Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở Việt Nam và gây ra tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người cho biết rất khó nhận biết dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu vì khá mờ nhạt và gây nhầm lẫn với những triệu chứng bệnh lý thông thường khác. Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi có thể “ghé thăm” mà bạn nên lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. 5 dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu
1.1. Ho dai dẳng – Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu đặc trưng
Ho là một biểu hiện điển hình có thể ngầm cảnh báo về sự xuất hiện của ung thư phổi. Hơn 90% trường hợp chủ quan nghĩ rằng biểu hiện này là do viêm họng.
Ban đầu, mức độ ho nhẹ, có thể ở dạng ho khan hoặc ho có đờm tủy trường hợp. Biểu hiện này kéo dài trên 2 tuần và không khỏi dù đã điều trị bằng các biện pháp thông thường như: uống thuốc, ngậm kẹo ho,…
Tuy nhiên ho là một triệu chứng không đặc hiệu và cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gồm:
– Dị ứng.
– Viêm phế quản cẩm.
– Hen suyễn…
Do đó bạn cần quan sát đến triệu chứng này, nếu không thấy thuyên giảm dù đã uống thuốc thì cần tới ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
1.2. Khó thở
Khó thở gây ra khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống và làm việc. Biểu hiện khó thở đi kèm với ho cũng được xếp vào những dấu hiệu ban đầu của ung thư phổi. Nếu bạn thấy giọng nói hay nhịp thở của mình có điều gì bất thường thì hãy đề phòng. Lưu tâm những dấu hiệu dù là nhỏ nhất giúp bạn có thể phát hiện sớm ung thư phổi, ngăn chặn rủi ro xảy ra trong tương lai.
1.3. Khàn tiếng
Rất ít người nghĩ rằng khàn tiếng lại là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi giai đoạn đầu. Thực tế, giọng nói khàn là có thể là biểu hiện của người mắc bệnh ung thư phổi nhưng cũng có thể là của người mắc bệnh đường hô hấp khác.
Giọng khàn xảy ra nếu một khối u đè lên dây thần kinh thanh quản, nằm trong ngực. Khi dây thần kinh bị nén thì có thể làm tê liệt dây thanh âm khiến giọng nói bị thay đổi.
1.4. Giảm cân không rõ lí do
Giảm cân đột ngột, không rõ nguyên nhân và không do chủ đích cá nhân là một biểu hiện bất thường mà bạn không nên xem nhẹ. Biểu hiện này là cảnh báo của hầu hết các loại ung thư, trong đó ung thư phổi cũng không ngoại lệ.
Các tế bào ung thư cần nhiều năng lượng để phát triển nên chúng đã “mượn’ từ chính các nguồn dự trữ bên trong cơ thể. Đây là lí do khiến bạn sụt cân nhanh và không biết lí do là gì nếu không có nhu cầu giảm cân hay có bất cứ hành động cắt giảm khẩu phần ăn hàng ngày của mình.
1.5. Mệt mỏi thường xuyên – Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu hay bị bỏ qua
Những dấu hiệu kể trên khi xảy ra cùng lúc sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi thường xuyên. Mệt mỏi do ung thư phổi có thể vì nhiều yếu tố:
– Khối u phát triển qua mỗi ngày.
– Thiếu máu.
– Khó ngủ, mất ngủ do bệnh.
– Suy dinh dưỡng, giảm cân.
Nhưng đa số trường hợp thì cho đây là biểu hiện liên quan đến làm việc quá sức, đi lại nhiều, căng thẳng triền miên,…Vì thế hầu như được để ý và rất dễ bị bỏ qua.
2. Có thể chẩn đoán sớm ung thư phổi không?
Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của y học thì việc chẩn đoán, sàng lọc ung thư phổi sớm là hoàn toàn có thể. Bạn cần chủ động tầm soát ung thư để dự phòng bệnh hiệu quả.
Để chẩn đoán ung thư phổi sớm cần thực hiện các phương pháp sàng lọc sau:
– Chụp X-quang với mục đích nhằm kiểm tra sơ bộ tình trạng tim phổi ở mức cơ bản. Hình ảnh chụp sẽ cho thấy các tổn thương khối u có kích nhỏ dạng nốt đơn độc với kích thước 1 cm.
– Chụp cắt lớp vi tính CT được đánh giá là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Hình ảnh vô cùng chi tiết và 3D của phổi, cho phép nhìn rõ hơn các khối u và vị trí cụ thể. Bên cạnh đó, chụp CT cũng có thể thể phát hiện được các vị trí di căn từ ung thư phổi sang các cơ quan khác.
– Nội soi phế quản nhờ ánh sáng huỳnh quang. Nếu thấy có các tổn thương niêm mạc phế quản thì bác sĩ sẽ sinh thiết để xác định liệu có tế bào ung thư hay không. Nhất là những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ thì phương pháp này rất hiệu quả.
– Xét nghiệm máu đánh giá nồng độ của các chất chỉ điểm khối u. Kết quả xét nghiệm có vai trò tham chiếu định hướng đến ung thư phổi. Với ung thư phổi thì điển hình là: SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro-GRP, NSE.
3. Những người thuộc diện mắc ung thư phổi cao cần tầm soát sớm
Nếu nhận thấy bản thân thuộc nhóm đối tượng mắc ung thư phổi cao, bạn cần chủ động bảo vệ sức khỏe của mình. Tầm soát ung thư phổi là cách tốt nhất và an toàn nhất để ngăn chặn ung thư tấn công sức khỏe. Nhóm đối tượng mắc bệnh cao có đặc điểm sau:
– Thuộc độ tuổi từ 55 đến 75.
– Có thói quen hút thuốc lá trong nhiều năm (Khoảng 30 năm).
– Có bố mẹ, anh chị em ruột hoặc người thân họ hàng đã hoặc đang mắc ung thư phổi.
– Thường xuyên phải làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại, tiếp xúc nhiều các chất phóng xạ.
– Phổi có những tổn thương mạn tính.
– Trước đó từng mắc ung thư và đã điều trị khỏi.
Trên đây là 5 dấu hiệu ung thư phổi ở giai đoạn đầu phổ biến, thường xảy ra ở hầu hết mọi đối tượng. Bạn cần chủ động nghi ngờ với mọi dấu hiệu bất thường, dù là nhỏ nhất và tưởng chừng là “nhẹ nhất”. Hãy tới cơ sở y tế để kiểm tra, chẩn đoán và phân biệt với các bệnh lý khác. Chẩn đoán sớm có ý nghĩa lớn trong điều trị ung thư phổi kịp thời.