Nguyên nhân mắt bị lác nhẹ và cách tự cải thiện tại nhà

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Lác/lé là một trong số những tật về mắt hình thành do “lỗi” của các cơ điều chỉnh hoạt động của nhãn cầu. Thông thường đa số bệnh nhân bị lác đều mắc phải từ khi còn nhỏ, ban đầu có thể mắt bị lác nhẹ, nhưng càng lớn, không có sự điều chỉnh, tình trạng này sẽ càng nặng hơn và khó để chữa trị.

1. Sự hình thành tật mắt lác

1.1 Cơ chế hoạt động của mắt bình thường

mắt bị lác nhẹ

Các loại cơ nhãn cầu và vị trí

Để có một đôi mắt với nhãn cầu hoạt động bình thường, cần có sự phối hợp hoạt động nhuần nhuyễn và đồng thời của 6 loại cơ:
– Cơ thẳng trong: điều chỉnh nhãn cầu di chuyển vào trong
– Cơ thẳng ngoài: điều chỉnh nhãn cầu di chuyển ra ngoài
– Cơ thẳng trên: điều chỉnh nhãn cầu di chuyển lên trên
– Cơ thẳng dưới: điều chỉnh nhãn cầu di chuyển xuống dưới
– Cơ chéo lớn: điều chỉnh nhãn cầu xoay vào trong
– Cơ chéo bé: điều chỉnh nhãn cầu xoay ra ngoài

Những cơ này sẽ quyết định đến sự di chuyển của nhãn cầu. Đối với người không mắc bệnh, các nhóm cơ sẽ điều khiển để 2 mắt sẽ cùng nhìn vào một điểm (còn gọi là hợp thị), nhờ đó nhãn cầu có thể tổng hợp lại hình ảnh thu được ở 2 mắt thành một ảnh 3 chiều duy nhất. Lúc này mắt được xác định là có thị giác tinh tế.

1.2 Mắt bị lác nhẹ/nặng – Lỗi trong hoạt động cơ mắt

Ngược lại với mắt có nhãn cầu di chuyển bình thường nhờ sự phối hợp ăn ý của 6 loại cơ như đã kể trên, tật mắt lác hình thành là bởi hoạt động “lỗi” của các cơ. Tình trạng này khiến cho 2 nhãn cầu hoạt động không cân bằng, tầm nhìn của mỗi mắt lại theo một hướng khác nhau. Nói ngắn gọn hơn, mắt lác hình thành do sự lệch trục của nhãn cầu.

Đây là bệnh lý rất hay xảy ra ở trẻ nhỏ, một số ít trường hợp gặp ở trẻ vừa ra đời. Ngoài ra, người lớn cũng có thể mắc bệnh này nhưng với tỉ lệ thấp hơn.

Tật mắt lác có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt với xu hướng cùng nhìn lệch vào trong hoặc lệch ra ngoài. Dựa vào sự sai lệch khi hoạt động, có thể chia mắt lác thành các loại:

mắt bị lác nhẹ

Phân loại mắt lác

– Lác ngang: là trường hợp mắt lành nhìn thẳng vào vật, mắt bị tật nhìn hướng ngang về phía mũi (lác trong) hoặc nhìn hướng ngang về phía thái dương (lác ngoài).
– Lác đứng: là trường hợp mắt lành nhìn thẳng vào vật, mắt bị tật nhìn hướng thẳng xuống dưới hoặc lên trên.
– Lác xoáy: là trường hợp mắt lành nhìn thẳng vào vật, mắt còn lại nhìn hướng lệch xoáy vào trong phía mũi (lác xoáy trong) hoặc lệch xoáy ra phía thái dương (lác xoáy ngoài).

Ngoài ra tình trạng và mức độ lác ở mỗi người bệnh là khác nhau, mắt bị lác nhẹ nếu không có biện pháp cải thiện, không tìm ra nguyên nhân tác động để hạn chế thì dễ diễn biến nặng hơn và khó khôi phục về mắt hợp thị.

1.3 Nguyên nhân khiến mắt bị lác nhẹ

Nguyên nhân gây nên tật mắt lác này bao gồm cả bẩm sinh và mắc phải. Dù do nguyên nhân nào gây nên thì hiện tượng lác đều diễn biến từ rất nhẹ cho đến nặng. Riêng đối với những trường hợp không phải do bẩm sinh, thì khả năng mắc phải tật có thể xảy ra ở bất kì giai đoạn nào trong cuộc đời, tuy nhiên đối tượng mắc bệnh phổ biến nhất là ở trẻ em.

mắt bị lác nhẹ

Tỉ lệ người bị lác là trẻ em thường cao hơn

Cụ thể các nguyên nhân khiến mắt bắt đầu bị lác ở mức độ nhẹ gồm:
– Di truyền: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tật lác bẩm sinh. Nghiên cứu của các chuyên gia nhãn khoa cho thấy, có tới 20% bố mẹ bị lác có thể di truyền sang cho con. Tuy nhiên, tật lác bẩm sinh đa số đều được phát hiện từ sớm và chữa trị kịp thời.
– Do dị dạng hoặc khuyết tật hệ vận động nhãn cầu.
– Do sự thiếu cân bằng của não và hệ thống thần kinh với mắt.
– Do cố gắng khắc phục các vấn đề do tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị gây nên.
– Do chấn thương bởi va đập, bị nhiễm khuẩn mắt.
– Do biến chứng của các bệnh về mắt kéo dài như: đục thủy tinh thể, sụp mi, bệnh Glaucoma, u nguyên bào võng mạc…
– Mắc bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh sởi.
– Mắc một số vấn đề ở não như: hội chứng Down, bại não…

2. Mắt lác nhẹ có gây ảnh hưởng đến thị lực?

Khi mắt đã bị tật thì ảnh hưởng tới thị lực là điều không thể tránh khỏi. Dù mắt bị lác nhẹ hay nặng thị lực của người bệnh cũng kém hơn so với mắt bình thường và có thể xuất hiện hiện tượng như nhìn đôi, khó tập trung.

Khi 1 mắt bị nhìn lệch, 2 hình ảnh ở 2 góc độ khác nhau của cùng một sự vật do mắt thu lại sẽ được chuyển đến não bộ. Ở trẻ nhỏ, não bộ có khả năng tự chọn lọc, loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch, nhìn mờ và chỉ lấy hình ảnh của mắt nhìn thẳng hoặc nhìn rõ hơn. Nhưng ở người lớn, não bộ thu lại cả 2 hình ảnh và không còn khả năng tự loại bỏ hình ảnh từ mắt bị lệch, gây nên hiện tượng nhìn đôi. Đây cũng là lý do khiến người bị lác mắt gặp khó khăn khi phải nhìn vào một vật cụ thể. Thường họ phải nghiêng đầu để hai mắt có thể nhìn được chính xác vị trí, hình dạng vật, lâu dần cũng thành tật ảnh hưởng thẩm mỹ và đốt sống cổ.

Bên cạnh đó, có khoảng 50% số trẻ bị lác có thể mất thị lực một phần do nhược thị nếu không được điều trị. Nguyên nhân do mắt bị tật ít được sử dụng hơn, từ đó chức năng thị lực suy giảm dần dần.

Do đó ngay khi phát hiện bản thân hoặc trẻ nhỏ có triệu chứng bất thường, cần chủ động đi khám nhãn khoa ngay để được điều trị kịp thời và kết hợp tập luyện tại nhà để có kết quả tốt nhất.

3. Hỗ trợ cải thiện mắt bị lác nhẹ tại nhà

mắt bị lác nhẹ

Nên đi khám mắt ngay khi có dấu hiệu để điều trị bệnh sớm

Trong trường hợp đi khám chuyên khoa và được chẩn đoán bị lác, bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cũng có thể tập luyện cơ mắt với 2 bài tập dưới đây, kết hợp thay đổi thói quen nhìn, bổ sung các thực phẩm có lợi cho mắt sẽ phần nào giúp cải thiện tình trạng lác, nhất là đối với các trường hợp mắt bị lác nhẹ.

– Bịt một mắt và nhìn tập trung vào một điểm: Bịt một mắt và nhìn tập trung vào chấm tròn trên tường màu sáng, điều chỉnh độ xa sao cho nhìn rõ nhất. Giữ nguyên vị trí và nhìn tập trung trong 30 phút mỗi ngày.

– Quan sát những sự vật có dạng chuỗi liên tiếp: Hãy lựa chọn thời điểm buổi sáng khi chưa có ánh nắng chói và quan sát từng nhà tại dãy nhà đối diện hoặc dãy băng rôn.

– Rèn luyện tâm lý kiên trì luyện tập và thái độ tự tin, cầu thị cũng là cách giúp tình trạng lác có thể được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý giàu vitamin A, E cùng thói quen làm việc tại nơi có ánh sáng đầy đủ, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử… cũng phần nào giúp mắt khỏe hơn, tránh suy giảm thị lực.

Hy vọng bài viết này đã phần nào cung cấp những thông tin cơ bản để giải đáp những thắc mắc của bạn về tình trạng mắt bị lác nhẹ. Nếu có thắc mắc hoặc nghi ngờ mình bị bệnh, hãy đến bác sĩ thăm khám để có hướng điều trị phù hợp nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital