Sán lá gan nhỏ là bệnh truyền nhiễm và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Bệnh do thói quen ăn sống, ăn các món chưa được chế biến kỹ, uống phải nguồn nước nhiễm sán gây nên.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ là bệnh do ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể con người và động vật và gây ra nhiều tổn thương cho đường ruột, gan, mật. Số lượng sán nhỏ trong đường dẫn mật có thể lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn con.
Bệnh khá phổ biến ở nước ta và tập trung nhiều ở khu vực miền Trung và miền Nam. Bệnh thường gặp ở những người hay ăn gỏi hải sản, gỏi cá và một số thực phẩm chưa được chế biến kỹ.
Sán lá gan nhỏ có chu kỳ sinh trưởng và phát triển, tồn tại trong cơ thể người bệnh rất lâu, có thể lên tới 25 – 30 năm. Tại nơi ký sinh, sán có thể làm tắc đường mật do tăng sinh tổ chức liên kết hay viêm đường dẫn mật. Người nhiễm sán thường có cảm giác khó chịu cơ thể, về lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân nào gây bệnh sán lá gan loại nhỏ?
Opisthorchis viverrini và Clonorchis sinensis là 2 chúng sán gây nên bệnh sán lá gan bé. Sở dĩ, gọi sán lá gan bé là vì khi trưởng thành, chiều dài của chúng chỉ giao động từ 10 – 12mm, chiều rộng khoảng 2 – 4mm, nhỏ hơn nhiều so với sán lá gan lớn.
Để tồn tại và phát triển, loài sán này cần có môi trường nước lý tưởng. Trứng sán sẽ hỏng nếu nhiệt độ mặt trời quá cao và ở trên cạn.
Sán lá gan bé có chu kỳ sinh trưởng vô cùng phức tạp. Ở người, sán trưởng thành thường ký sinh tại đường mật và đẻ trứng tại đây. Sau khi đẻ trứng, trứng sán sẽ đi theo đường mật tới ruột và ra ngoài môi trường theo phân. Nếu phân rơi xuống môi trường nước, trứng sán sẽ tiếp tục phát triển thành ấu trùng lông. Những ấu trùng này di chuyển trong nước và cư trú trong các loài ốc. Sau đó, ấu trùng lông sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi. Những ấu trùng đuôi này rời cơ thể ốc và tìm nơi cư trú trong một số loài cá nước ngọt và phát triển thành nang ấu trùng trong cá.
Người từng ăn gỏi, các món sashimi, cá chưa được chế biến kỹ lưỡng hoặc sống ở khu vực thường xuyên ăn đồ sống rất dễ mắc bệnh. Sau khi “nạp” món ăn có ấu trùng sán lá gan vào cơ thể, những ấy trùng này sẽ di chuyển đến dạ dày, tới tá tràng và men theo đường mật để lên gan, phát triển thành sán trưởng thành và ký sinh, gây bệnh tại đường mật. Thông thường, quá trình xâm nhập, trưởng thành và gây triệu chứng của sán khoảng 3 – 4 tuần.
3. Triệu chứng cảnh báo bệnh sán lá gan bé
Sán lá gan bé là bệnh phổ biến ở nước ta. Theo điều tra, bệnh sán lá gan bé xuất hiện ở 32 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, các tỉnh như Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên… có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn cả. Đặc biệt, một số địa phương thuộc các tỉnh này có tỷ lệ mắc sán chiếm tới 30% dân số. Độ tuổi nhiễm sán từ 30 – 50 chiếm đến 50,2 – 51,6% và tỷ lệ nam giới bị bệnh sán cao gấp 3 lần nữ giới.
Tùy thuộc vào thời gian, mức độ nhiễm ký sinh trùng… người bệnh sẽ có những triệu chứng điển hình sau:
3.1. Triệu chứng về đường tiêu hóa do sán lá gan nhỏ
Sán lá gan loại nhỏ có thể gây rối loạn tiêu hóa khi xâm nhập vào cơ thể. Người bệnh lúc này thường bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng, táo bón, đi phân sống… Cơn đau tăng mạnh khi người bệnh ăn nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm khuẩn.
3.2. Triệu chứng liên quan tới đường mật do sán lá gan nhỏ
Trường hợp nhiễm sán cấp tính và nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ có biểu hiện như đau quặn bụng, đau vùng thượng vị, sốt, gan to mềm.
Nếu sán làm tắc nghẽn đường mật, người bệnh còn có thể xuất hiện tình trạng vàng da nhẹ.
3.3. Triệu chứng liên quan tới gan
Sau khi men theo đường mật vào gan, sán sẽ ký sinh và phát triển tại đây. Thời điểm này, người bệnh sẽ thấy đau vùng gan, đau tức hạ sườn phải… Triệu chứng đi kèm có thể là sạm da, vàng da, nước tiểu vàng từng đợt.
3.4. Tổng trạng cơ thể bị ảnh hưởng
Người nhiễm ký sinh trùng sán lá gan thường cảm thấy chán ăn, cơ thể mệt mỏi, tụt cân. Tình trạng uể oải, mệt mỏi ở người bệnh biểu hiện rõ khi lao động hoặc vận động mạnh.
3.5. Bạch cầu ưa axit tăng
Bạch cầu ưa axit dạng hạt có nhân, do tủy sản sinh chiếm 2% bạch cầu trong máu. Nhiệm vụ của bạch cầu ưa axit là chống vi khuẩn nội bào, chống nhiễm ký sinh trùng.
Khi sán lá gan và ký sinh trùng khác tấn công vào cơ thể, khiến lượng bạch cầu ưa axit phải tăng cao để chống lại sự nhiễm trùng. Tình trạng này được kiểm tra, phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Ngoài ra, người bệnh lúc này còn xuất hiện tình trạng phát ban, ngứa ngáy, tiêu chảy…
Nhiễm sán lá gan nhỏ có cả biểu hiện không điển hình và điển hình, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác. Điều này khiến người bệnh dễ bỏ qua, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị.
Trường hợp bệnh nhân nhiễm sán lâu năm không được phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ rất dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng do sán lá gan phải kể tới là: viêm túi mật và ống dẫn mật, xơ tĩnh mạch cửa, ung thư gan, ung thư ống mật…Thậm chí, người bệnh có thể bị tổn thương van tim, cơ tim, thủng ruột dẫn tới tử vong… nếu sán xâm nhập vào dưới niêm mạc tạo thành hạt u.
4. Phòng ngừa hiệu quả sán lá gan bé
Bệnh sán lá gan là bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh trưởng xấu tới sức khỏe con người. Hiểu được nguyên nhân chính gây sán lá gan là do ăn sống uống phải nguồn nước nước nhiễm sán, ăn những món chưa nấu chín… mỗi người cần thay đổi thói quen xấu này bằng cách ăn chín uống sôi để phòng ngừa bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện những biện pháp sau để phòng ngừa sán lá gan bé:
– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, chế biến đồ ăn và sau khi đi vệ sinh
– Sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống
– Quản lý phân, nhất là phân của người bệnh một cách chặt chẽ, không dùng phân tươi để bón rau hay thải ra môi trường
– Thực hiện tẩy giun 6 tháng 1 lần
– Khi thấy bản thân có các dấu hiệu của nhiễm sán lá gan, cần tới ngay cơ sở y tế để kiểm tra và phát hiện bệnh kịp thời.