Bệnh Crohn là một bệnh lý viêm ruột mạn tính, còn được gọi là viêm ruột từng vùng. Tình trạng viêm có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào tại ống tiêu hóa. Căn bệnh này gây đau đớn, suy nhược, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, việc nắm được các triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh Crohn là hết sức quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm bệnh Crohn và nguyên nhân gây bệnh
1.1. Tổng quan về bệnh Crohn
Đường tiêu hóa (ống tiêu hóa) là phần thiết yếu trong bộ máy tiêu hóa, kéo dài từ miệng đến hậu môn. Crohn hay bệnh viêm ruột từng vùng là chứng bệnh gây viêm nhiễm tại bất kỳ vị trí nào trong ống tiêu hóa.
Bệnh thường gây các triệu chứng đau bụng, mệt mỏi, tiêu chảy nghiêm trọng, sụt cân và suy dinh dưỡng. Tình trạng viêm do bệnh Crohn có thể lan sâu vào các lớp mô ruột, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Bệnh lý viêm đường ruột này hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên, các biện pháp chăm sóc và phác đồ phù hợp có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh và khiến bệnh thuyên giảm lâu dài.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến Crohn. Trước đây, chế độ ăn kiêng và tình trạng căng thẳng được cho là các nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên hiện tại các chuyên gia cho biết đây là những yếu tố làm nặng thêm tình trạng Crohn, không trực tiếp dẫn đến bệnh.
Yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch đóng vai trò nhất định trong sự phát triển của Crohn:
– Di truyền: Thống kê cho thấy Crohn phổ biến ở những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh. Vì vậy, gen có thể liên quan đến nguy cơ mắc Crohn của thế hệ sau.
– Hệ thống miễn dịch: Giả thuyết cho rằng Crohn được kích hoạt bởi một số loại vi khuẩn hoặc virus. Khi hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật thì xảy ra phản ứng miễn dịch bất thường. Điều này khiến hệ miễn dịch không chỉ tấn công vi sinh vật gây bệnh mà còn tấn công nhầm vào các tế bào tại đường tiêu hóa.
1.3. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh Crohn?
Sau đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến Crohn:
– Tuổi tác: Mọi lứa tuổi đều có thể bị Crohn nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất là khoảng 30 tuổi.
– Tiền sử gia đình có người từng mắc Crohn.
– Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đồng thời khiến bệnh trầm trọng hơn. Tuy nhiên đây là yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được.
– Chủng tộc: Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ nhóm chủng tộc nào, nhưng các số liệu thống kê cho thấy người da trắng và người gốc Đông Âu có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
– Thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm không steroid cũng làm tăng nguy cơ Crohn.
– Các yếu tố về môi trường, chế độ ăn nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn khiến nguy cơ mắc Crohn tăng lên.
2. Triệu chứng và biến chứng khi bị bệnh Crohn
2.1. Triệu chứng điển hình
Crohn có thể phát triển âm thầm hoặc xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng có thể biến mất trong một khoảng thời gian khiến người bệnh lầm tưởng rằng bệnh đã thuyên giảm.
Ở thể hoạt động, Crohn gây ra các triệu chứng điển hình gồm: đau bụng, tiêu chảy liên tục, sốt, mệt mỏi, loét miệng, giảm cảm giác thèm ăn, sụt cân, có máu trong phân, đau gần hoặc xung quanh hậu môn,…
Khi Crohn tiến triển nặng, người bệnh đối mặt với một số triệu chứng trầm trọng hơn như: viêm da, viêm mắt, viêm khớp, viêm gan, viêm đường ống mật, trẻ chậm lớn hoặc chậm phát triển các đặc tính sinh dục khi đến tuổi dậy thì,…
2.2. Các biến chứng thường gặp
Bệnh Crohn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:
– Loét đường tiêu hóa do viêm mạn tính.
– Tắc ruột do các vết viêm loét gây sẹo và hẹp thành ruột, chặn dòng di chuyển thức ăn.
– Lỗ rò tại đường tiêu hóa, phổ biến nhất là khu vực gần hoặc xung quanh hậu môn.
– Nứt hậu môn.
– Suy dinh dưỡng: Đây là hậu quả của tình trạng đau bụng, tiêu chảy kiến người bệnh ăn kém, không hấp thu đủ dinh dưỡng.
– Tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
– Thiếu máu, loãng xương, rối loạn da, viêm khớp, bệnh lý gan hoặc túi mật.
– Nguy cơ phát triển ung thư hạch, ung thư da do một số loại thuốc điều trị Crohn làm ngăn chặn chức năng của hệ thống miễn dịch.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh Crohn
Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra giải pháp để điều trị tiệt căn Crohn. Do đó việc điều trị có mục đích kiểm soát triệu chứng và diễn biến bệnh dựa theo tình trạng từng trường hợp cụ thể.
Theo đó, mục tiêu của điều trị gồm: Kiểm soát và hạn chế tình trạng viêm, giảm triệu chứng lâm sàng và mô học, ngăn ngừa biến chứng. Đồng thời phác đồ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh.
3.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh Crohn
Người bệnh cần thăm khám lâm sàng, cung cấp thông tin triệu chứng, kết hợp các kỹ thuật sau để có chẩn đoán chính xác:
– Xét nghiệm máu nhằm phát hiện tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng.
– Xét nghiệm phân giúp kiểm tra máu trong phân, xuất hiện bởi các vết viêm loét đường ruột.
– Các chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ MRI,…
– Nội soi đại tràng để kiểm tra tổn thương kết hợp sinh thiết mô bệnh học.
– Nội soi viên nang để quan sát các tổn thương nằm tại ruột non.
3.2. Phương pháp điều trị bệnh Crohn là gì?
Để điều trị Crohn, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp gồm: điều trị nội khoa bằng thuốc, phẫu thuật, đồng thời người bệnh cần duy trì dinh dưỡng lành mạnh.
Điều trị Crohn bằng thuốc
Đa số người mắc bệnh Crohn được điều trị ban đầu với thuốc. Người bệnh cần dùng thuốc đúng như bác sĩ đã kê đơn, tuyệt đối không tự ý sử dụng. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau đây tùy thuộc vào tình trạng và triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải:
– Thuốc kháng viêm (như corticosteroid) để làm giảm tình trạng viêm ruột.
– Thuốc ức chế miễn dịch (dạng mercaptopurine, azathioprine) nhằm ngăn cản sự tấn công của hệ thống miễn dịch vào đường ruột.
– Thuốc kháng sinh (metronidazole hoặc ciprofloxacin) đề phòng nhiễm trùng và xuất hiện các lỗ rò.
– Thuốc giảm đau, trong đó phổ biến nhất là nhóm acetaminophen.
– Người bị tiêu chảy cần bổ sung nước, dung dịch bù khoáng, thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
– Ngoài ra, người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng viên uống bổ sung sắt, vitamin B12 để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do xuất huyết đường ruột. Canxi và vitamin D cũng có thể được chỉ định nhằm khắc phục các triệu chứng về xương khớp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được xem xét thực hiện nếu bệnh không được kiểm soát bằng thuốc kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Trên thực tế, phương pháp này không được ưu tiên, ít được chỉ định. Người bệnh vẫn phải dùng thuốc sau phẫu thuật nhằm giảm triệu chứng, ngăn tình trạng viêm tái phát.
Bệnh Crohn hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để, người bệnh cần thăm khám để có có biện pháp đẩy lùi các triệu chứng. Hãy gặp bác sĩ Tiêu hóa ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài, giảm cân không rõ nguyên nhân, đại tiện ra máu,… Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp nhằm hạn chế triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.