Bé Đ.T.V (3 tuổi) được bố mẹ đưa tới viện vì có biểu hiện ho, thở khò khè. Gia đình rất lo lắng rằng con có thể bị hen phế quản. Kết quả thăm khám cho hay con bị viêm phế quản chứ không phải hen phế quản. Qua đây các phụ huynh cũng nên nắm rõ các dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ để tránh rơi vào tình trạng hoang mang và có biện pháp điều trị hợp lý, kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Phân biệt viêm phế quản và hen suyễn ở trẻ
Trước tiên, cha mẹ cần biết phế quản là một ống dẫn khí có chức năng dẫn khí vào phổi, do đó khi phế quản gặp vấn đề bất thường thì hầu hết trẻ đều có thể gặp tình trạng thở khò khè. Chính vì lý do này nên dù viêm phế quản và hen phế quản là hai bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng lại có triệu chứng khá tương đồng dễ gây nhầm lẫn.
Theo bác sĩ Trần Thanh Hà – Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết: “Điểm chung của hen suyễn (hen phế quản) và viêm phế quản là đều gây viêm tại ống phế quản – một ống dẫn khí có chức năng dẫn khí vào phổi. Các triệu chứng thường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh. Dựa vào nguyên nhân, triệu chứng của bệnh… ta có thể thấy rõ sự khác nhau của hai bệnh này.”
1.1 Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ khác với hen suyễn
Bên cạnh các triệu chứng giống nhau như ho, khó thở, thở khò khè, dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ có thể bao gồm thêm những biểu hiện như:
– Sốt nhẹ
– Mệt mỏi, ớn lạnh
– Dịch mũi tiết ra có thể có màu vàng hoặc xanh…
Còn bệnh hen suyễn không gây sốt cho trẻ mà khi trở nặng có thể có thêm biểu hiện co rút lồng ngực, lõm lồng ngực khi thở.
Như trường hợp bé Đ.T.V (3 tuổi) nhập viện với các triệu chứng: ho, thở khò khè, họng đỏ nhẹ… Đây đều là những dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ nhưng cũng là triệu chứng rất điển hình của hen phế quản, nên cha mẹ lo lắng và đưa bé đến viện ngay như vậy là hoàn toàn hợp lý vì nếu đúng là bé bị hen suyễn thì tình trạng này có thể nhanh chóng gây nguy hiểm đến tính mạng bé.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, các bác sĩ Thu Cúc TCI đã chỉ định bé cần làm xét nghiệm máu, nội soi tai mũi họng và chụp x-quang. Mọi thông tin từ kết quả nhận về đều cho hay bé V. bị viêm phế quản chứ không phải hen suyễn.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh:
Mặc dù cùng là bệnh về phế quản và có nhiều triệu chứng tương đồng, tuy nhiên nguyên nhân gây nên viêm phế quản và hen phế quản là hoàn toàn khác nhau.
Viêm phế quản là bệnh gây nên do các loại virus, nhiễm trùng, vi khuẩn hoặc tiếp xúc nhiều với các chất kích thích tới phổi như khói thuốc, bụi, ô nhiễm không khí và đôi khi là nấm. Viêm phế quản cũng có thể trở thành bệnh mạn tính khi bị viêm tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài.
Khác với viêm phế quản, hen phế quản là dạng bệnh lý về đường hô hấp mạn tính. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh hen suyễn là do yếu tố di truyền hoặc cơ địa dị ứng, phát bệnh khi tiếp xúc với tác nhân như lông động vật, phấn hoa, khói thuốc… hoặc do thay đổi thời tiết.
Từ nguyên nhân của 2 loại bệnh, cha mẹ cũng có thể loại trừ và nhận biết phần nào rằng con bị viêm phế quản hay hen phế quản. Thường nếu cha mẹ bị hen suyễn thì con sẽ có tỉ lệ bị mắc bệnh cao hơn các trẻ khác.
2. Bé 3 tuổi thở khò khè cần nhập viện điều trị
Thông thường nếu trẻ bị viêm phế quản ở mức độ nhẹ thì có thể được chỉ định điều trị tại nhà và sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên đối với trường hợp bé T.V được bố mẹ đưa vào viện khi đã có triệu chứng ho một vài ngày và mới đây có biểu hiện thở khò khè, thở gấp nghĩa là tình trạng viêm phế quản đã diễn biến nặng nên cần nhập viện để theo dõi và điều trị.
Khác với hen suyễn, bác sĩ thường tập trung sử dụng các loại thuốc có tác dụng cắt nhanh các cơn hen đột ngột, đồng thời kiểm soát tình trạng co thắt và viêm nhiễm, viêm phế quản cần có phác đồ điều trị thích hợp, tùy thuộc theo nguyên nhân gây bệnh.
Thông thường nếu nguyên nhân gây bệnh do nấm, vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng sinh, kháng nấm, chống viêm, thuốc giãn phế quản, hạ sốt,… Còn nếu bệnh do virus gây ra thì trẻ chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng.
Đối với trường hợp bé Đ.T.V, các bác sĩ Nhi tại Thu Cúc TCI đã chỉ định truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh, long đờm, thuốc giãn phế quản và khí dung, kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng khoa học để nâng cao thể trạng bé.
Nhờ có phác đồ điều trị phù hợp cùng sự tận tâm, theo dõi sát sao của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, bé Đ.T.V đã nhanh chóng khỏe mạnh, các triệu chứng hoàn toàn biến mất và đủ điều kiện xuất viện.
3. Cha mẹ cần lưu ý để phát hiện dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ sớm
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 3 tuổi trở xuống có hệ miễn dịch còn non yếu nên rất dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh. Vì vậy cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày cho con, đồng thời theo dõi các biểu hiện sức khỏe để phát hiện bất thường hoặc các dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ từ sớm:
– Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện triệu chứng viêm long đường hô hấp trên, kèm sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi (có thể dẫn đến ngạt mũi), ho khan.
– Giai đoạn phát bệnh: Sốt cao hơn, thở khò khè, thở bằng miệng, da tím tái, xanh xao, rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ.
– Giai đoạn nguy hiểm: Sốt cao trên 39 độ C, chân tay yếu, mệt mỏi, môi khô, nhiều mồ hôi, bỏ ăn và tiêu chảy, nôn. Ho theo cơn kéo dài, có thể có đờm, thở khò khè, lồng ngực hoạt động mạnh. Trẻ có thể nằm li bì, có thể hôn mê và có những cơn co giật.
Việc phát hiện bệnh sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp phải khi mắc viêm phế quản như:
– Viêm phế quản kéo dài dẫn đến viêm phổi.
– Tiến triển thành hen mãn tính khi bệnh không được điều trị dứt điểm và tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Tràn dịch phổi
– Suy hô hấp do bị bít tắc, hẹp ống thở
– Phù nề niêm mạc phế quản
Nếu có thắc mắc hay cần tư vấn, hãy liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng nhất!