Những biểu hiện ở hệ thần kinh thường đặc biệt, ban đầu trẻ chỉ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm theo các rối loạn tay, chân như máu chân tay bất thường, nói khó, cầm đũa, cầm bút viết hay rơi,…
Biểu hiện ở da
Các biểu hiện của bệnh thấp tim ở da thường hiếm gặp. Có thể có các hạt Meynet kích thước nhỏ thường xuất hiện ở đầu gối, ấn không đau. Hoặc các hạt ban màu hồng, vàng nhạt đường kinh 1-3cm xuất hiện ở than mình, chân, tay thường tồn tại một vài ngày đến một tuần rồi biến mất.
Bệnh thấp tim rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ sẽ gây tổn thương van động mạch chủ, dẫn đến suy tim, gây tổn thương não, thận…Vì vậy cần được phát hiện sớm cũng như có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh thấp tim ở trẻ em
- Để phòng ngừa bệnh thấp tim, ba mẹ nên cho bé đi thăm khám khi con gặp các vấn đề về tai mũi họng để bác sĩ kiểm tra và có biện pháp điều trị hiệu quả cho bé. (ảnh minh họa)
Đừng để bệnh gây biến chứng nặng rồi mới tìm cách điều trị. Ba mẹ cần chú ý phòng ngừa bằng những biện pháp sau:
– Vệ sinh sạch sẽ: giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh mũi họng thường xuyên, sạch sẽ; giữ ấm cổ, ngực, họng về mùa đông; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức để kháng cho bé.
– Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan, viêm xoang cần đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa để điều trị triệt để. Nếu thấy con có các biểu hiện đau mỏi, sưng, nóng các khớp, mệt mỏi, biểu hiện bất thường về tâm thần vận động nên cho bé đi thăm khám ngay để chủ động phòng chống bệnh thấp tim.
– Với những trường hợp trẻ bị thấp tim, cần tuân thủ đúng theo phác đồ kháng sinh điều trị của bác sĩ tránh để bệnh có nguy cơ tái phát. Và nên chủ động cho con đi thăm khám sức khỏe định kỳ để bé được kiểm tra, tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời tránh xảy ra các biến chứng đáng tiếc.