Một nghiên cứu cho biết có đến khoảng 70% dân số Việt nam nhiễm vi khuẩn HP. Dù không phải ai nhiễm vi khuẩn HP đều có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng nhưng việc đề cao phòng tránh loại vi khuẩn này rất cần thiết, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, trong đó có cả ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP (Heclicobacter pylori) là loại vi khuẩn độc nhất vô nhị có thể sống trong môi trường dạ dày, nó được tìm thấy ở hầu hết các bệnh nhân bị ung thư dạ dày ở Việt Nam. HP sinh sống trong lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease, chất này phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.
Menu xem nhanh:
Cách phòng lây nhiễm vi khuẩn HP
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trên thế giới trung bình là 50%. Riêng ở Việt Nam, tại Hà Nội cứ 1000 người thì có khoảng 700 người nhiễm vi khuẩn HP, tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới 90% bệnh nhân bị viêm dạ dày có sự xuất hiện của loại vi khuẩn này.
Để biết cách phòng lây nhiễm vi khuẩn HP chúng ta cần biết vi khuẩn HP có thể lây nhiễm qua những con đường nào. Theo các bác sĩ, vi khuẩn HP có thể lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh theo một số con đường sau:
- Lây nhiễm qua đường miệng: ngoài tồn tại ở niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Nếu bạn có thói quen ăn dùng chung bát nước chấm, chung chén, đũa, nhai mớm cơm thì rất dễ lây nhiễm HP
- Lây nhiễm qua đường dạ dày: một số cơ sở y tế kém nên dụng cụ nội soi không được đảm bảo, khiến vi khuẩn HP lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh
- Lây nhiễm qua đường phân – miệng: vi khuẩn HP có thể tồn tại ở trong phân người bệnh. Nếu sau khi đại tiện vệ sinh không sạch sẽ hay qua côn trùng là trung gian truyền bệnh cũng có thể lây nhiễm loại vi khuẩn này.
Theo những con đường lây nhiễm trên, một số cách phòng lây nhiễm vi khuẩn HP được khuyến cáo là:
- Hãy tập thói quen sử dụng bát nước chấm riêng trong bữa ăn
- Không dùng chung đũa, bát
- Không nhai mớm cơm cho trẻ
- Rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
- Vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ, không để các côn trùng truyền bệnh sinh sôi và phát triển…
- Thực hiện khám sức khỏe, test HP…
- Tham khảo: dấu hiệu nhiễm khuẩn HP
Vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào?
HP chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày – tá tràng và đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở nhiều đối tượng.
Vi khuẩn HP rất phổ biến và hầu hết bệnh nhân ung thư dạ dày nào cũng có sự hiện diện của loại vi khuẩn này khiến nhiều người lo lắng không biết có phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là sẽ bị ung thư dạ dày không. Về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính xác gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ và vi khuẩn HP chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ. Trong số khoảng 200 loại vi khuẩn HP khác nhau chỉ có một số loại có độc lực cao liên quan đến ung thư dạ dày.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, có khoảng 80% người nhiễm khuẩn HP gây ra viêm dạ dày mạn tính không triệu chứng, 15 – 20% bị viêm teo dạ dày mạn tính hay chuyển sản ruột, viêm loét dạ dày tá tràng và 1% biến chuyển thành ung thư
Cách điều trị vi khuẩn HP
Không phải cứ có HP là phải điều trị bởi lạm dụng thuốc điều trị cũng có nhiều tác dụng phụ. Theo các bác sĩ, thông thường nếu không có bất kì triệu chứng lâm sàng nào như đau bụng, đây hơi, nôn ói, không có những tổn thương nghi ngờ hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị HP có thể không cần thiết.
Điều trị vi khuẩn HP thường được áp dụng có biểu hiện lâm sàng và có chỉ định bác sĩ. Phác đồ diệt HP thường là phác đồ 3 thuốc trong đó có 2 loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI.
Thực tế, những người có nhiễm HP sẽ có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn những người khác. Nguy hiểm hơn, ung thư dạ dày ngày càng tăng nhanh và trẻ hóa, có liên quan đến nhiều yếu tố sinh hoạt, lối sống của mỗi người. Vì vậy, bên cạnh quan tâm đến cách phòng lây nhiễm vi khuẩn HP, mỗi người cần chủ động thăm khám, tầm soát ung thư dạ dày định kì.
Trên đây là một số thông tin tham khảo về cách phòng lây nhiễm vi khuẩn HP. Để đăng kí khám điều trị tại Bệnh viện Thu Cúc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 55 88 92.