Buồng trứng là một bộ phận quan trọng của cơ quan sinh sản nữ giới. Buồng trứng nằm trong ổ bụng, có hai buồng trứng, một bên phải và một bên trái nằm áp vào thành bên của chậu hông. Buồng trứng có hình hạt đậu dẹt, nặng từ 4-8 gram, kích thước khoảng 2cm x 3cm x 3cm. Thông thường mỗi tháng, 1 trong 2 buồng trứng sẽ có một nang trứng phát triển vượt trội hơn các nang khác và được phóng thích ra khỏi buồng trứng, để đi vào ống dẫn trứng. Nếu trứng gặp tinh trùng quá trình thụ tinh sẽ diễn ra và hình thành phôi thai.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng là khi buồng trứng bị xoắn lại, kéo theo động mạch cấp máu cho buồng trứng cũng bị xoắn làm giảm hoặc chặn dòng máu đến buồng trứng và dẫn tới hoại tử buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một bệnh cảnh cấp cứu trong sản phụ khoa, cần được chẩn đoán và xử trí kip thời khi động mạch cấp máu cho buồng trứng chưa bị tắc nghẽn để tránh những tổn thương không phục hồi cho buồng trứng đặc biệt là những bệnh nhân trẻ cần bảo tồn chức năng sinh sản.
1.1. Nguyên nhân gây xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân gây xoắn chính:
– Thai kỳ: Trong thai kỳ, buồng trứng thường tăng kích thước do sự phát triển của thai nhi. Sự lớn lên của buồng trứng và sự lỏng lẻo của các mô nâng đỡ trong thời điểm này có thể tăng nguy cơ xoắn.
– Dị tật ống dẫn trứng: Các dị tật bẩm sinh của ống dẫn trứng có thể làm tăng nguy cơ bị xoắn, đặc biệt là ở nhóm người bệnh trẻ hoặc tiền dậy thì.
– U buồng trứng: Bao gồm cả u nang buồng trứng lành tính và u nang buồng trứng ác tính, đều có thể gây ra tình trạng xoắn, đặc biệt là các u có kích thước từ 4-6 cm. Những u có kích thước nhỏ hơn cũng vẫn có thể gây xoắn. Các khối u ác tính ít có khả năng gây xoắn hơn u lành tính vì sự xâm lấn ra các mô xung quanh của tế bào ác tính giúp cố định buồng trứng.
– Người bệnh có tiền sử phẫu thuật vùng chậu: Phẫu thuật có thể khiến các dây chằng dính lại, gây nguy cơ buồng trứng xoắn vào đó cao.
– Sự chuyển động đột ngột của buồng trứng: Sự chuyển động bất ngờ và mạnh mẽ của buồng trứng, có thể do một cơn co bóp cơ hay vụ va chạm mạnh ở vùng bụng dưới có thể làm buồng trứng bị xoắn.
Để xác định chính xác nguyên nhân gây xoắn, người bệnh cần được hỗ trợ y tế bởi các bác sĩ và trang thiết bị thăm khám hiện đại.
1.2. Triệu chứng giúp phát hiện xoắn buồng trứng
Triệu chứng của buồng trứng bị xoắn thường bắt đầu với đau đột ngột và nặng ở một bên của bụng dưới.
Buồn nôn và nôn gặp trong 70% trường hợp, có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa.
Sốt nhẹ: Người bệnh có thể cảm thấy sốt nhẹ nguyên nhân là do vùng bị xoắn bị hoại tử
Triệu chứng do chèn ép các tạng xung quanh: rối loạn tiểu tiện: tiểu dắt, tiểu khó, táo bón, phù chân
Những dấu hiệu này đều xuất hiện nhanh chóng, đột ngột và thường không giảm đi sau khi sử dụng thuốc giảm đau thông thường, có thể diễn tiến nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vài giờ. Trường hợp bán xoắn, bệnh nhân có thể thấy đau theo cơn. Nếu xoắn buồng trứng diễn ra chậm hoặc các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.
Xoắn buồng trứng là một tình trạng cấp cứu sản – phụ khoa cần được phát hiện và điều trị kịp thời, việc nhận biết triệu chứng sớm có thể giúp cải thiện kết quả điều trị và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế từ bác sĩ ngay lập tức để được đánh giá và điều trị.
2. Mức độ nguy hiểm của buồng trứng xoắn
Đây là một tình trạng y tế nghiêm trọng, nó không chỉ gây ra sự đau đớn đáng kể mà còn tiềm ẩn những hậu quả đáng lo ngại.
– Khi buồng trứng bị xoắn, khả năng khôi phục về trạng thái bình thường trở nên khó khăn, thậm chí là không thể. Tình trạng xoắn kéo dài có thể dẫn đến hoại tử. Lúc này nguy cơ nhiễm trùng trong vùng bụng là rất cao, nhiễm trùng này có thể lan rộng và gây tổn thương cho các cơ quan xung quanh.
– Đối với những trường hợp buồng trứng bị xoắn nặng một hoặc cả hai bên, có thể dẫn đến tổn thương không hồi phục, để điều trị có thể sẽ phải cắt một hoặc cả hai bên buồng trứng, làm giảm khả năng sinh sản.
– Việc phẫu thuật buồng trứng cũng không phải là vần đề đơn giản, người bệnh có nguy cơ dính ruột, nhiễm khuẩn, tắc ruột, viêm màng bụng, mất máu, ….
– Sau phẫu thuật hoặc điều trị, xoắn vẫn có nguy cơ bị tái lại, đặc biệt là khi bạn không tuân thủ các lưu ý được hướng dẫn bởi bác sĩ.
Để giảm nguy cơ và hậu quả của buồng trứng xoắn, việc nhận biết triệu chứng sớm và thăm khám kịp thời đóng vai trò quan trọng.
3. Các biện pháp chẩn đoán bệnh xoắn buồng trứng
Buồng trứng bị xoắn là một tình trạng nghiêm trọng và đòi hỏi cần được phát hiện và xử trí kịp thời. Vì thế ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để đánh giá và điều trị.
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ MRI để đánh giá tình trạng, xác định nguyên nhân mức độ xoắn và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.
Cận lâm sàng
Siêu âm: Là kĩ thuật thăm dò được sử dụng rộng rãi do thực hiện nhanh, chi phí thấp . Có thể lựa chọn siêu âm đầu dò âm đạo hoặc siêu âm qua ổ bụng. tuy nhiên siêu âm ngả âm đạo có giá trị tiên đoán dương sao hơn so với siêu âm ngả bụng.
Siêu âm Doppler: Khảo sát dòng mạch, các mạch máu, vòng mạch xung quanh buồng trứng có tăng sinh mạch.
Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ MRI là những kĩ thuật chẩn đoán cho hình ảnh có độ phân giải cao, khảo sát được đầy đủ chính xác hơn so với siêu âm. Ngoài ra hai kĩ thuật này giúp chẩn đoán phân biệt trong những trường hợp bệnh nhân đau không rõ nguyên nhân, triệu chứng chưa rầm rộ.
Một số các xét nghiệm giúp chẩn đoán phân biệt như xét nghiệm beta hCG chẩn đoán phân biệt với thai ngoài tử cung, xét nghiệm tổng phân tích máu, CRP đánh giá nguy cơ nhiễm trùng, các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán bệnh như sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu.
4. Điều trị xoắn buồng trứng
Tùy thuộc vào mức độ, nguyên nhân và tổn thương của buồng trứng, chỉ định về phẫu thuật và các biện pháp điều trị cụ thể sẽ được đội ngũ bác sĩ đưa ra sau khi thăm khám bệnh nhân. Đối với những phụ nữ mang thai, chỉ định sẽ phải cân nhắc đến tình trạng thai nhi và sự an toàn của mẹ.
Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị xoắn buồng trứng. Việc phẫu thuật được khuyến cáo thực hiện càng sớm càng tốt. Phương pháp thường được chỉ định là phẫu thuật nội soi để xác định vị trí, tháo xoắn và cố định buồng trứng giảm nguy cơ tái phát. Đôi khi sẽ cần phẫu thuật mở bụng để chẩn đoán và diều trị. Buồng trứng nếu bị hoại tử sẽ được phẫu thuật cắt bỏ. Nếu có nang buồng trứng hoặc khối u, có thể phẫu thuật bóc u, cắt u.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ điều trị và được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo buồng trứng được chữa lành và phục hồi tốt, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Khuyến nghị chăm sóc theo dõi: tránh nâng vật nặng hoặc hoạt động thể chất cường độ cao trong một vài tuần.
Trên đây là những thông tin quan trọng mà bạn cần biết về xoắn buồng trứng. Có thể thấy, đây là tình trạng khẩn cấp và cần được cấp cứu ngay để tránh những biến chứng nặng liên quan đến sinh sản và sức khỏe tổng quan. Nếu bạn hay người thân đang gặp phải tình trạng kể trên, vui lòng liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.