(Theo vnexpress.net) Bộ Y tế khuyến cáo mẹ trên 35 và bố ngoài 45 tuổi có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.
Menu xem nhanh:
1. Bộ Y tế công bố các nguyên nhân có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ
Thông tin được nêu trong Hướng dẫn Phát hiện sớm – Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em, được Bộ Y tế công bố hôm 31/1.
Hiện Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-17, tỷ lệ 3,1%. Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ. Trong đó, nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ là khuyết tật bẩm sinh (chiếm khoảng 55-65%), còn lại là bệnh tật.
Về nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ, Bộ Y tế chia thành ba nhóm, gồm trước, trong và sau sinh.
Trong đó, nhóm nguyên nhân trước sinh gồm tuổi của mẹ trên 35 và bố trên 45. Các chuyên gia nhận định mang thai sau 35 tuổi có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ, tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật, chuyển dạ và sinh non. Đặc biệt, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Lý do mẹ càng lớn tuổi, khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến những bệnh liên quan rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards… Nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45.
Ngoài ra, trẻ bị khuyết tật có thể còn từ người mẹ mang thai mắc các bệnh như virus, bệnh giáp trạng, ngộ độc thai, tiểu đường, chấn thương; mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại khi mang thai như các kim loại nặng, chất độc dùng trong nông nghiệp, thực phẩm; các loại thuốc, các chất khích thích như rượu, ma túy… hay bất thường nhiễm sắc thể, gene, chất liệu di truyền thai nhi.
Với nhóm trong sinh, một số nguyên nhân gồm can thiệp sản khoa (dùng kẹp hút lấy thai, mổ, kích thích đẻ…); trẻ đẻ non dưới 37 tuần, thiếu oxy não (ngạt); cân nặng khi sinh thấp dưới 2,5 kg; trẻ bị vàng da nhân não do bất đồng nhóm máu.
Còn sau sinh, trẻ bị chấn thương sọ não, chảy máu não, nhiễm trùng thần kinh, suy hô hấp, sốt cao co giật, phơi nhiễm các yếu tố môi trường độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng.
Theo Bộ Y tế, trẻ khuyết tật thường tự ti về tình trạng của mình, cũng như việc không được đối xử bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Do đó, phát hiện và can thiệp sớm có tác động tích cực tới trẻ và gia đình, tạo cơ hội cho các em hội nhập xã hội, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong thực tế, khi được phát hiện và can thiệp sớm, nhiều trẻ đã phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường, ví dụ trẻ bị bàn chân khoèo hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường. Một số trẻ khuyết tật khác cũng có thể phát triển các kỹ năng gần như trẻ bình thường, như trẻ chậm phát triển vận động, ngôn ngữ so với tuổi; bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ.
Trước đó, chương trình điều chỉnh mức sinh được Thủ tướng phê duyệt khuyến khích nam và nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con; phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Đây là lứa tuổi phù hợp để thực hiện việc sinh nở và nuôi dưỡng con cái thành công.
2. Chia sẻ của bác sĩ Thu Cúc TCI về vấn đề dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Theo ý kiến của các bác sĩ sản khoa tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, thai nhi bị dị tật bẩm sinh có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Do đó, các bố mẹ cần lưu ý tới một số điều sau.
2.1. Bố mẹ nên chủ động đi thăm khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
Theo đó, tiền hôn nhân là giai đoạn trước khi nam giới và nữ giới quyết định kết hôn và sinh nở. Nam giới và nữ giới lúc này là những đối tượng cần chủ động chăm sóc sức khỏe cũng như chủ động đi thăm khám để điều trị những bệnh tật có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Khi được thăm khám và phát hiện sớm bệnh tật trước khi kết hôn, tỉ lệ dị tật thai nhi trong quá trình mẹ mang thai cũng sẽ giảm đi.
Một số bước khám sức khỏe sinh sản trước hôn nhân đối với nữ giới đó là:
– Kiểm tra tử cung, vòi trứng,…
– Kiểm tra tuyến vú.
– Làm soi tươi phần dịch âm đạo.
– Kiểm tra chức năng các hormone sinh dục cũng như nội tiết tố phụ nữ.
Các bước khám sức khỏe sinh sản trước hôn nhân cho nam giới đó là:
– Kiểm tra, xét nghiệm tinh dịch.
– Xét nghiệm phần dịch niệu đạo nam giới.
– Kiểm tra chức năng nội tiết tố sinh dục.
Ngoài ra, cả nam giới và nữ giới đều cần làm những xét nghiệm sàng lọc gen di truyền, kiểm tra bệnh tan máu bầm bẩm sinh cũng như phát hiện các loại bệnh di truyền.
2.2. Chủ động thực hiện các sàng lọc dị tật bẩm sinh trong khi mang thai
Để tầm soát các dị tật thai nhi có thể xảy ra trong khi mang thai, các bác sĩ sản khoa tại Thu Cúc TCI khuyên các mẹ nên thực hiện những xét nghiệm sàng lọc dị tật từ những tuần thai sớm. Một số xét nghiệm phổ biến hiện nay đó là:
– Xét nghiệm Double Test: sẽ phát hiện ra các dị tật bẩm sinh liên quan đến nhiễm sắc thể như: Down, Edwards, Patau. Có thể thực hiện vào tuần thai thứ 12 – 13.
– Xét nghiệm Triple Test: tương tự như Double Test nhưng có thêm kết quả cho các chỉ số: hCG, AFP và estriol. Thực hiện vào tuần thai thứ 16 – 18.
– Xét nghiệm NIPT: sàng lọc dị tật cho thai nhi bằng cách phân tích DNA tự do trong máu mẹ. Mẹ có thể thực hiện từ tuần thai thứ 9.
2.3. Thăm khám, siêu âm thai đều đặn
Bên cạnh việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật, trong quá trình mang thai mẹ cũng nên chú ý thường xuyên đi thăm khám, siêu âm thai theo lịch hoặc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp mẹ theo dõi được sự phát triển của thai nhi, cũng như tầm soát được các dị tật, bệnh lý nếu có, từ đó sớm có phương án điều trị phù hợp.