Dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý thường gặp tại đường tiêu hóa, gây nhiều bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Nhận biết sớm các dấu hiệu trào ngược dạ dày giúp người bệnh thăm khám kịp thời, từ đó có hướng điều trị hiệu quả.

1. Các dấu hiệu trào ngược dạ dày điển hình

1.1. Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua

Tình trạng ợ hơi thường xuyên, nhất là lúc đói, là một trong những triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày. Người bệnh có thể bị ợ nóng, cảm giác nóng rát xuất hiện tại dạ dày và vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ.

Trong khi đó, triệu chứng ợ chua xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Sau khi ợ, người bệnh cảm thấy vị chua trong miệng. Triệu chứng ợ chua thường đi kèm với ợ nóng.

Điểm chung của các triệu chứng ợ nói trên là sẽ tăng lên khi ăn no, uống nước, khi đang đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, người bệnh còn bị ợ hơi khi cúi gập người về phía trước, nằm nghỉ hoặc ngủ vào ban đêm.

Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản

Người bệnh trào ngược dạ dày thường gặp triệu chứng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng

1.2. Buồn nôn và nôn

Nếu bạn thường buồn nôn và nôn say khi ăn no hoặc nằm ngay sau khi ăn, bạn có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày. Bên cạnh biểu hiện nôn và buồn nôn, người bệnh còn có cảm giác mắc nghẹn thức ăn ở cổ họng. Đồng thời người bệnh cũng dễ bị nôn hơn khi ốm nghén (với phụ nữ mang thai), say tàu xe hoặc dùng một số loại thuốc.

1.3. Đau tức ngực – Dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp

Khi bị trào ngược dạ dày, acid dịch vị trào ngược lên kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt thực quản. Điều này gây cảm giác đau ở thực quản – phần chạy qua ngực, gây cảm giác tương tự như cơn đau ở ngực.

Triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề liên quan đến tim mạch. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè ép, thắt ở ngực, có thể lan ra phần lưng.

1.4. Đắng miệng và hôi miệng

Đây là triệu chứng liên quan đến trào ngược dạ dày và rối loạn thần kinh dạ dày. Van môn vị mở quá mức, khiến dịch vị trào lên thực quản có kèm theo dịch mật. Hệ quả người bệnh có cảm giác đắng miệng, hôi miệng, có thể kèm chán ăn, sụt cân.

1.5. Miệng tiết nhiều nước bọt

Việc trung hòa acid dạ dày đòi hỏi nước bọt tiết ra nhiều hơn bình thường. Đây cũng là phản xạ tự nhiên của miệng khi gặp acid trào ngược lên sau mỗi lần ợ chua.

1.6. Khó nuốt là dấu hiệu trào ngược dạ dày

Triệu chứng này thường gặp khi trào ngược dạ dày thực quản đã tiến triển. Lúc này, acid trào ngược lên với tần suất lớn, gây tổn thương niêm mạc thực quản. Niêm mạc thực quản bị sưng tấy, phù nề sẽ dẫn đến tình trạng khó nuốt, nuốt nghẹn, có cảm giác vướng ở cổ.

Các dấu hiệu trào ngược dạ dày

Đau tức ngực, khó nuốt, khàn giọng và ho cũng là các triệu chứng cảnh báo trào ngược dạ dày

1.7. Khàn giọng và ho

Dây thanh quản tiếp xúc với acid dạ dày sẽ bị tổn thương, sưng tấy. Người bệnh có thể bị khàn giọng, khó nói, lâu ngày chuyển thành ho, ho nhiều và liên tục.

2. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày

2.1. Nguyên nhân thuộc bệnh lý

Vấn đề tại thực quản

Nguyên nhân đầu tiên gây trào ngược dạ dày thực quản là do suy cơ thắt dưới thực quản. Ở người khỏe mạnh, tính kiềm của dịch nhầy của thực quản với bicarbonat và nước bọt có vai trò trung hòa acid dịch vị nếu có hiện tượng trào ngược. Chúng làm giảm hoặc mất đi sự kích thích của acid lên niêm mạc thực quản. Đồng thời, nhu động thực quả sẽ đẩy dịch trào ngược xuống dạ dày. Vì vậy, suy cơ thắt dưới thực quản sẽ cản trở chức năng này, dẫn đến trào ngược dạ dày.

Ngoài ra, hiện tượng thoát vị hoành cũng là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày. Cơ hoành khi co sẽ tăng cường sức mạnh cho cơ thắt dưới thực quản, ngăn tình trạng trào ngược. Khi bị thoát vị hoành, cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành nên dễ xảy ra trào ngược.

Vấn đề tại dạ dày

Quá trình tiêu hóa có thể bị cản trở vì các bệnh lý tại dạ dày như viêm loét, hẹp môn vị, ung thư dạ dày,… Các chất trong dạ dày bị ứ đọng, chậm lưu thông xuống ruột, gây tăng áp lực trong dạ dày. Tình trạng này làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.

Thêm vào đó, hiện tượng trào ngược còn có thể xảy ra khi áp lực ổ bụng tăng đột ngột do ho, hắt hơi hoặc gắng sức.

Do béo phì

Thừa cân, béo phì khiến áp lực tại dạ dày và cơ thắt dưới thực quản tăng lên, khiến trương lực suy giảm. Đây chính là lý do khiến acid dịch vụ và các chất trong dạ dày dễ trào ngược hơn.

Các bệnh lý khác

Trào ngược dạ dày còn có thể liên quan đến một số vấn đề bệnh lý khác như: chấn thương, tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, một số bệnh lý về di truyền,…

2.2. Nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý

Căng thẳng thường xuyên

Tăng tiết cortisol do stress làm tăng acid và trương lực co bóp của dạ dày, đẩy acid trào ngược lên thực quản. Căng thẳng kéo dài còn gây rối loạn nhu động thực quản, khiến cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm. Việc dãn mỡ cơ xảy ra thường xuyên trong thời gian dài dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày.

Thói quen ăn uống không lành mạnh

Thói quen ăn uống không hợp lý gây áp lực cho trương lực của cơ thắt thực quản. Theo thời gian cơ này bị yếu, đóng mở bất thường gây trào ngược dạ dày. Một số thói quen xấu liên quan đến chế độ ăn uống mà bạn cần loại bỏ gồm:

– Ăn quá no trong một bữa;

– Ăn đêm, ăn khuya;

– Ăn hoa quả có tính acid (như cam, chanh, cóc) khi đói;

– Sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, các thực phẩm chế biến sẵn, cay nóng;

– Uống nhiều các chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn, hút thuốc lá,…

Tác dụng phụ khi dùng thuốc

Các loại thuốc huyết áp hoặc một số loại thuốc như aspirin, cholecystokinin, glucagon,… có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày – thực quản.

3. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày bằng cách nào?

Trào ngược dạ dày có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như: viêm loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản (hay tiền ung thư thực quản), ung thư thực quản. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gây viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi.

Chính vì các biến chứng nguy hiểm đó, người bệnh cần được điều trị kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu trào ngược dạ dày. Dưới đây là một số phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến với người bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

3.1. Phương pháp không dùng thuốc

Cải thiện chế độ ăn uống

– Ăn uống đúng giờ, không bỏ bất kỳ bữa ăn nào trong ngày.

– Bổ sung các thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa acid như: thực phẩm từ tinh bột (bánh mì, bột yến mạch), chất đạm dễ tiêu,…

– Hạn chế các loại thực phẩm kích thích tăng tiết acid dạ dày hoặc kích thích cơ thắt dưới thực quản như: trái cây có hàm lượng acid cao (chanh, cam, xoài xanh, cóc…), món ăn chua/ cay nóng, các món muối chua (dưa chua, măng muối), thực phẩm giàu chất béo,…

– Không sử dụng đồ uống có cồn và đồ uống có gas.

Dấu hiệu trào ngược dạ dày là gì?

Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh giúp đẩy lùi các triệu chứng trào ngược dạ dày

Chế độ sinh hoạt hợp lý

– Ngay sau khi ăn, người bệnh không nên nằm hoặc vận động mạnh. Thay vào đó, nên ngồi nghỉ ngơi, đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng.

– Tránh xa các chất kích thích, không hút thuốc lá – đây là việc cần làm để đẩy lùi triệu chứng trào ngược.

– Chú ý thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc dân gian với tía tô, nghệ tươi, lá mơ lông, cây lô hội để điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày.

3.2. Phương pháp nội khoa

Việc dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa. Một số loại thuốc thường được ứng dụng trong điều trị trào ngược có thể kể đến như Omeprazol, Acid alginic, Domperidon,… Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người  bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc.

3.3. Phương pháp phẫu thuật

Với những trường hợp trào ngược dạ dày nặng, không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa, người bệnh có thể được xem xét tiến hành phẫu thuật. Người bệnh có thể được xem xét phẫu thuật mở hoặc qua soi ổ bụng để tạo van chống trào ngược dạ dày quanh phần thực quản thấp.

Trên đây là các dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả. Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital