Xoang bướm là một phần của hệ thống xoang, cùng với các phần xoang khác giúp lưu thông không khí cũng như dẫn lưu dịch qua lỗ thông. Vậy xoang bướm đổ vào đâu? Những bệnh lý xoang bướm thường gặp là gì?
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về xoang bướm
1.1 Xoang bướm là ở đâu?
Xương bướm là một trong những phần của xương sọ, có vị trí nằm giữa nền sọ. Xương bướm tiếp xúc với xương trán, xương sàng ở đằng trước, tiếp xúc với xương chẩm ở đằng sau và tiếp xúc với xương thái dương ở hai bên.
Cấu tạo của xương bướm gồm có 4 phần: thân bướm, hai cánh lớn, hai cánh nhỏ và phần mỏm chân bướm. Thân bướm gồm có 2 hốc rỗng được ngăn cách với nhau bởi 1 vách nhỏ. Đó chính là xoang bướm. Xoang bướm là phần sâu nhất trong khoang mũi, nằm ở vị trí gắn liền với phần xoang tĩnh mạch hàng và tuyến yên, gắn với ổ mắt và dây thần kinh thị giác.
1.2 Chức năng của xoang bướm
Xoang bướm có 2 chức năng sinh lý chính là giúp lưu thông không khí và dẫn lưu dịch. Các xoang đều được lót bởi lớp niêm mạc hô hấp. Lông chuyển niêm mạc xoang và các lỗ thông tự nhiên của xoang đổ vào ngách mũi giữa và ngách mũi trên làm nhiệm vụ đảm bảo hoạt động bình thường cho 2 chức năng của xoang. Nếu phần lông chuyển bị huỷ hoặc lỗ thông bít tắt thì các bệnh lý xoang sẽ xuất hiện.
2. Xoang bướm đổ vào đâu?
Mỗi loại xoang sẽ đổ dịch tiết ra các vùng khác nhau. Trong khi nhóm xoang trước (xoang hàm, xoang sàng trước) đổ ra ngách mũi giữa, sau đó dịch tiết được đổ vào vùng họng mũi, xoang sàng sau đổ ra ngách mũi trên thì xoang bướm đổ ra vùng khứu giác của hốc mũi. Nhóm xoang sau (xoang sàng sau, xoang bướm) có lỗ thông với phía sau của phần ngách mũi do đó dịch tiết thường chảy xuống vùng họng và ít bị xâm nhập bởi những nguyên nhân gây bệnh bên ngoài vì nằm sâu bên trong.
3. Các bệnh lý xoang bướm hình thành do đâu?
Một số yếu tố gây nên viêm xoang bướm phải kể đến như:
– Nhiễm vi khuẩn và nấm cho tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
– Bị bệnh lý vẹo vách ngăn mũi (do bẩm sinh, phẫu thuật).
– Cấu trúc của mũi bất thường (do vậy không bảo vệ được khoang mũi trước sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài).
– Biến chứng từ các bệnh lý tai mũi họng khác (viêm mũi dị ứng, viêm Amidan, polyp mũi…)
– Người bệnh có khối u ở vòm họng và sàn sọ.
– Bị một số bệnh lý rối loạn miễn dịch thông thường, AIDS, trào ngược dạ dày thực quản…
4. Biểu hiện của viêm xoang bướm
Viêm xoang bướm được chia thành 2 cấp độ: Viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Mỗi mức độ viêm xoang lại có những triệu chứng điển hình khác nhau.
4.1 Viêm xoang bướm cấp tính
Ở giai đoạn bệnh cấp tính, bệnh nhân thường có biểu hiện
– Sốt, cảm cúm, ngạt mũi, sốt và sổ mũi khoảng 5 – 6 ngày.
– Dịch mũi ban đầu có màu trong suốt, sau đó chuyển dần sang vàng xanh hoặc trắng đục.
– Viêm nhiễm trong hốc xoang, sau đó hình thành nước mủ trôi theo dịch mũi ra ngoài.
– Nhức đầu, có cảm giác đau ở vùng đỉnh đầu và sâu trong vùng ổ mắt. Cơn đau sẽ lan ra vùng chẩm, nhức một bên trán lan sang thái dương rồi xuống phần gáy. Những cơn đau này sẽ tăng lên khi người bệnh di chuyển và khi nghỉ ngơi sẽ giảm dần.
4.2 Viêm xoang bướm mạn tính
Nếu viêm xoang bướm cấp tính trở nặng thì sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính và có những biến chứng nghiêm trọng. Một số biểu hiện của viêm xoang mạn tính có thể kể đến như:
– Sốt cao liên tục.
– Đầu đau âm ỉ hoặc đau từng cơn ở đỉnh đầu, chẩm hoặc thái dương.
– Hơi thở có mùi khó chịu.
– Khả năng nhìn và khả năng nghe bị ảnh hưởng.
– Có cảm giác vướng đờm ở cửa mũi sau, đờm ra nhiều nhất vào khoảng 3 – 4 giờ sáng.
Ngoài ra, viêm xoang bướm còn có một số dấu hiệu nhận biết khác như:
– Chán ăn.
– Răng hàm trên bị đau.
– Cảm giác ngại suy nghĩ, không muốn vận động.
– Mất ngủ, thần kinh suy nhược.
– Mất tiếng, khàn tiếng.
Mong rằng, bài viết của chúng tôi đã cung cấp những thông tin hữu ích để trả lời câu hỏi “xoang bướm đổ vào đâu“. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về xoang bướm, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn ở các bệnh viện lớn uy tín trên khắp cả nước.