Áp xe vú là bệnh gì? Đây thực chất là một nhiễm trùng xuất hiện ở vùng vú gây ra do vi khuẩn. Bệnh thường gặp nhất ở mẹ bầu và mẹ sau sinh.
Menu xem nhanh:
1. Áp xe vú là bệnh gì?
Áp xe vú là tình trạng vú bị viêm, sưng tấy và đỏ. Khi ấn vào, chị em sẽ có cảm giác rất đau, cứng do dịch mủ đã bị tích bên trong. Phần lớn áp xe vú thường gặp ở mẹ sau sinh và đang cho con bú. Tuy nhiên ở một tỷ lệ rất nhỏ, áp xe vú là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo ung thư vú đã ở giai đoạn tiến triển.
Áp xe vú thường có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng như:
- Chị em bị sốt cao hoặc rét run
- Khu vực vú bị sưng, nóng tấy đỏ. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ phát hiện được các nhân mềm. Khi ấn, ổ dịch bị lõm, có thể sờ thấy các hạt hạch ấn rất đau do đã mưng mủ vàng.
- Hình ảnh siêu âm cho thấy có ổ dịch
- Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu trung tính gia tăng. Bạch cầu trung tính sản sinh khi cơ thể phát triển các ổ viêm nhiễm, như một phản ứng tự nhiên của cơ thể.
- Chỉ số CRP (C – reactive protein) tăng.
2. Nguyên nhân gây nên áp xe vú
Áp xe vú là ổ nhiễm trùng gây ra bởi các vi khuẩn thâm nhập từ bên ngoài vào trong tuyến vú. Theo kết quả nghiên cứu và theo dõi trên các bệnh nhân, các vi khuẩn phổ biến gây nên tình trạng này gồm: vi khuẩn Streptococcus và vi khuẩn Staphylococcus aureus là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng áp xe. Ngoài ra những vi khuẩn dưới đây cũng là tác nhân gây nên tình trạng này như vi khuẩn E Coli (hay còn gọi là Escherichia coli), vi khuẩn Bacteroides, vi khuẩn Corynebacterium, vi khuẩn S. lugdunensis, vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn Proteus mirabilis.
Có nhiều nguyên nhân khiến các vi khuẩn này xâm nhập vào tuyến vú và gây viêm. Trong đó, các trường hợp sau đây sẽ làm gia tăng nguy cơ áp xe ở chị em:
- Chị em sau sinh cho con bú không đúng cách: Trẻ bú không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập vào vú. Mẹ cần cho bé bú hết cữ. Trong trường hợp bé bú không hết sữa, cần hút lượng sữa dư ra bên ngoài. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần vệ sinh miệng, lưỡi hàng ngày cho trẻ.
- Mẹ sau sinh bị tắc sữa: Tắc tia sữa là tình trạng mà rất nhiều mẹ sau sinh gặp phải. Khi sữa không thể thoát ra ngoài sẽ dẫn đến tình trạng kết tủa, đông đặc trong bầu sữa gây tắc, chèn ép các ống dẫn sữa từ nang sữa tạo điều kiện hình thành các ổ áp xe.
3. Những ai có thể bị bệnh áp xe vú
Theo thống kê, có khoảng 10 – 30% mẹ sau sinh bị áp xe vú gây nên nhiều phiền toái và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị em. Tuy nhiên, không chỉ có chị em sau sinh hay đang cho con bú có nguy cơ bị áp xe vú cao mà ở nhiều chị em không nuôi con cũng xảy ra tình trạng áp xe vú.
Chị em có ngực lớn hoặc có cân nặng thừa cân thường gặp áp xe vú dưới quầng vú. Ngoài ra với những người không giữ gìn vệ sinh khu vực này, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng viêm nhiễm, gây áp xe.
4. Áp xe vú ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Áp xe vú là một viêm nhiễm vùng vú vô cùng nguy hiểm. Ở trong giai đoạn đầu, áp xe vú gây ra:
- Gây đau nhức khu vực vú
- Sưng tấy đỏ phần da bề mặt bị áp xe
- Đau mỏi, căng tức khu vực tuyến vú và lan dần sang khu vực cánh tay, bả vai
Ở giai đoạn tiến triển nặng của bệnh, áp xe vú gây ra những ảnh hưởng:
- Gây ra ổ sưng, viêm phù tím trên ngực
- Cơ thể sốt cao và thậm chí bị rét run. Môi khô, nhức đầu, khát nước và mệt mỏi
- Nhiều chị em bị tụt núm vú và biểu hiện của viêm hạch bạch huyết
- Sữa mẹ có lẫn mủ và có mùi tanh
- Nhiễm trùng máu, hoại tử và đe dọa tính mạng
- Khi bị áp xe vú, chức năng tuyến vú sản sinh sữa bị mất đi. Thay vào đó, chị em phải đối mặt với nhiều nguy cơ như nhiễm trùng huyết, suy thận, có thể gây hoại tử tứ chi và cắt bỏ tuyến vú
5. Điều trị áp xe vú
Nếu ở tình trạng áp xe vú nhẹ, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để giảm viêm, tiêu sưng, giúp các mô có thể tự phục hồi. Với trường hợp áp xe nặng, có nhiều mủ, bác sĩ sẽ phải thực hiện tiểu phẫu để điều trị triệt để vùng bị áp xe. Bác sĩ sẽ chích rạch vùng áp xe để tháo mủ. Trong quá trình thao tác, vết chích phải ở cách núm vú khoảng 3cm, ống dẫn lưu sẽ được dẫn vào để vệ sinh các ổ dịch tụ, ổ mủ và sát khuẩn. Sau tiểu phẫu, chị em sẽ phải dùng thuốc kháng sinh để chống viêm và sát khuẩn hàng ngày.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị chị em cần đặc biệt chú ý:
- Giữ gìn vệ sinh vùng vừa thưc hiện tiểu phẫu. Chị em nên chọn đồ thoáng, tránh ra mồ hôi, dính bụi vào khu vực vết thương. Bên cạnh đó cần sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp và thực hiện đúng thao tác theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, không nên quá căng thẳng để nhanh phục hồi.
- Trong trường hợp cho con bú, chị em không để bé bú bên vú bị áp xe. Sau khi bé bú, cần hút hết sữa ra ngoài nếu cữ bú của trẻ không hết. Ghi nhớ vệ sinh miệng cho bé để tránh nhiễm vi khuẩn vào vú của mẹ. Nếu có tình trạng tắc tuyến sữa, hãy sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để hút sữa ra như dùng bình hút sữa, chườm nóng… Trong trường hợp không hiệu quả, hãy nhờ giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Bởi tắc tia sữa chính là nguyên nhân gây nguy cơ cao mẹ bị áp xe vú.
- Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất đường bột, protein, khoáng chất để cung cấp đầy đủ chất cần thiết cho cơ thể.
Trên đây là một số thông tin giúp các bạn trả lời câu hỏi áp xe vú là bệnh gì. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức cần thiết để chăm sóc tốt nhất sức khỏe của mình.