Loét dạ dày cấp tính là tình trạng lớp niêm mạc trên cùng của dạ dày đột ngột sưng đỏ, trợt lở, trầy xước vì một nguyên nhân nào đó. Phần lớn các tổn thương trong loét dạ dày dạng cấp tính thường nông trên bề mặt niêm mạc. Tuy nhiên các triệu chứng lại khởi phát dữ dội và đột ngột. Để hiểu về bệnh lý này chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân chính gây ra bệnh loét dạ dày cấp
Loét dạ dày cấp tính phản ánh tình trạng viêm của lớp niêm mạc dạ dày. Yếu tố thuận lợi để hình thành viêm loét dạ dày gồm: Tình trạng dư thừa acid kết hợp lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương, suy yếu.
Một số nguyên nhân gây bệnh:
1.1 Thói quen ăn uống không phù hợp
Ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày vì vậy nếu bạn thường xuyên sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn, chất kích thích sẽ gây kích ứng và bào mòn lớp bảo vệ dạ dày. Khi này dạ dày rất dễ bị tác động của acid dịch vị gây tổn thương
1.2 Loét dạ dày cấp do nhiễm vi khuẩn
Vi khuẩn HP được cho là nguyên nhân gây ra phần lớn các trường hợp loét dạ dày. Loại vi khuẩn này thường sinh sống trong lớp nhầy của dạ dày và tiết ra độc tố gây tổn thương lớp niêm mạc.
Bên cạnh đó cũng có một số loại vi khuẩn, virus khác có khả năng gây bệnh như: Clostridium septicum, CMV, Herpes, liên cầu tan huyết alpha,…
1.3 Tuổi cao
Theo thời gian lớp bảo vệ niêm mạc sẽ mỏng dần và suy yếu. Chính vì vậy mà phần lớn các bệnh về dạ dày thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Những người cao tuổi cũng dễ bị vi khuẩn HP tấn công hơn so với người trẻ
1.4 Tác dụng phụ của thuốc
Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Nếu sử dụng chúng trong thời gian dài có thể gây ra viêm loét dạ dày
1.5 Stress
Tinh thần lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là các bệnh nhân sau cuộc phẫu thuật lớn, bỏng nhiễm trùng,…có nguy cơ cao bị loét dạ dày cấp tính. Nguyên nhân là do khi căng thẳng cơ thể sẽ bị kích thích tiết ra nhiều acid dịch vị hơn.
1.6 Loét dạ dày cấp do các bệnh lý
Một số các trường hợp loét dạ dày là do các bệnh lý khác gây ảnh hưởng:
– Bệnh Bệnh Crohn, HIV/AIDS, nhiễm ký sinh trùng, suy gan, trào ngược dịch mật,…
– Yếu tố tự miễn: Loét dạ dày do tự miễn khi cơ thể người bệnh sinh ra các chất chống lại tế bào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày tự miễn thường gặp ở người bị bệnh: Đái tháo đường tuýp 1, bệnh Hashimoto,…
2. Dấu hiệu dễ nhận biết loét dạ dày cấp
Viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát bởi các triệu chứng đột ngột. Các dấu hiệu này thường gây ra các cơn đau rầm rộn trong vài ngày đầu. Sau đó các cơn đau sẽ giảm dần trong 1- 2 tuần và đa số khỏi hoàn toàn trong vòng một tháng. Một số dấu hiệu đặc trưng mà phần lớn người bệnh thường mắc phải như:
2.1 Đau vùng thượng vị
Đau thượng vị là triệu chứng ban đầu và dễ nhận biết của loét dạ dày. Tính chất của cơn đau thượng vị khi bị bệnh
– Cơn đau xuất hiện sau bữa ăn 2-3 tiếng. Đôi khi người bệnh thấy đau bụng lúc đói, đêm khuya khiến người bệnh bị mất ngủ, mệt mỏi
– Đau bụng sau khi ăn do các vết loét niêm mạc dạ dày bị thức ăn tác động
– Mức độ đau bụng ở mỗi người sẽ khác nhau: Có người đau dữ dội, người bị đau âm ỉ
– Đôi khi cơn đau có thể gây cảm giác tức ngực, đau lan ra sau lưng
2.2 Buồn nôn, nôn
Dấu hiệu thường gặp tiếp theo là người bệnh thường xuyên buồn nôn, nôn nhiều. Đa số bệnh nhân sẽ nôn ngay sau bữa ăn. Sau khi nôn người con đau bụng sẽ giảm dần tuy nhiên sau đó sẽ quay trở lại. Hậu quả của việc nôn nhiều là người bệnh sẽ bị mất nước, mất điện giải, mệt mỏi, sụt cân,…
2.3 Rối loạn tiêu hóa do loét dạ dày cấp
Khi dạ dày gặp vấn đề sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa gây ra rối loạn tiêu hóa. Dấu hiệu của tình trạng này là người bệnh bị tiêu chảy, táo bón xen kẽ. Bên cạnh đó bệnh nhân còn thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua,…
3. Biện pháp điều trị loét dạ dày
Việc điều trị loét dạ dày cấp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Ví dụ đối với trường mắc bệnh do sử dụng thuốc NSAID hoặc lạm dụng đồ uống có cồn thì có thể ngưng sử dụng các chất đó.
Trường hợp viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP thì cần điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh theo phác đồ của bác sĩ.
Một số loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân bị loét dạ dày
– Thuốc kháng acid: Giúp trung hòa acid dư thừa trong dạ dày làm nhanh chóng giảm các triệu chứng
– Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc có tác dụng giảm tiết acid bằng cách ức chế hoạt động bơm proton trong các tế bào bài tiết acid dạ dày
– Thuốc ức chế Histamin H2
Một số loại thuốc khi sử dụng có thể gây ra tác dụng phụ như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Đây là các phản ứng bình thường của cơ thể và sẽ hết sau khi ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu người bệnh cảm thấy khó chịu cực độ thì nên báo với bác sĩ để thay đổi phương pháp điều trị.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân có thể kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt nhằm giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh.
4. Một số lưu ý để phòng bệnh
– Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ uống có chứa chất kích thích, cồn,…Khi đã bị bệnh bạn cũng cần tránh uống rượu bia vì chúng có thể gây kích thích bùng phát loét dạ dày cấp tính
– Bạn cần cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc bạn nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn loại thuốc ít gây tác dụng phụ
– Thực hiện duy trì thói quen ăn uống hợp vệ sinh, đồ ăn nên được nấu chín trước khi ăn. Ăn uống đúng giờ giấc, hạn chế ăn khuya, ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Điều này sẽ làm giảm tải áp lực lên dạ dày
– Duy trì tinh thần lạc quan, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học. Hạn chế tối đa căng thẳng, phiền muộn trong thời gian dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về bệnh loét dạ dày cấp. Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để hạn chế các biến chứng nguy hiểm.