5 Dấu hiệu viêm phổi điển hình và cách điều trị

Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp dưới rất phổ biến. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể biến chứng nhiễm trùng máu, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp… gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do vậy, cần nắm được các dấu hiệu viêm phổi để nhận diện bệnh và thăm khám kịp thời.

1. Các dấu hiệu viêm phổi cần lưu ý

Bệnh viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị viêm nhiễm do sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất,… Tùy theo tác nhân gây bệnh và mức độ bệnh mà bệnh nhân có thể có các dấu hiệu nhận biết sau:

1.1 Ho khan hoặc ho có đờm – Dấu hiệu viêm phổi sớm

Đa số người mắc bệnh viêm phổi đều có biểu hiện ho. Đây cũng là triệu chứng thường xuất hiện sớm nhất. Ho do viêm phổi có thể theo từng cơn hoặc liên tục. Ngoài một số trường hợp ho khan, còn lại đa phần là ho có kèm theo đờm.

Một vài trường hợp điển hình, đờm sẽ có màu rỉ sắt. Ngoài ra đờm có màu vàng hoặc xanh. Trong trường hợp viêm nhiễm nặng, bệnh nhân có thể khạc ra đờm như mủ và có mùi hôi, thối.

Dấu hiệu viêm phổi thường gặp

Ho là triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở bệnh nhân bị viêm phổi

1.2 Sốt

Sốt cũng là một triệu chứng điển hình trong các trường hợp có viêm nhiễm. Người bệnh viêm phổi có thể sốt thành cơn hay sốt liên tục, kèm theo rét run, ớn lạnh. Thân nhiệt của người bệnh có thể tăng cao, lên tới 40 – 41 độ C, có cũng những trường hợp chỉ sốt nhẹ.

Tình trạng sốt thường xảy ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng yếu (người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, người có các bệnh mạn tính). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân người già, trẻ nhỏ không sốt mà gặp phải tình trạng hạ thân nhiệt.

1.3 Khó thở là dấu hiệu viêm phổi nặng

Tình trạng viêm phổi kéo dài có thể khiến các chất nhầy ở túi khí trong phổi tăng lên, cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi, dẫn đến giảm lượng oxy cung cấp cho máu.

Tình trạng này thường không xảy ra với những trường hợp viêm phổi nhẹ. Chỉ khi bệnh nặng, triệu chứng này mới biểu hiện rõ. Bệnh nhân thở nhanh và nông, có thể có co kéo cơ hô hấp. Ở trẻ nhỏ sẽ thấy xuất hiện tình trạng co rút lồng ngực.

1.4 Đau ngực

Người mắc bệnh viêm phổi sẽ có biểu hiện đau tức ngực ở vùng phổi bị tổn thương. Đây thường là hậu quả của tình trạng ho nhiều và kéo dài ở bệnh nhân viêm phổi.  Tùy từng trường hợp người bệnh có thể đau tức ngực ít hoặc nhiều, thậm chí có trường hợp đau dữ dội.

1.5 Môi khô, da nóng đỏ

Triệu chứng da nóng, đỏ thường thấy ở những bệnh nhân viêm phổi có sốt cao. Tình trạng này thường khó nhận biết, nhất là người già. Đây là một trong những dấu hiệu viêm phổi cần cảnh giác. Dù người bệnh chỉ ho nhẹ nhưng xuất hiện tình trạng môi khô, da nóng đỏ thì chứng tỏ bệnh đã nặng và có thể gây nguy hiểm. Nếu xuất hiện dấu hiệu tím môi, đầu chi, cần cảnh giác với suy hô hấp.

Ngoài 5 triệu chứng kể trên, bệnh viêm phổi có thể biểu hiện qua các triệu chứng khác như:

– Có ban xuất huyết trên da

– Lưỡi bẩn

– Hơi thở hôi

– Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn

– Đau đầu

– Đau mỏi người

– Rối loạn ý thức thường xảy ra ở trẻ em

Bệnh viêm phổi có dấu hiệu gì?

Sốt là một trong những dấu hiệu có thể gặp nếu có viêm nhiễm ở phổi.

2. Các nguyên nhân chính gây ra viêm phổi là gì?

2.1 Viêm phổi do vi khuẩn

Các loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi thường gặp gồm Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Legionella pneumophila, Chlamydia pneumoniae,… Trong đó, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là “thủ phạm” nguy hiểm, gây tử vong từ 10-20% và 50% ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già.

2.2 Viêm phổi do virus

Theo thống kê của WHO, có đến 30% trường hợp viêm phổi do nhiễm virus. Các loại virus gây bệnh chủ yếu là virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, cảm lạnh và cảm cúm, virus SARS-CoV-2,…

2.3 Viêm phổi do nấm

Hít phải bào tử của nấm có thể gây viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Bên cạnh đó, những tác nhân như khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất, chế độ dinh dưỡng, vận động, sinh hoạt không đúng cách,… cũng tạo điều kiện cho bệnh viêm phổi do nấm hình thành và phát triển gây viêm phổi.

2.4 Viêm phổi do hóa chất

Nguyên nhân này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm vì tỷ lệ gây tử vong cao. Bên cạnh tổn thương phổi, các hóa chất có thể gây tổn hại cho nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, gan, cơ quan tiết niệu,…

3. Cần làm gì khi có các dấu hiệu viêm phổi?

Bệnh viêm phổi có thể biểu hiện các triệu chứng lâm sàng rõ ràng, nhưng cũng có thể không có triệu chứng. Nếu thấy các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần khám chuyên khoa hô hấp để được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá, khai thác bệnh sử và chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán như:

– Chụp X-quang phổi: Mục đích đánh giá các tổn thương nhu mô như tổn thương phế nang, mô kẽ phổi.

Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ bạch cầu trong máu, kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn phổi, đo nồng độ Oxy, CO2 trong máu.

– Soi cấy đờm, cấy máu: Tìm kiếm sự tồn tại của vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng phổi.

– Chụp CT: Tìm ra các tổn thương như đám mờ ở phổi rất nhỏ.

Nội soi phế quản: Quan sát đường hô hấp, cho phép lấy các mẫu mô, tế bào hoặc dịch của phổi.

Làm gì khi có các dấu hiệu của bệnh viêm phổi?

Khi có các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

4. Điều trị bệnh viêm phổi

4.1 Các phương pháp điều trị

Việc điều trị viêm phổi nhằm giảm các triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và gây biến chứng. Phương pháp điều trị cần phù hợp với từng triệu chứng và mức độ của viêm của phổi. Những phương pháp điều trị bệnh viêm phổi thường bao gồm:

– Điều trị triệu chứng: Các bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc nhằm kiểm soát tốt triệu chứng viêm phổi, giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh. Có thể kể đến như: thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc ho, long đờm, thuốc giãn phế quản,…

– Điều trị nguyên nhân: Tùy theo nguyên nhân, bệnh viêm phổi có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.

+ Viêm phổi do vi khuẩn: Sử dụng các loại thuốc kháng sinh như Aspirin, Ibuprofen, và Acetaminophen…

+ Viêm phổi do virus: Kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này. Người bệnh cần uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao trên 38.5 độ C. Bên cạnh đó đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước để làm loãng đờm và chất nhầy trong cơ thể.

+ Viêm phổi do nhiễm nấm: Sử dụng các loại thuốc chống nấm thích hợp có thể giúp bệnh thuyên giảm.

Ngoài ra, để quá trình điều trị và phục hồi hiệu quả, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi đầy đủ, vận động hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng, năng lượng để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe.

4.2 Điều trị viêm phổi tại nhà hay tại viện?

Đa phần các trường hợp viêm phổi có thể được điều trị tại nhà với đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hầu hết các triệu chứng viêm phổi sẽ giảm sau vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi, khó chịu có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc hơn.

Cần ghi nhớ lịch hẹn tái khám theo chỉ định của bác sĩ và đi khám đúng hẹn. Trong quá trình điều trị, nếu có biến chứng khó thở, sốt cao không hạ… ở người trưởng thành và người già, cần đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị sớm.

Riêng với trẻ dưới 2 tháng tuổi, khi có các dấu hiệu viêm phổi đều phải nhập viện cấp cứu ngay. Trẻ từ 2-5 tuổi phải lập tức nhập viện điều trị nếu không ăn uống, co giật, ngủ li bì, thở rít…

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital