Viêm tai giữa là bệnh lý tai mũi họng gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường biểu hiện cấp tính và có thể khỏi hoàn toàn sau một đợt điều trị thích hợp. Tuy nhiên, viêm tai giữa cũng có thể trở thành bệnh mạn tính và gây nên các biến chứng nặng, một trong số đó là hiện tượng viêm tai giữa chảy mủ. Và nếu bệnh không được xử trí kịp thời thì có thể dẫn tới mất thính lực ở trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ em – Đối tượng dễ bị viêm tai giữa phụ huynh cần lưu ý
Viêm tai giữa là hiện tượng nhiễm trùng ở tai giữa của trẻ. Viêm tai giữa bao gồm 4 loại: viêm tai giữa thể thanh dịch, viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa tái phát và viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa hay xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ em dưới 12 tháng tuổi hoặc các trẻ bị suy giảm chức năng miễn dịch và thường gặp vào mùa đông. Bệnh này chủ yếu do vi khuẩn và virus gây nên.
Tuổi càng lớn thì viêm tai giữa cấp càng giảm vì khi càng lớn thì tỉ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính cũng giảm theo, chức năng vòi nhĩ càng tốt dẫn tới bảo vệ tai giữa tốt hơn, đồng thờ tổ chức VA dần teo đi ít gây tắc vòi nhĩ.
Viêm tai giữa nếu không được điều trị hợp lý có thể gây nên các biến chứng rất nguy hiểm như: Chảy mủ viêm tai giữa mạn tính, thủng màng nhĩ, bị viêm xương chũm, nghe kém hoặc mất đi thính lực, liệt mặt ngoại biên, các biến chứng ở nội sọ, cholesteatoma…
2. Bị biến chứng viêm tai giữa chảy mủ – khi nào nên phẫu thuật?
3.1. Khái quát về biến chứng viêm tai giữa chảy mủ
Biến chứng chảy mủ của viêm tai giữa được xem là dạng biến chứng nặng, thường tiến triển thành mạn tính và khó khăn khi điều trị. Bệnh có thể do viêm tai giữa mủ cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách gây nên. Đặc biệt, hiện tượng này dễ xảy ra trên đối tượng người bệnh suy giảm miễn dịch như trẻ bị sinh non, trẻ có thể trạng yếu hoặc mắc các bệnh nặng ( như bệnh lao, đái tháo đường…) hoặc cũng có thể tiến triển thành mạn tính ngay từ ban đầu khi nhiễm vi trùng độc lực cao và sức đề kháng của người bệnh bị suy yếu.
3.2. Khi nào nên phẫu thuật để điều trị biến chứng viêm tai giữa chảy mủ?
Nguyên tắc khi tiến hành điều trị viêm tai giữa nói chung và điều trị biến chứng chảy mủ ở viêm tai giữa nói riêng đó là: Điều trị tốt tình trạng nhiễm trùng, không được để ứ dịch hay mủ đọng trong khoang tai giữa, để tránh biến chứng và giải quyết sớm các biến chứng. Qua đó nhằm đảm bảo thính lực của người bệnh và tránh các biến chứng khác nguy hiểm đến tính mạng.
Tình trạng chảy mủ viêm tai giữa có thể được điều trị theo 2 cách là: điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
– Phương pháp này áp dụng trong trường hợp chảy mủ viêm tai giữa không kèm với viêm xương chũm, không có cholesteatoma và không có biến chứng.
– Các phương án điều trị bảo tồn đó là: điều trị kháng sinh, dẫn lưu để bảo đảm cho ống tai được thoáng sạch, cắt polyp ống tai nếu có và rửa bằng nước muối hoặc oxy già, sau đó dùng thuốc nhỏ tai.
Điều trị phẫu thuật
– Chỉ định phẫu thuật sẽ được tiến hành khi viêm tai giữa có kèm theo viêm xương chũm mạn tính, kèm cholesteatoma hoặc có biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, biến chứng nội sọ do tai… hoặc có tình trạng viêm tái đi tái lại mà phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả.
– Ngoài ra, hiện nay chỉ định phẫu thuật được mở rộng ở đối tượng trẻ nhỏ. Bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật sớm đối với tình trạng chảy mủ viêm tai giữa ở trẻ em để tránh các biến chứng lớn về sau và bảo tồn thính lực.
Các phương pháp phẫu thuật hiện nay đang được áp dụng có thể kể đến như:
– Mở thượng nhĩ: trong trường hợp viêm thượng nhĩ đơn thuần hoặc viêm tai mủ kéo dài
– Mở sào bào thượng nhĩ: Trong trường hợp viêm tai giữa có tổn thương sào bào và thượng nhĩ
– Khoét rỗng đá chũm bán phần hoặc khoét rỗng đá chũm toàn phần: Áp dụng khi viêm xương chũm hay có cholesteatoma ở xương chũm.
– Phẫu thuật chỉnh hình tai giữa gồm hai phần: Thứ nhất, cần lấy bỏ xương viêm, lấy sạch cholesteatoma bằng phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ hoặc phẫu thuật khoét rỗng đá chũm. Tiếp theo là tái tạo hệ thống dẫn truyền xương con có lấp hố mổ chũm hoặc không.
– Phẫu thuật tai xương chũm sẽ bao gồm phẫu thuật mở khoét chũm đơn thuần, phẫu thuật khoét rỗng đá chũm bán phần, toàn phần, phẫu thuật tai xương chũm đối với một số thể lâm sàng đặc biệt.
Hy vọng thông qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng chảy mủ viêm tai giữa. Để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm này, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám tai mũi họng càng sớm càng tốt để bác sĩ kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường, từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả.