Bệnh Parkinson giai đoạn cuối có biểu hiện gì?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Parkinson là bệnh lý liên quan đến những rối loạn thần kinh – vận động. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, trong đó bệnh Parkinson giai đoạn cuối diễn ra với những triệu chứng điển hình và gây nhiều ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vậy những biểu hiện của bệnh Parkinson ở giai đoạn cuối là gì? Chăm sóc người bệnh ở giai đoạn này ra sao?

1. Bệnh Parkinson giai đoạn cuối là gì?

Các nhà khoa học chia sự phát triển của bệnh Parkinson thành 5 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 4 và 5 được xem là giai đoạn cuối của căn bệnh này. 

Đa số những người bệnh trong các giai đoạn này đều cần sự giúp đỡ của người chăm sóc hoặc người thân để thực hiện những công việc đơn giản hằng ngày. Trong khi đó, từ giai đoạn 1-3, các triệu chứng của bệnh thường ít biểu hiện hoặc ít ảnh hưởng, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và hoạt động bình thường. 

thế nào là bệnh Parkinson giai đoạn cuối?

Giai đoạn 4 và 5 được coi là giai đoạn cuối của bệnh Parkinson

2. Các triệu chứng của bệnh Parkinson ở giai đoạn cuối

2.1 Các triệu chứng về vận động của bệnh Parkinson giai đoạn cuối

Sự suy giảm, rối loạn khả năng vận động là đặc điểm dễ nhận thấy ở những người mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn cuối. Các biểu hiện cụ thể và rõ ràng hơn so với các giai đoạn đầu, như:

– Người bệnh rất khó giữ thăng bằng khi đứng

– Gặp khó khăn khi đi lại, khi vận động đơn giản, chậm vận động

– Dễ ngã, khó hoạt động thể chất do cơ khớp cứng đờ

– Chân tay run mạnh khi nghỉ ngơi

– Nhiều người không thể cử động nếu không có sự giúp đỡ

– Dễ ngã, bị thương do huyết áp hạ đột ngột khi thay đổi tư thế

– Nằm liệt giường

2.2 Các triệu chứng tiêu hóa

– Khó ăn, khó nuốt: Do co cứng cơ hàm và cơ miệng. Tình trạng này có thể khiến thức ăn rơi vào đường hô hấp làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi… Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở người bệnh Parkinson ở giai đoạn cuối. 

– Táo bón, suy kiệt sức khỏe: Dịch vị dạ dày và nhu động ruột hoạt động kém dẫn đến giảm hấp thu dinh dưỡng, gây táo bón, suy kiệt do thiếu chất.

2.3 Các triệu chứng về tâm lý 

Những rối loạn về vận động, sự suy giảm về thể chất và phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân có thể khiến người bệnh thường xuyên lo âu, buồn bã, bồn chồn không yên.

2.4 Các triệu chứng về giấc ngủ và trí nhớ 

Người bệnh Parkinson ở giai đoạn này có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Điều này đi kèm với tiêu hóa kém khiến thể trạng càng yếu kém hơn.

Bệnh nhân Parkinson giai đoạn cuối có biểu hiện gì?

Run chân tay nặng, khó đi lại, vận động là biểu hiện của bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn cuối.

3 Bệnh Parkinson có nguy hiểm không?

Parkinson không phải là căn bệnh quá nguy hiểm. Nhưng ở giai đoạn cuối, người bệnh Parkinson sẽ gặp phải những thay đổi sức khỏe, tâm lý tiêu cực khiến bệnh càng thêm trầm trọng.

Cơ thể suy yếu khiến người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như tử vong khi viêm phổi, nhiễm trùng,… Tuy nhiên nếu kiểm soát bệnh và được chăm sóc đúng cách, người bệnh vẫn sống được bình thường. 

4. Cách điều trị và lưu ý khi chăm sóc người bệnh Parkinson ở giai đoạn cuối

4.1 Điều trị bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một bệnh mạn tính chưa có cách để chữa khỏi hoàn toàn. Đặc biệt trong giai đoạn cuối của bệnh, việc điều trị càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. 

Thông thường, ngay từ giai đoạn 2, người bệnh đã phải sử dụng các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh. Việc dùng thuốc điều trị có tác dụng nhất định giúp giảm các triệu chứng của những người bệnh, nhờ đó cải thiện bệnh. Tuy nhiên việc dùng thuốc lâu dài cũng dễ gây ra các tác dụng phụ và biến chứng. 

Trên thực tế đối với những người bệnh này, mục tiêu điều trị chính là làm giảm biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách chăm sóc tốt cho người bệnh.

4.2 Cách chăm sóc người bệnh Parkinson giai đoạn cuối 

– Những lưu ý về ăn uống

+ Sử dụng đồ mềm: Do người bệnh Parkinson ở giai đoạn này thường gặp phải tình trạng khó nuốt, nghẹn ứ nên người chăm sóc nên cho bệnh nhân ăn các món mềm, dễ nuốt  như canh, súp hay cháo để bệnh nhân ăn uống và hấp thu dễ dàng hơn. 

+ Ăn đủ chất: Để cải thiện tình trạng khó nuốt và chán ăn, cần tránh thực đơn nghèo nàn và thiếu dưỡng chất. Chế độ ăn được khuyến cáo cho bệnh nhân Parkinson nên chú ý đầy đủ dinh dưỡng và khoa học, đặc biệt tăng cường chất xơ, vitamin từ rau, củ quả. 

– Những lưu ý về việc sử dụng thuốc

Bệnh nhân Parkinson có thể bị suy giảm trí nhớ, dẫn đến quên uống thuốc. Bên cạnh đó, việc khó cử động chân tay có thể khiến họ không tự uống thuốc được. Do vậy,  những người chăm sóc cần quản lý sát sao việc dùng thuốc của người bệnh, đảm bảo họ uống đúng thuốc, đủ liều và đúng giờ.

– Tập vật lý trị liệu cho người bệnh Parkinson 

Càng ở giai đoạn cuối, người bệnh càng ít đáp ứng với thuốc điều trị. Cơ bắp thường căng cứng khiến họ gặp nhiều khó khăn khi đi lại cũng như trong sinh hoạt thường ngày. Lúc này, bệnh nhân nên tập luyện hoặc tập vật lý trị liệu thường xuyên để cải thiện tình trạng cứng cơ, từ đó tăng khả năng vận động. 

Bên cạnh việc giúp đỡ, người thân cũng nên khuyến khích người bệnh tự tập luyện thực hiện các sinh hoạt thường ngày. Như vậy, bệnh nhân sẽ dần cảm thấy tự tin và thoải mái hơn. 

– Thường xuyên trò chuyện 

Khi bệnh Parkinson bước vào giai đoạn cuối, tinh thần của người bệnh cũng sẽ suy giảm. Người chăm sóc cần quan tâm đến người bệnh nhiều hơn, giúp đỡ họ khi cần thiết và ủng hộ tinh thần cho họ. Trong quá trình chăm sóc, cần tích cực nói chuyện với người bệnh, giúp họ bớt căng thẳng, thoát khỏi trạng thái lo lắng quá mức. 

Chăm sóc người bệnh Parkinson

Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân Parkinson rất cần được quan tâm, chăm sóc, động viên

Trên đây là một số thông tin về bệnh Parkinson giai đoạn cuối và những lưu ý quan trọng trong việc chăm sóc. Nên nhớ, việc kiểm soát, cải thiện triệu chứng thể chất và tinh thần là mấu chốt sẽ giúp người bệnh Parkinson duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể. Khi người thân có những dấu hiệu của bệnh Parkinson, hãy đưa họ đến chuyên khoa Nội thần kinh khám càng sớm càng tốt để ngăn bệnh tiến triển và gây biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital