Viêm trợt niêm mạc dạ dày là bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa. Các dấu hiệu của bệnh đôi khi không rõ ràng vì vậy người bệnh thường nhầm lẫn sang đau bụng thông thường. Vậy đâu là triệu chứng viêm trợt niêm mạc và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu 3 cách điều trị bệnh hiệu quả qua bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm trợt niêm mạc dạ dày
Trước khi trả lời về viêm trợt niêm mạc dạ dày là gì, bạn cần tìm hiểu về cấu trúc dạ dày. Dạ dày gồm có 5 lớp trong đó niêm mạc là lớp nằm trong cùng và chứa các tuyến của dạ dày. Niêm mạc có có chức năng bảo vệ và ngăn ngừa tác nhân gây ảnh hưởng tới dạ dày.
Lớp niêm mạc rất mỏng manh vì vậy dễ bị tổn thương bởi các tác nhân khác nhau. Các vết loét, viêm nhiễm gây ra viêm niêm mạc dạ dày.
Bệnh được chia thành hai thể:
– Viêm trợt niêm mạc cấp tính: Giai đoạn này có những triệu chứng nhẹ như miệng đắng, đau bụng, khó tiêu, ợ hơi,… Bệnh ở giai đoạn khởi phát này nếu được điều trị ngay sẽ dễ dàng chữa khỏi. Người bệnh không nên chủ quan với triệu chứng nhẹ vì bệnh có thể tiến triển rất nhanh sang giai đoạn nặng hơn.
– Viêm trợt niêm mạc mạn tính: Các vết viêm nhiễm lúc này đã ăn sâu, lan rộng gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác. Giai đoạn này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và vô cùng khó khăn trong việc chữa trị.
2. Các nguyên nhân chính gây viêm niêm mạc dạ dày
Theo các số liệu thống kê thì viêm dạ dày có thể do một số nguyên nhân cơ bản như:
2.1. Nhiễm khuẩn HP
Có tới gần 90% người mắc bệnh viêm trợt niêm mạc dạ dày dương tính với khuẩn HP. Điều này có nghĩa là vi khuẩn HP là tác nhân chính gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể chúng tiết ra các độc tố để tấn công và phá hủy lớp niêm mạc mỏng manh. Không chỉ gây viêm tại niêm mạc, vi khuẩn HP cũng gây tác động xấu tới các bộ phận khác thuộc hệ tiêu hóa.
2.2. Sử dụng chất kích thích
Thuốc lá, rượu bia, cafe làm mạch máu co thắt bất thường. Điều này làm tăng tiết dịch vị acid trong dạ dày khiến cho chức năng dạ dày hoạt động không ổn định. Dần dần lớp niêm mạc sẽ bị bào mòn và hình thành ổ loét.
2.3. Các loại thuốc
Thuốc Tây có giúp chữa bệnh nhanh chóng nhưng đồng thời cũng gây ra không ít tác dụng phụ. Các loại thuốc hóa trị, xạ trị, kháng sinh cũng làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Hoạt chất trong thuốc sẽ gây ra tổn thương trên niêm mạc.
2.4. Chế độ ăn uống không hợp lý
Ăn khuya, ăn quá no, bỏ bữa,… ảnh hưởng tới quá trình tiết dịch vị acid và chức năng tiêu hóa. Sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công (acid dịch vị) và yếu tố bảo vệ (chất nhầy) sẽ khiến niêm mạc bị tổn thương.
2.5. Căng thẳng gây viêm trợt niêm mạc dạ dày
Stress tinh thần, căng thẳng kéo dài khiến hệ thần kinh trung ương tác động tới nhu động ruột. Hệ tiêu hóa bị rối loạn gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc dạ dày.
3. Dấu hiệu điển hình của bệnh
Các dấu hiệu ban đầu của viêm trợt niêm mạc dạ dày thường rất nhẹ hoặc đôi khi không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh thường bị nhầm lẫn sang đau bụng thông thường nên sẽ rất chủ quan. Các biểu hiện bạn cần để í tới là:
3.1. Đau bụng vùng thượng vị do viêm trợt niêm mạc dạ dày
Thượng vị là vùng bụng từ trên rốn tới phần xương ức. Cơn đau tại đây có thể diễn ra âm ỉ hoặc dữ dội trong vài giờ tới vài ngày. Niêm mạc mới bị viêm thì người bệnh sẽ thấy đau khi đói. Khi vết loét nặng hơn sẽ gây ra cơn đau ngay cả khi đã ăn no do dịch vị tiết ra nhiều kích thích vào niêm mạc.
3.2. Đầy bụng, khó tiêu
Đây là một trong số các triệu chứng thường gặp của viêm trợt niêm mạc dạ dày. Mặc dù ăn uống bình thường nhưng người bệnh luôn cảm giác đầy bụng, không muốn ăn. Lý do xảy ra tình trạng này là các vết loét trong niêm mạc sẽ ảnh hưởng tới đường đi của thực phẩm vào dạ dày. Thức ăn sẽ được chuyển hóa chậm có thể lên men và thải khí gây ra đầy bụng. Người bệnh sẽ thấy ăn không ngon, chán ăn dẫn tới sụt cân.
3.3. Buồn nôn
Bệnh nhân cũng thường có cảm giác buồn nôn kèm ho khan, luôn khát nước. Các triệu chứng trên sẽ làm cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.
3.4. Ợ chua, ợ hơi
Các vết viêm loét trong dạ dày cũng có thể làm dư thừa lượng khí do thức ăn chưa được chuyển hóa hết gây ra. Điều này khiến cho cơ thể sinh ra phản ứng ợ hơi để đẩy bớt khí ra ngoài.
3.5. Thay đổi tính chất phân
Viêm trợt niêm mạc dạ dày sẽ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Người mắc bệnh sẽ bị táo bón hoặc tiêu chảy do các bộ phận trong hệ tiêu hóa hoạt động không ổn định. Đi ngoài ra phân lúc lỏng, lúc rắn và có màu bất thường như đen, lẫn máu.
4. Mức độ nguy hiểm của viêm trợt niêm mạc dạ dày
Như các bạn đã biết, viêm dạ dày được chia thành dạng cấp tính và mạn tính. Khi bệnh ở giai đoạn khởi điểm thì rất dễ chữa khỏi. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống để đẩy lùi các triệu chứng.
Ngược lại, nếu bệnh ở giai đoạn mạn tính sẽ rất khó chữa và xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
4.1. Xuất huyết dạ dày
Các vết loét không được điều trị sẽ lan rộng và ăn sâu vào trong niêm mạc của dạ dày gây phù nề xung huyết và chảy máu. Ổ loét còn có thể lan sang các bộ phận lân cận gây sưng viêm. Xuất huyết dạ dày sẽ khiến người bệnh đi ngoài và nôn ra máu.
4.2. Thủng dạ dày
Tương tự với biến chứng xuất huyết dạ dày, vết loét lớn sẽ bào mòn niêm mạc gây thủng dạ dày. Người bệnh sẽ thấy những cơn đau dữ dội như bị dao đâm, bụng cứng đờ.
4.3. Ung thư dạ dày
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài trong nhiều năm khi không được điều trị. Người bệnh thường phát hiện ung thư rất muộn khi đã ở giai đoạn cuối vì vậy vô cùng khó chữa trị. Tỷ lệ tử vong khi bị ung thư dạ dày cũng rất cao.
Các biến chứng kể trên vô cùng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng. Ngay khi thấy xuất hiện một trong các biến chứng này bạn cần tới ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
5. 3 biện pháp chữa viêm trợt niêm mạc dạ dày hiệu quả nhất
Mỗi loại bệnh sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Viêm trợt niêm mạc dạ dày cũng có nhiều cách điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
5.1. Cách điều trị không sử dụng thuốc
Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được bác sĩ khuyến cáo điều trị bằng cách khắc phục thói quen xấu trong ăn uống và sinh hoạt.
Ăn uống khoa học
Chia nhỏ bữa ăn để dạ dày không phải hoạt động quá tải. Bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Khi ăn uống nên ăn chậm, nhai kỹ và không nói chuyện. Thức ăn được nghiền nát trước khi xuống dạ dày sẽ giúp giảm tải hoạt động của dạ dày.
Thay đổi lối sống lành mạnh
– Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, không nên ăn quá khuya.
– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để cơ thể được vận động, cải thiện sức đề kháng.
– Tránh làm việc quá mệt mỏi, thường xuyên căng thẳng.
Hạn chế sử dụng chất kích ứng gây hại cho dạ dày
– Người bệnh không nên ăn các thực phẩm có vị chua cay, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
– Hạn chế tối đa việc sử dụng trà, cafe, thuốc lá và các loại đồ uống có cồn.
5.2. Sử dụng thuốc Tây điều trị viêm trợt niêm mạc dạ dày
Đây là phương pháp được đánh giá là mang lại hiệu quả nhất và được áp dụng rộng rãi. Một số loại thuốc thường được kê cho bệnh nhân điều trị:
Thuốc kháng sinh
– Kháng sinh histamin H2 (thuốc Famotidin, thuốc Cimetidine, thuốc Ranitidin)
– Thuốc kháng sinh acid.
Chúng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP và giảm các triệu chứng đau bụng, đầy bụng.
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
– Thuốc Sucralfate
– Thuốc Prostaglandin
– Thuốc Bismuth subcitrat
Thuốc giúp tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh.
Thuốc trung hòa acid
– Thuốc Phosphalugel
– Thuốc Yumangel
– Thuốc Gastropulgite
– Thuốc Antacid,…
Thuốc Tây mang lại hiệu quả điều trị nhanh chóng nhưng cũng sẽ gây nhiều tác dụng phụ. Vì vậy bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
5.3. Can thiệp ngoại khoa
Với các trường hợp ổ loét nặng, có kích thước lớn, xù xì không thể điều trị nội khoa bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để can thiệp. Bác sĩ có thể can thiệp điều trị qua nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở. Các thủ thuật này cần được tiến hành ở các cơ sở y tế uy tín, đầy đủ trang thiết bị hiện đại và được các bác sĩ giỏi trực tiếp thực hiện.
Viêm trợt niêm mạc dạ dày sẽ không gây nguy hiểm khi được phát hiện sớm. Điều quan trọng là bạn cần thực hiện theo các phương pháp điều trị mà bác sĩ tư vấn. Tránh để bệnh không được chữa triệt để và tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm.