Xơ gan có mấy giai đoạn? Dấu hiệu từng giai đoạn như thế nào? 

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Xơ gan có thể gây nên tình trạng ung thư gan, tụ dịch màng bụng, hôn mê gan, bệnh não gan… Xơ gan có mấy giai đoạn? Dấu hiệu từng giai đoạn như thế nào? Thu Cúc TCI sẽ giải thích rõ ở bài viết dưới đây.

1. Xơ gan

Tế bào gan khi bị tấn công bởi virus viêm gan B, C, viêm gan nhiễm mỡ, chất độc do uống rượu bia thải ra… gây tổn thương lâu dài. Các tổn thương này sau một thời gian hình thành các nốt xơ hóa. Để hồi phục tổn thương, gan tiết ra các chất điều chỉnh tăng trưởng gây tăng sản tế bào gan, tân tạo mạch máu mới. Tuy nhiên, nếu người bệnh không hạn chế những nguy cơ tác động có hại đến gan, khiến gan chưa kịp phục hồi đã tiếp tục bị tổn thương thì tình trạng xơ hóa diễn ra ngày càng nặng. Giai đoạn đầu thì tình trạng xơ gan có rất ít dấu hiệu nhận biết, khi có những triệu chứng rõ ràng thì lúc này mọi thứ đã ở giai đoạn muộn.

Xơ gan có mấy giai đoạn hình thành và phát triển

Xơ gan chuyển sang giai đoạn cổ trướng, tiên lượng bệnh nhân khá nặng

2. Triệu chứng cảnh báo tình trạng xơ gan 

Triệu chứng xơ gan giai đoạn đầu hết sức mờ nhạt. Người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, chán ăn, ăn không ngon, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, giảm cân. Giai đoạn nặng hơn của bệnh, bệnh nhân có thể có các triệu chứng điển hình như:

– Vàng da, củng mạc mắt vàng, nước tiểu vàng đậm, phân trắng nhạt màu

– Bệnh nhân thấy ngứa ran trên da, sạm da

– Cơ thể dễ bầm tím và chảy máu, khó cầm

– Lòng bàn tay đỏ

– Xuất hiện nhiều nốt giãn mạch hình sao, xuất hiện ở da vùng ngực, bụng, da mặt

– Phù chân: bàn chân, cẳng chân có hiện tượng ấn lõm, phù, dịch thoát ra khỏi lòng mạch.

– Tụ dịch ổ bụng gây nên hiện tượng cổ trướng

– Trí nhớ suy giảm, hay quên, lú lẫn, hay cáu gắt, mệt mỏi

– Buồn nôn, nôn, đi ngoài phân đen, có thể nôn ra máu do giãn tĩnh mạch thực quản

– Giảm ham muốn, mãn kinh sớm ở phụ nữ, tuyến vú phát triển ở nam giới, teo tinh hoàn.

Xơ gan có mấy giai đoạn, phòng tránh như thế nào?

Xơ gan có thể phòng tránh bằng cách hạn chế uống rượu bia, đồ ăn nhiều đạm

3. Bệnh lý xơ gan có mấy giai đoạn

Theo mức độ tiến triển của bệnh, xơ gan được chia ra làm 4 giai đoạn theo mức độ tiến triển của bệnh.

3.1 Giai đoạn 1

Tế bào gan bị tổn thương, hình thành những điểm xơ hóa. Giai đoạn này, số lượng tế bào tổn thương đang ít, nên chưa gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan và các cơ quan lân cận. Bệnh nhân có một số triệu chứng như: chán ăn, buồn nôn, đau bụng, sốt nhẹ, sụt cân… rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác.

3.2 Giai đoạn 2

Giai đoạn này, tế bào gan bị tổn thương nhiều hơn, tạo thành mô liên kết dư thừa, lây lan sang các khu vực khác của gan, làm rối loạn chuyển hóa bilirubin trong cơ thể. Bệnh nhân có một số triệu chứng giống giai đoạn 1, kèm theo một số triệu chứng khác như: vàng mắt, vàng da (vàng nhạt), nước tiểu sẫm màu.

3.3 Giai đoạn 3

Ở giai đoạn này, tình trạng tổn thương ở gan nặng hơn, nhiều ổn xơ hóa hơn. Tổn thương làm suy giảm chức năng gan, rối loạn chuyển hóa, khả năng lọc chất độc của gan suy giảm. Tình trạng này làm độc tố tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều. Bệnh nhân cảm thấy đau tức vùng gan, cơ thể suy nhược, chán ăn, khó tiêu, sụt cân. vàng da, vàng mắt, mỏi mệt nhiều.

3.4 Giai đoạn 4

Giai đoạn này, chức năng gan suy yếu nhiều, ảnh hưởng đến các thận, tụy, não… Cơ thể bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, gan xơ hóa hoàn toàn. Xơ hóa gan làm giãn tĩnh mạch gan, từ đó làm tăng áp lực lên tĩnh mạch cửa. Điều này làm dịch thoát ra khỏi lòng mạch, gây nên hiện tượng tụ dịch ổ bụng (hiện tượng xơ gan cổ trướng). Chất độc không lọc hết, tích tụ ở gan, theo đường máu di chuyển lên não, gây nên hội chứng não gan, gây nên hiện tượng trí nhớ suy giảm, tính cách thay đổi, đau đầu… Chức năng gan suy yếu làm ảnh hưởng đến thận gây suy giảm chức năng thận (hội chứng gan thận), tăng nguy cơ tử vong. Xơ gan giai đoạn cuối làm giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày, gây nên hiện tượng nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mất máu nhiều không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do thiếu máu.

4. Trên lâm sàng chia thành mấy loại xơ gan? 

Xơ gan chia làm 2 loại chính là: Xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Ở giai đoạn xơ gan mất bù, tiên lượng bệnh nhân khá nặng.

4.1 xơ gan có mấy giai đoạn: Còn bù

Xơ gan còn bù là giai đoạn gan tổn thương, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của gan. Gan vẫn hoạt động được nhiều chức năng quan trọng cơ bản. Đây là giai đoạn đầu của xơ gan, người bệnh chỉ mới có những triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, giảm cân, đau hạ sườn phải…

4.2 Xơ gan có mấy giai đoạn: mất bù

Giai đoạn này, người bệnh có tổn thương lan tỏa, có nhiều ổ xơ gan, làm ảnh hưởng đến chức năng gan và các cơ quan khác. Giai đoạn này, chức năng gan suy yếu, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch thực quản, gây nên hiện tượng nôn ra máu, đi ngoài phân đen, hội chứng suy gan, hội chứng gan – thận, tụ dịch ổ bụng, trĩ…

Xơ gan có mấy giai đoạn, kiểm tra như thế nào?

Xơ gan ở giai đoạn đầu ít triệu chứng, thường phát hiện được qua thăm khám và các chẩn đoán cận lâm sàng.

5. Phòng bệnh xơ gan như thế nào?

Bệnh lý xơ gan gây ra nhiều biến chứng nặng nề với cơ thể. Tuy nhiên không có nghĩa là không chủ động phòng tránh được. Để hạn chế xơ gan, hãy áp dụng một số biện pháp dưới đây:

5.1 Từ bỏ rượu bia, thuốc lá

Rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích là một trong những thứ khiến gây tổn thương tế bào gan nhanh chóng. Vì thế, hạn chế sử dụng sẽ giúp bạn tránh xa xơ gan. Một người có suy nghĩ lâu ngày mới uống một bữa, uống nhiều chút không sao. Tuy nhiên, hằng ngày không uống nhưng lại uống chủ động rất nhiều trong một lần là tác nhân gây kích hoạt viêm gan, tăng nguy cơ xơ gan. Những người đang bị bệnh lý về gan, mật, tụy cũng không nên uống rượu bia: gan nhiễm mỡ, viêm tụy cấp

5.2 Cân bằng dinh dưỡng

Bổ sung dinh dưỡng cân bằng, rau củ, tinh bột, đạm, vitamin hằng ngày. Hạn chế ăn quá nhiều đạm vào buổi tối hoặc đột ngột ăn quá nhiều vào một ngày. Ăn uống tăng thất thường có thể làm quá tải chức năng gan, tăng nguy cơ viêm, xơ gan. Hạn chế ăn quá nhiều muối, chất béo no trong khẩu phần ăn. Hạn chế ăn đồ sống tối đa, vi sinh vật, sán trong đồ sống làm tổn hại tế bào gan.

5.3 Duy trì cân nặng

Giữ BMI trong ngưỡng 18,5 – 23 để đảm bảo an toàn. Khi lượng mỡ trong máu tăng cao, dễ gây gan nhiễm mỡ, tăng nguy cơ hình thành xơ gan.

5.4 Tập luyện thể dục hằng ngày

Tập luyện, vận động hằng ngày giúp đốt cháy lượng mỡ dư thừa trong lòng mạch, thúc đẩy chuyển hóa. Đồng thời, đào thải độc tố trong cơ thể qua tuyến mồ hôi. Đặc biệt, giúp tăng đàn hồi mạch máu, giúp giảm xơ vữa, giãn tĩnh mạch.

5.5 Khám định kỳ

Mặc dù nhiều người không uống rượu, nhưng vẫn bị xơ hóa gan nguyên nhân không do rượu. Vì thế, ít ai biết được xơ gan ở giai đoạn đầu. Hãy bảo vệ sức khỏe của bản thân một cách chủ động bằng cách thăm khám sớm.

5.6 Tiêm phòng chủ động

Kiểm tra định lượng kháng thể virus định kỳ giúp xác định được tác dụng bảo vệ của vaccine. Tiêm phòng khi lượng kháng thể xuống thấp để đảm bảo an toàn. Đặc biệt là những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với máu dịch, chất lây nhiễm.

5.7 Quan hệ an toàn

Quan hệ tình dục an toàn, tránh quan hệ nhiều bạn tình. Bạn nên sử dụng bao cao su để hạn chế lây nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.

5.8 Không dùng chung đồ cá nhân

Một số đồ cá nhân như: Dao cạo râu, chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng… Đây là những dụng cụ rất dễ lây nhiễm viêm gan B.

Xơ gan giai đoạn đầu dấu hiệu mờ nhạt, rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường. Khi có triệu chứng điển hình, tình trạng bệnh đã nặng hơn rất nhiều. Hãy chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital