Từ lúc mang thai cho tới khi em bé chào đời, bụng của mẹ trải qua rất nhiều sự thay đổi. Tử cung của mẹ to dần lên trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai để phù hợp với sự phát triển của bào thai. Vì vậy, trong suốt thai kỳ, mẹ bầu có thể đối mặt với nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có chứng đau bụng dưới khi mang thai. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra hiện tượng bà bầu đau bụng dưới với bài viết này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nhau bong non gây ra tình trạng bà bầu đau bụng dưới khi mang thai
Trong suốt thời kỳ mang thai, tử cung của mẹ bầu sẽ phát triển cùng với bánh nhau. Bánh nhau là cơ quan vô cùng quan trọng, đảm bảo sự sống của em bé trong bụng vì nó cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển. Trong vài trường hợp hiếm gặp, nhau thai sẽ bong ra khỏi thành tử cung khiến tử cung bị căng cứng và đau. Nếu cơn đau tức này kéo dài mà không thuyên giảm, mẹ bầu nên nhanh chóng tới gặp bác sĩ.
Thông thường, nhau thai sẽ bong ra khỏi thành tử cung khi mẹ bầu sinh con. Vì vậy, nhau thai bong ra sớm hơn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới con yêu. Bên cạnh đó, nó còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng khác nhau tử vong chu sinh.
2. Táo bón
Táo bón là một trong số nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị đau bụng dưới khi mang thai. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị táo bón khi mang thai là do tử cung lớn dần, chèn ép lên thành ruột. Ngoài ra, nồng độ hormone progesterone trong cơ thể của mẹ bầu tăng lên cũng làm giảm nhu động ruột. Điều này khiến thức ăn đi qua đường tiêu hóa bị chậm lại. Vì vậy, mẹ bầu sẽ cảm thấy vùng bụng dưới bị đau và khó chịu.
Đó là lý do tại sao mẹ bầu cần phải bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục nhẹ nhàng để ngăn ngừa tình trạng táo bón khi mang thai. Nếu muốn hiện tượng táo bón khi mang thai nhanh hết hơn, mẹ bầu có thể tới gặp bác sĩ để được tư vấn thêm. Hoặc mẹ bầu cũng có thể đi massage để dễ đi tiêu hơn.
3. Cơ thể mẹ bầu tích tụ mỡ khi mang thai
Việc tăng cân trong thai kỳ không chỉ làm thay đổi vóc dáng cơ thể, mà còn khiến mẹ bầu cảm thấy căng tức vùng bụng. Trong 6 tháng đầu tiên của thai kỳ, cơ thể mẹ bầu sẽ có dấu hiệu tích tụ mỡ thừa ở bụng và sau đó là tới đùi.
Khi bụng bầu của mẹ dần to hơn, các tế bào mỡ cũng cần phải thích nghi với sự phát triển của tử cung. Vì vậy, căn nguyên của hiện tượng mẹ bầu đau vùng bụng dưới có thể là do sự tích mỡ xảy ra sớm hơn. Lúc này, mẹ bầu sẽ có cảm giác như bị đau bụng kinh.
4. Thai nhi đạp
Trong suốt thời gian mang thai, bụng của mẹ sẽ giống như nhà phao của bé. Bước qua 3 tháng giữa của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm nhận được những cú đá của thai nhi trong bụng rõ ràng hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy em bé đang phát triển khỏe mạnh.
Khi con yêu trở nên quá năng động, bụng mẹ bầu sẽ phải hứng chịu nhiều áp lực nhiều hơn. Mỗi khi em bé tung cú đá, thành bụng của mẹ bầu sẽ căng cứng lên để đáp ứng lại với những kích thích này. Dẫu đây chỉ là phản ứng thích nghi của cơ thể với con yêu trong bụng, tuy nhiên điều này cũng khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu.
Lúc này, mẹ sẽ không cảm thấy đau như khi đến chu kỳ kinh nguyệt, nhưng sẽ thấy căng tức hay chướng bụng như sau khi ăn no vậy. Tuy nhiên, hiện tượng này thường không kéo dài lâu và bạn sẽ nhanh quên nó.
5. Bụng căng giãn quá mức trong suốt thai kỳ
Khi gần tới ngày dự sinh, cơ thể mẹ bầu sẽ cảm thấy bồn chồn và mệt mỏi hơn. Lúc này, mẹ có thể cảm thấy nhức mỏi khắp toàn thân. Ngoài ra, đau lưng là một căn bệnh thường gặp khi mang thai vì lưng mẹ sẽ phải nâng đỡ bào thai. Đây cũng có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu đau tức vùng bụng dưới.
Bên cạnh đó, tình trạng đau ở bụng và đùi cũng rất phổ biến bởi vì những cơ vùng này nối liền với mô ở quanh bẹn và tử cung. Lúc này, bụng của mẹ có thể bị căng giãn quá mức trong suốt thai kỳ để thích nghi với sự phát triển của bào thai.
Cách tốt nhất để giảm đau bụng dưới khi mang thai là nghỉ ngơi nhiều hơn khi cảm thấy mệt mỏi. Mẹ bầu cũng có thể massage cơ thể hoặc chườm nóng nhé.
6. Nhiễm trùng đường tiết niệu khiến bà bầu bị đau bụng dưới khi mang thai
Khoảng 10% phụ nữ mang thai có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu vào một lúc nào đó trong thai kỳ. Những triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:
- Cảm thấy khó chịu, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đau vùng chậu hoặc bụng dưới (thường nằm ở ngay phía trên xương mu)
- Đột ngột đi tiểu nhiều lần
- Nước tiểu có mùi hôi khó chịu hoặc có lẫn máu
Đáng chú ý hơn cả là căn bệnh này có thể phát triển thành nhiễm trùng ở thận và làm tăng nguy cơ sinh non. Đó là lý do tại sao bác sĩ thường kiểm tra nước tiểu của mẹ qua mỗi lần thăm khám để kiểm tra xem có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Khi mang thai, mẹ bầu sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, thậm chí là nhiễm trùng thận. Do đó, mẹ bầu hãy tới cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám ngay nếu nghỉ ngờ mắc phải căn bệnh này nhé.
7. Mang thai ngoài tử cung
Tình trạng đau bụng dưới có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng mẹ bầu đang mang thai ngoài tử cung. Đây là một trong những vấn đề vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Vì vậy, các mẹ bầu phải đi khám thai định kỳ để phát hiện và ứng phó kịp thời với những tình huống bất lợi.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về những nguyên nhân bị đau bụng dưới khi mang thai. Với những bà bầu đau bụng dưới kéo dài kèm theo những biểu hiện bất thường, thì nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức nhé.