Mất ngủ sau sinh là tình trạng phổ biến và thường gặp ở các mẹ bỉm trong giai đoạn đầu chăm sóc con nhỏ. Tình trạng này làm ảnh hưởng không ít tới sức khỏe tinh thần và thể chất của người mẹ. Vậy nguyên nhân và triệu chứng là gì? Có những phương pháp nào để trị mất ngủ sau sinh? Để giải đáp các câu hỏi này bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ sau sinh và các triệu chứng
Mất ngủ là bệnh lý không quá xa lạ với mỗi chúng ta, nó thường xuất hiện ở người lớn tuổi, mãn kinh hay có vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, bệnh lý này cũng xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ sau sinh. Theo số liệu cho thấy có tới 60% các chị em phụ nữ sau sinh gặp phải vấn đề này. Đây là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn và dễ tỉnh giấc giữa đêm, cơ thể mệt mỏi vì chăm con nhưng lại không chợp mắt được. Một số trường hợp các chị em bị tỉnh vì những tiếng động nhỏ, và khó ngủ lại được.
Theo các chuyên gia cho biết, mất ngủ sau sinh có thể xuất hiện trong vài tuần đầu, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài tháng. Khó ngủ nếu kéo dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tâm lý của sản phụ. Vì khá phổ biến nên các triệu chứng của bệnh cũng có thể dễ dàng nhận thấy như:
– Cơ thể sản phụ luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ nhưng lại khó đi vào giấc ngủ, bồn chồn, thao thức.
– Thường tỉnh giữa đêm và khó ngủ lại.
– Hay nằm mơ và dễ giật mình, giấc ngủ ngắn.
– Tâm trạng bất ổn, dễ cáu gắt khó bình tĩnh khi con quấy khóc.
– Nhức đầu và ù tai, đầu óc không tỉnh táo.
2. Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ, khó ngủ sau sinh
Chứng mất ngủ sau sinh xảy ra do khá nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Nhưng chúng ta có thể kể tới một số nguyên nhân chính gây ra bệnh như:
– Thay đổi nội tiết tố: được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới mất ngủ sau sinh. Vì sau sinh nồng độ hormone estrogen và progesteron bị giảm đột ngột trong khoảng 6 tuần đầu khiến giấc ngủ của mẹ bỉm bị ảnh hưởng ít nhiều. Ngoài ra, sự thay đổi về nội tiết tố này còn làm ảnh hưởng làn da của chị em.
– Giờ giấc đảo lộn: Sau sinh, đa phần giờ giấc sinh hoạt của mẹ sẽ phụ thuộc vào con. Theo đó, mẹ bỉm thường xuyên phải cho bé ăn và vệ sinh liên tục. Đặc biệt với các bé thức đêm và ngủ ngày làm thời gian của mẹ cũng bị đảo lộn theo. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới mất ngủ sau sinh.
– Vấn đề tâm lý: là tâm lý lo lắng áp lực khi lần đầu làm mẹ. Ngoài ra còn có sự căng thẳng khi con lười ăn, biếng ngủ,… Hay suy nghĩ quá nhiều làm cho sản phụ không thể ngủ ngon giấc.
– Đau do vết mổ: Với cả trường hợp sinh thường và sinh mổ, các vết thương chưa lành đều gây đau nhức khó chịu. Tình trạng này làm chị em khó thể ngủ sâu giấc. Tuy nhiên, nguyên nhân này sẽ giảm dần theo thời gian.
– Các tác động bên ngoài. Một số vấn đề về thời tiết, phòng ốc quá bí, ít giao tiếp, các quan niệm kiêng khem cổ hủ,… cũng có thể khiến mẹ bỉm bị khó ngủ hay mất ngủ.
3. Mất ngủ sau sinh kéo dài nguy hiểm thế nào?
Là tình trạng khá phổ biến nên nhiều mẹ bỉm cũng thắc mắc rằng liệu bệnh lý này có gây nguy hiểm không? Các chuyên gia cho biết, mất ngủ sẽ khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi và dễ cáu gắt. Ngoài ra, còn có thể tác động tới chất lượng sữa mẹ, khi bé bú mẹ về tiêu hóa, sức đề kháng và sự phát triển cũng bị ảnh hưởng.
Không chỉ vậy, mất ngủ cũng có thể dẫn tới trầm cảm. Ở trường hợp nhẹ, trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và suy nghĩ của mẹ bỉm (thường xuyên suy nghĩ tiêu cực). Với mức độ nặng, mẹ bỉm có thể không muốn giao tiếp, chán ghét con, thậm chí có các hành động vật lý với con.
Ngoài các ảnh hưởng tiêu cực trên, thì khó ngủ sau sinh có thể khiến cơ thể bị suy nhược, lão hóa nhanh, rụng tóc, tàn nhang, nám sạm, đau nhức xương khớp,…
4. Phương pháp trị mất ngủ sau sinh hiệu quả
Để đảm bảo an toàn cho cơ thể của mẹ trong giai đoạn cho con bú, tốt hơn hết các sản phụ nên đến cơ sở y tế thăm khám cụ thể để được tư vấn và điều trị phù hợp.
4.1. Trị mất ngủ sau sinh bằng thuốc Tây
Đây là phương pháp được rất nhiều người quan tâm và lựa chọn. Tuy nhiên, vì đối tượng sử dụng là phụ nữ sau sinh và cho con bú nên không thể tự ý sử dụng các loại thuốc tân dược. Vì thành phần trong thuốc có thể gây nguy hiểm tới cả mẹ và bé. Dưới đây là một số thuốc thường được bác sĩ chỉ định như:
– Trường hợp nhẹ: Bromazepam, Zoipidem, Phenobarbital, Rotunda, Diazepam,… các loại thuốc này các tác dụng an thần và giúp mẹ bỉm dễ ngủ hơn.
– Nhóm thuốc kháng histamin: Dimedrol, Clorpheniramin, Promethazin,… tác dụng điều trị mất ngủ sau sinh do dị ứng và ngứa.
– Nhóm thuốc an thần: Olanzapine, Quetiapine, Clomipramine, Mirtazapine,… giúp điều trị mất ngủ kinh niên và lo lâu quá độ.
Lưu ý: Các loại thuốc nêu trên hiện có rất nhiều trên thị trường nhưng không có loại chỉ dành riêng cho phụ nữ sau sinh. Sản phụ nên dùng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng không mong muốn.
4.2. Phương pháp dân gian trị mất ngủ sau khi sinh
Trong trường hợp bị mất ngủ ở mức độ nhẹ, sản phụ có thể áp dụng các phương pháp dân gian để cải thiện tình trạng bệnh.
– Tâm sen: Có tác dụng giúp giải độc và thanh lọc cơ, hỗ trợ an thần, trị mất ngủ. Mẹ bỉm có thể dùng để hãm nước uống (như pha trà). Nên sử dụng hàng ngày để máu huyết được lưu thông và cải thiện chứng mất ngủ.
– Đậu đen: đây là loại ngũ cốc quen thuộc với mọi người và có giá trị dinh dưỡng cao. Nó có tác dụng giúp thanh nhiệt, chữa đau đầu, mất ngủ. Sản phụ có thể đun nước uống hàng ngày hoặc kết hợp với tâm sen hiệu quả hơn. Ngoài ra đậu đen rang nóng rồi nhồi vào vỏ gối giúp mẹ bỉm dễ ngủ hơn.
– Đậu xanh: Tương tự đậu đen, đậu xanh cũng có rất nhiều dinh dưỡng. Bạn có thể chế biến thành các món ăn hay nấu cùng đường phèn, có thể thêm sữa tùy khẩu vị.
– Gừng: được biết tới là một loại gia vị có tính ấm. Gừng có tác dụng lưu thông máu và chữa bệnh mất ngủ. Sản phụ nên ngâm chân với nước ấm gừng và muối trước khi ngủ để có một giấc ngủ sâu. Ngoài ra có thể sử dụng nước gừng ấm uống với đường phèn trước khi ngủ.
Những phương pháp dân gian kể trên chỉ giúp cải thiện giấc ngủ sau sinh ở thể nhẹ và không thể thay thế thuốc. Để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé thì người bệnh cần cân nhắc khi áp dụng bất kì phương pháp nào. Sản phụ nên tới các cơ sở y tế và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.