Bật mí kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường, phục hồi nhanh chóng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Sau quá trình “vượt cạn”, sản phụ cần khoảng 4 đến 8 tuần để có thể phục hồi sức khỏe, trở lại với nhịp sống thường ngày. Khoảng thời gian này cũng là lúc người thân, gia đình hỗ trợ mẹ, lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường để sản phụ có thể yên tâm nghỉ ngơi, ổn định thể trạng và chăm sóc con nhỏ.

1. Việc lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường quan trọng như thế nào?

Việc sinh nở thường được gắn với câu nói “cửa sinh là cửa tử”. Bởi vậy, sau quá trình sinh nở, cơ địa, thể trạng của mẹ yếu hơn rất nhiều so với trạng thái bình thường.

Sau sinh, mẹ cần thời gian phục hồi, ổn định lại trạng thái, sức khỏe để có thể mau chóng trở lại với những hoạt động thường ngày. Đồng thời, việc này cũng giúp sản phụ có thể an tâm hơn, hạn chế các vấn đề hậu sản, biến chứng sau sinh, hạn chế các biến chứng không đáng có trong quá trình sinh nở sau này.

Kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường sẽ giúp chị em chóng hồi phục, ổn định sức khỏe tốt hơn

Kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường sẽ giúp chị em chóng hồi phục, ổn định sức khỏe tốt hơn

Ý nghĩa của việc lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau sinh thường gồm:

– Cải thiện, giúp sản phụ phục hồi sức khỏe sau sinh nhanh chóng, đặc biệt phục hồi hoạt động của tử cung.

– Hạn chế những triệu chứng bất thường sau sinh như bí tiểu, táo bón, sốt,…

– Hạn chế tình trạng ra máu nhiều kèm sản dịch, hỗ trợ tử cung co bóp tốt hơn.

– Kích thích sữa mẹ tiết ra đều và nhiều hơn, hỗ trợ mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con nhỏ.

– Giảm thiểu các vấn đề tai biến, hậu sản như nhiễm khuẩn, thiếu máu,…

– Ổn định sức khỏe, hoạt động của các cơ quan sinh sản tốt nhất, sẵn sàng cho những lần sinh nở tiếp theo được trọn vẹn, an toàn.

2. Cần lên kế hoạch chăm sóc sản phụ sau sinh thường như thế nào? Theo dõi những gì?

Việc lên kế hoạch chăm sóc sản phụ sau sinh không đơn giản mà cần thực hiện khoa học. Quan trọng nhất, kế hoạch này cần phù hợp với tình trạng thực tế của sản phụ, theo dõi đúng những vấn đề cần chú ý.

2.1. Cần lên kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường như thế nào?

Qua tham vấn các bác sĩ chuyên khoa, người nhà sản phụ có thể thực hiện lên kế hoạch chăm sóc phụ nữ sau sinh thường như sau:

– Ngày đầu sau sinh:

Sau sinh thường, trong 6 giờ đầu sản phụ sẽ được theo dõi trước khi đưa về phòng lưu viện. Thời gian này, mẹ sẽ được theo dõi sát nhịp tim, huyết áp, quá trình co thắt của tử cung, tình trạng xuất huyết âm đạo (thường diễn ra trong khoảng 15 đến 30p/lần ở 2 giờ đầu và 1 tiếng/ lần ở những giờ tiếp theo). Bé được đặt cạnh mẹ và mẹ có thể cho con bú sớm để bé được hưởng những lợi ích từ việc bú sữa non.

Mẹ cũng cần nắm rõ những cách theo dõi tình trạng sức khỏe sau sinh. Nếu thấy tử cung mềm, mẹ có thể thực hiện xoa nhẹ để tử cung được kích thích, co bóp trở lại. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý đến các triệu chứng như đau bụng, băng huyết, chóng mặt, mệt mỏi, bí tiểu,… và kịp thời báo lại với điều dưỡng, bác sĩ theo dõi sau sinh.

– Một tuần sau đẻ thường:

Sau khoảng 1 tuần đầu, các mẹ có thể trở lại bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện ca sinh để kiểm tra lại toàn bộ tình trạng sức khỏe. Như thường lệ, sản phụ vẫn cần được theo dõi các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, huyết áp, sự co thắt của tử cung và tiết sản dịch.

Thời gian này, mẹ cần được đảm bảo dinh dưỡng, uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều hơn. Đặc biệt, đây cũng là khoảng thời gian mà mẹ nên cho con bú thường xuyên để sữa có thể về nhiều. Ngoài ra, mẹ cần chú ý vệ sinh bầu ngực trước và sau khi cho con bú, tránh để tình trạng tắc tia sữa xảy ra.

Mẹ cần thường xuyên cho con bú và chú ý vệ sinh bầu ngực cẩn thận, tránh tắc sữa sau sinh

Mẹ cần thường xuyên cho con bú và chú ý vệ sinh bầu ngực cẩn thận, tránh tắc sữa sau sinh

Trong tuần đầu tiên, sản phụ cũng cần chú ý đến vấn đề vệ sinh thân thể. Chị em cần vệ sinh cơ thể bằng nước ấm, không sử dụng nước lạnh. Ngoài ra, vệ sinh vùng kín cũng cần chú trọng. Chị em nhớ thay băng vệ sinh thường xuyên và nên rửa âm đạo tối thiểu 3 lần/ngày.

Những mẹ có vết rạch tầng sinh môn cũng nên chú ý vệ sinh, lau khô sau mỗi lần đi đại, tiểu tiện để vết thương mau lành.

– Sau đẻ thường 6 tuần:

Sau sinh thường khoảng 6 tuần, mẹ đã khỏe hơn nhiều. Lúc này, sản phụ cần chú ý nghỉ ngơi thật nhiều, ngủ đủ giấc.

Các mẹ cũng cần chú ý đến việc vận động nhẹ nhàng để kích thích quá trình lưu thông máu, giúp cho cơ thể nhanh phục hồi, sức khỏe ổn định tốt hơn.

2.2. Cần theo dõi những gì khi thực hiện kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường

Sau khi xuất viện, để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, đồng thời cải thiện tình trạng sức khỏe tốt nhất, các mẹ cần được hỗ trợ bởi người thân trong gia đình. Khi chăm sóc sản phụ sau sinh thường, người nhà cần phối hợp với sản phụ theo dõi một số vấn đề sau:

– Theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn của sản phụ:

Như đã chia sẻ, từ ngày đầu sau sinh tới khi cơ thể bắt đầu dần ổn định sau 6, 8 tuần đầu, sản phụ cần được theo dõi chỉ số sinh tồn gồm nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ thường xuyên để có thể kịp thời phát hiện, khắc phục những bất thường sau sinh.

– Theo dõi quá trình co hồi tử cung, tình trạng ra sản dịch:

Sản dịch phản ánh rõ nhất quá trình hồi phục của sản phụ sau sinh. Thông thường, sản dịch sẽ có màu đậm như màu máu trong vài ngày đầu, sau đó nhạt dần và hết hẳn sau khoảng 3 đến 4 tuần. Sau khi sản dịch được đẩy ra hết, kinh nguyệt sẽ quay trở lại. Nắm được những thông tin này sẽ giúp người thân và sản phụ có thể theo dõi quá trình tiết sản dịch tốt hơn, kịp thời nhờ tới sự hỗ trợ của bác sĩ nếu có bất thường.

Ngoài ra, mẹ cũng cần chủ động theo dõi các cơn co tử cung. Nếu cơn co gây đau, các mẹ có thể chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc giảm đau, tuy nhiên cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

– Theo dõi tầng sinh môn: Tầng sinh môn của người phụ nữ là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quá trình sinh thường. Đa phần các trường hợp đi sinh đều cần thực hiện cắt tầng sinh môn.

Bởi vậy, việc theo dõi tầng sinh môn sau sinh cần được thực hiện hàng ngày. Các mẹ cần lưu ý vệ sinh tầng sinh môn sau mỗi lần đại, tiểu tiện, sử dụng nước đun sôi để nguội và rửa từ trước ra sau. Mẹ cần lau khô sau khi vệ sinh và thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Vết rạch tầng sinh môn có thể lành lại sau 1 tuần. Mẹ có thể đi lại dễ dàng hơn, không còn đau, sưng, phù nề. Nếu tình trạng phù nề, đau tại tầng sinh môn diễn ra thường xuyên và gây khó chịu, sản phụ có thể tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ, sau đó thực hiện chườm lạnh để giảm sưng phù, tím do tụ máu.

Các mẹ cũng nên chú ý lựa chọn đồ lót, quần áo chất liệu cotton thoáng khí, rộng rãi, thoải mái để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của tầng sinh môn.

– Theo dõi vấn đề đại, tiểu tiện:

Sau sinh, bàng quang thường xuyên đầy rất nhanh do bài niệu oxytocin ảnh hưởng. Ngoài ra, tình trạng trống bàng quang do thực hiện gây tê ngoài màng cứng sau sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hoạt động của bàng quang bị rối loạn, gây bí tiểu, tiểu khó.

Để khắc phục, người nhà cần hỗ trợ sản phụ đi lại nhiều hơn, xoa vùng bàng quang để hạn chế tình trạng tăng trương lực.

Đối với trường hợp táo bón sau sinh, mẹ cần được ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, vận động sớm để làm mềm chất thải. Nếu sau 3 ngày mẹ không thể đi đại tiện, gia đình cần xin chỉ định của bác sĩ để có thể thực hiện thụt tháo, đẩy phân ra ngoài. Những mẹ bị táo bón sau sinh thường có nguy cơ bị trĩ rất cao, cần được theo dõi, điều trị sớm để hạn chế bệnh trở thành mãn tính.

– Theo dõi bầu , quá trình tiết sữa:

Sau sinh, các mẹ cần đặc biệt quan tâm đến việc cho con bú, chú ý đến quá trình tiết sữa của bản thân. Trước và sau khi con bú, sản phụ cần vệ sinh bầu vú, núm vú cẩn thận. Bên cạnh đó, sau khi con bú, mẹ cần vắt hết sữa thừa để tránh viêm, tắc ống dẫn sữa.

Nếu sau nhiều ngày, sữa mẹ không về, hoặc ra ít, mẹ cảm thấy đau đớn, khó chịu, chạm vào bầu ngực thấy nổi cục cứng, cần tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ điều trị. Đây có thể là tình trạng tắc tia sữa gây viêm, áp xe vú.

3. Những lưu ý cần biết giúp mẹ mau phục hồi sau sinh thường

Sản phụ sau sinh thường sẽ cần lưu ý một số vấn đề để cơ thể nhanh chóng phục hồi, thể trạng ổn định tốt hơn, nhanh chóng lại sức.

– Tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ Sản khoa

Bác sĩ Sản khoa thực hiện đỡ đẻ ca sinh, theo dõi thai kỳ cho bạn là người nắm rõ nhất tình trạng sức khỏe sau sinh của bạn. Vì vậy, việc tuân thủ đúng những chỉ định của bác sĩ là ưu tiên hàng đầu. Sản phụ cần uống thuốc đúng, đủ liều để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng vết rạch tầng sinh môn, thuốc bổ, giảm đau khi cần thiết. Ngoài ra, các mẹ cũng nên chú  ý vấn đề chăm sóc vết thương để đảm bảo quá trình phục hồi tốt, sớm ổn định sinh hoạt sau đẻ thường.

3.1. Nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian hợp lý

Sau sinh là khoảng thời gian mà mẹ cần dành ra để nghỉ ngơi thật nhiều. Ngoài ra, mẹ cũng cần sắp xếp thời gian trong ngày để có chế độ dinh dưỡng tốt nhất, đồng thời chăm sóc con được hiệu quả.

Trẻ mới sinh, đồng hồ sinh học chưa được ổn định. Sau mỗi 3 giờ, bé sẽ tỉnh và cần được mẹ cho ăn, chăm sóc. Vì vậy, mẹ có thể không được ngủ đủ giấc, dẫn tới mệt mỏi, suy nhược. Bởi vậy, mẹ nên:

– Chú ý tới việc cho con bú và chăm sóc bản thân trong những tuần đầu tiên. Mẹ nên nhờ đến sự trợ giúp từ người thân ở những việc khác để có thể tranh thủ thời gian tốt hơn.

– Tập cho bé ăn theo cữ, ngủ đúng giấc để mẹ có thể chủ động hơn, đồng thời quản lý thời gian nghỉ ngơi của bản thân tốt hơn.

3.2. Chế độ dinh dưỡng

Ngoài việc cần thời gian để nghỉ ngơi, mẹ cũng cần chú ý xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp và cân bằng để có thể nạp đủ chất dinh dưỡng, giúp cải thiện thể trạng tối ưu hơn.

Mẹ cần được tư vấn, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp sau sinh thường

Mẹ cần được tư vấn, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp sau đẻ thường

Đầu tiên, các mẹ cần phải lập kế hoạch cho mỗi bữa ăn thật đơn giản, lành mạnh. Chú ý mỗi bữa cần có đủ 4 nhóm thực phẩm chính: Nhóm tinh bột, chất đạm (nên bổ sung các loại thịt cá nhiều hơn, lựa chọn đạm thực vật xen lẫn các bữa ăn), chất béo (hạn chế mỡ từ động vật và nên dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu ô liu,…).

Ngoài ra, sản phụ cũng cần ăn nhiều rau xanh, trái cây. Mẹ nên tăng cường bổ sung chất lỏng trong khẩu phần ăn uống khi đang cho con bú. Nước lọc, nước hoa quả là những lựa chọn mà mẹ nên ưu tiên. Tốt nhất, mẹ nên chuẩn bị sẵn nước bên cạnh giường để có thể ghi nhớ việc uống nhiều nước mỗi ngày.

Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên lưu ý bổ sung một số loại sữa, đặc biệt là sữa có khả năng cải thiện, cung cấp canxi để giúp xương chắc khỏe, tránh tình trạng loãng xương.

Việc lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường thực ra không quá cầu kỳ, phức tạp. Gia đình, người thân nên thường xuyên chú ý, hỗ trợ mẹ trong giai đoạn phục hồi sau đẻ thường để giúp sản phụ có thể chăm sóc tốt cho con, cũng như sớm phục hồi thể trạng bản thân. Bản thân các mẹ cũng nên chú ý đến những thay đổi bất thường, những dấu hiệu trong giai đoạn hậu sản để có kế hoạch thăm khám, tới gặp bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết, tránh bệnh hậu sản sau sinh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital