Mặc dù không phải là một bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm, lác vẫn khiến người bệnh khó lòng chấp nhận nổi. Nó ảnh hưởng đến thị lực, cũng ảnh hưởng đến diện mạo của người bệnh. Rất may mắn, nếu biết cách, bệnh nhân có thể cải thiện một phần nào đó tình trạng lác. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin gửi đến bạn 5 bài tập cho mắt lác ai cũng có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh lý lác
Lác là một trong 5 bệnh lý nhãn khoa phổ biến nhất. Khi bị lác, hai mắt của bệnh nhân không nhìn cùng một hướng. Cụ thể, nếu một mắt nhìn thẳng, mắt còn lại sẽ nhìn trên, dưới, trong hoặc ngoài.
Mắt có 6 cơ vận nhãn, bao gồm: 4 cơ thẳng và 2 cơ chéo. Các cơ này có đầu dẹp, bề dày trung bình 4cm; bám quanh nhãn cầu, giúp nhãn cầu di chuyển. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng lác phát sinh là do các cơ vận nhãn mất cân bằng bẩm sinh. Ngoài ra, một số yếu tố sau có thể gia tăng nguy cơ phát sinh bệnh: Tổn thương dây thần kinh thị giác, tật khúc xạ, tổn thương cơ vận nhãn, dị dạng hốc mắt, biến chứng của những bệnh lý mãn tính khác như tiểu đường, chấn thương sọ não,
Lác có thể xuất hiện ở mọi giới tính, mọi độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi và trẻ nhỏ bị lác vẫn lớn hơn cả.
Lé có thể gây suy giảm thị lực vĩnh viễn (nhược thị), suy giảm khả năng nhận thức chiều sâu (thị giác 2 mắt), suy giảm khả năng tính toán khoảng cách,… dẫn dến tình trạng trẻ vụng về, hậu đậu, đi lại loạng choạng.
2. Điều trị bệnh lý lác
Như đã chia sẻ phía trên, lác vừa ảnh hưởng đến thị lực vừa ảnh hưởng đến diện mạo của bệnh nhân. Một số phụ huynh quan niệm tình trạng lác ở trẻ sẽ chuyển biến tích cực khi trẻ lớn lên. Quan niệm này sai lầm hết sức. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, phụ huynh không nên phó mặc bệnh lý lác cho “ông trời” mà cần chủ động điều trị dứt điểm nó, để tránh hậu họa về sau. Một trong những hậu họa có thể xuất hiện sau một thời gian dài bị lác là nhược thị. Một khi đã nhược thị, cuộc sống của người bệnh sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
2.1. Bài tập cho mắt lác
Mục tiêu của điều trị lác là cải thiện thị lực ở mắt yếu hơn. Để đạt được mục tiêu này, người bệnh có thể thực hiện tại nhà một số bài tập cho mắt lác sau:
– Bài tập 1: Chấm 1 điểm màu trên tường hoặc sàn nhà. Bịt một mắt và dùng mắt còn lại nhìn tập trung vào điểm màu đó. Điều chỉnh khoảng cách giữa mình và điểm màu sao cho bệnh nhân có thể nhìn rõ ràng. Bài tập này cần thực hiện hàng ngày, tập cả 2 mắt.
– Bài tập 2: Bài tập này nên được thực hiện ngoài trời, trong điều kiện đầy đủ ánh sáng. Hãy phóng tầm mắt ra xa để nhìn các dãy nhà hoặc hàng cây.
– Bài tập 3: Giơ bàn tay song song với mắt. Tập trung mắt trái nhìn tay trái, mắt phải nhìn tay phải. Di chuyển chéo hai tay, đảm bảo mắt nào vẫn theo dõi tay đó. Tiếp theo, đưa hai tay xa mắt khoảng 20 – 50cm sau đó đưa hai tay trở về vị trí ban đầu. Mỗi ngày, thực hiện 3 – 5 phút bài tập này.
– Bài tập 4: Sau khi làm việc hoặc học tập khoảng 2 – 3 giờ liên tục, hãy nhắm mắt và thả lỏng đầu óc hoàn toàn.
– Bài tập 5: Trong trường hợp bệnh nhân chỉ lác nhẹ một bên, hãy che mắt bình thường và tập nhìn nhiều hơn bằng mắt bị lác.
Áp dụng 5 bài tập trên, người bệnh cần kiên trì mỗi ngày mới có thể thu được kết quả như mong đợi.
2.2. Phẫu thuật chữa lác
Nếu đã thực hiện cả 5 bài tập trên đều đặn mà tình trạng lác vẫn không cải thiện, bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật. Ở trẻ nhỏ: Nếu con ngươi của mắt lác hướng xuống, có thể mổ khi trẻ đủ 2 tuổi. Nếu con ngươi của mắt lác hướng ra ngoài, có thể mổ khi trẻ đủ 5 tuổi. Nếu để quá lâu, tình trạng lác ở trẻ sẽ khó khắc phục hơn. Đối với người trưởng thành: Có thể mổ lác bất cứ lúc nào. Phẫu thuật lác không làm trầm trọng thêm các vấn đề về mắt trước đó. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, một số biến chứng như tụ máu nhãn cầu, sưng phù kết mạc hoặc mi mắt,… có thể xuất hiện. Nhưng những biến chứng này điều trị tích cực sẽ biến mất hoàn toàn không để lại di chứng.
3. Phòng ngừa bệnh lý lác
Cũng như các tật khúc xạ, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý lác, trừ trường hợp lác do bẩm sinh hoặc do dị dạng hốc mắt. Để làm được điều đó, hãy thực hiện các lưu ý sau:
– Thăm khám định kỳ với chuyên gia nhãn khoa: Giúp phát hiện và kiểm soát sớm không chỉ bệnh lý lác mà cả các bệnh lý nhãn khoa khác như các tật khúc xạ: Cận – viễn – loạn,…
– Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử; nếu sử dụng, cần đảm bảo đủ ánh sáng và giữ thiết bị xa mắt. Khi học tập/làm việc, phải ngồi đúng tư thế. Sắp xếp thời gian cho mắt nghỉ ngơi sau khi làm việc/học tập.
– Đối với người cao tuổi: Nên thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát lượng đường trong máu để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
– Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý: Để đôi mắt luôn khỏe mạnh, hãy tuân thủ chế độ dinh dưỡng chứa nhiều Vitamin A, C, Omega 3 và chất chống Oxy hóa, như: Hạt hướng dương, cá hồi, cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, ớt chuông,…
– Sử dụng viên uống bổ mắt có chứa Lutein, Zeaxanthin
– Từ bỏ thuốc lá, rượu, bia, cà phê,…
Như vậy, lác là một bệnh lý nhãn khoa vừa ảnh hưởng đến thị lực, vừa ảnh hưởng đến diện mạo bệnh nhân. Rất may mắn, bệnh lý này có thể được cải thiện phần nào bằng các bài tập cho mắt lác, chỉ cần bệnh nhân kiên trì thực hiện mỗi ngày. Trong trường hợp, bệnh không thể biến chuyển theo hướng tích cực nhờ phương pháp ấy, người bệnh vẫn có thể phẫu thuật để khắc phục lác. Chính vì vậy, nếu bạn mắc bệnh lý này, đừng buồn phiền bạn nhé.