Viêm tụy cấp là tiến trình tự hủy mô tụy do chính men tụy gây ra, dẫn đến biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân. Mức độ nặng cũng như diễn biến bệnh khá phức tạp, tỷ lệ tử vong giao động 20 – 50% ở bệnh nhân suy đa tạng, nhiễm trùng. Nguyên nhân suy đa tạng có thể do nồng độ các cytokine trong máu IL6, IL8, TNFα… tăng cao, làm tăng nguy cơ phản ứng viêm.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nào dẫn tới viêm tụy cấp?
Viêm tụy dạng cấp tính là tình trạng viêm, phù nề, hoại tử tế bào tuyến tụy do men tụy gây ra. Bình thường tuyến tụy tiết ra men tụy amylase, trypsin, lipase… để tiêu hóa thức ăn. Những men này được bất hoạt, sau đó vận chuyển ra tá tràng để hoạt động. Các chất tiền men này là trypsinogen, kallikreinogen, chymotrypsinogen, prophospholipase, procarboxypeptidase, proelastase, prolipase… Trong đó tiền men Trypsinogen được hoạt hoá ở tá tràng dưới tác dụng của men enterokinase, còn các men còn lại sẽ được hoạt hoá bởi trypsin. Tuy nhiên, một nguyên nhân nào đó làm tăng nhạy cảm đáp ứng của tế bào nang tụy với: acid, acetylcholine, cholecystokinin. Điều này làm các men tụy hoạt hóa ngay trong ống tụy, chuyển thành dạng hoạt động, phá hủy tế bào mô tụy, dẫn tới tình trạng viêm tụy. Nguyên nhân dẫn tới viêm tụy dạng cấp tính có thể kể đến:
1.1 Rượu bia
Sử dụng rượu bia, chất kích thích là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới viêm tụy dạng cấp tính. Những người sử dụng rượu bia thường xuyên liên tục có nguy cơ viêm tụy dạng cấp tính tái phát nhiều đợt. Những người không uống rượu hằng ngày, chỉ uống vào vài dịp trong tháng quá nhiều, là điều kiện thuận lợi làm kích hoạt viêm tụy dạng cấp tính.
1.2 Sỏi
Sỏi gây nên viêm tụy có thể là sỏi tụy hoặc sỏi mật. Giun chui ống mật cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm tụy. Sỏi làm cản trở đường đi của ống tụy, dẫn đến sưng viêm. Nguyên nhân này và lạm dụng rượu bia, chiếm tới 70 – 80% nguyên nhân dẫn đến viêm tụy dạng cấp tính. Sỏi mật làm tắc nghẽn đường dẫn mật, làm ngưng dòng chảy của ống tụy, khiến các men tụy bị giữ lại, gây phá hủy cấu trúc tụy.
1.3 Rối loạn chuyển hóa
Một số người bị rối loạn chuyển hóa, tăng triglyceride, mỡ máu, tăng canxi máu trong bệnh: u tuyến giáp, cường cận giáp…
1.4 Chấn thương
Người bệnh bị chấn thương vào vùng bụng, gây dập rách nội tạng cũng có thể gây viêm tụy dạng cấp tính.
1.5 Sau phẫu thuật
Bệnh nhân có thể bị viêm tụy sau phẫu thuật, có thể do biến chứng sau ghép gan, thận hoặc do tổn thương trong quá trình phẫu thuật các cơ quan gần tụy.
1.6 Nhiễm trùng
Người bệnh bị nhiễm trùng do virus, vi khuẩn: quai bị, viêm gan virus, giun đũa…
1.7 Thuốc
Một số loại thuốc như: sulfonamide, furosemide, ethanol, 6MP, oestrogen… có thể gây tăng sinh viêm khi sử dụng.
1.8 Bệnh hệ thống
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm mao mạch hoại tử, Schonlein Henock…Những bệnh lý này gây suy giảm miễn dịch hệ thống, rối loạn hoạt động chuyển hóa trong cơ thể, có thể gây viêm tụy.
Ngoài ra, còn có khoảng 10 – 15% bệnh nhân bị viêm tụy không tìm thấy nguyên nhân.
2. Viêm tụy cấp có mấy thể bệnh?
Trên thực tế, viêm tụy dạng cấp tính có 3 thể bệnh chính, đó là:
– Thể phù nề
– Thể xuất huyết
– Thể xuất huyết hoại tử
Bệnh nhân rơi vào thể xuất huyết hoại tử, tiên lượng tử vong tới 80 – 90%.
3. Triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh
– Đau bụng, các cơn đau xuất hiện đột ngột, đặc biệt là sau bữa ăn no, nhiều dầu mỡ. Tính chất cơn đau dữ dội, đau trên rốn, lan ra sau lưng.
– Buồn nôn, nôn nhiều, liên tục
– Sốt, vàng da
– Rối loạn nhu động ruột, liệt ruột, chướng hơi
– Ấn bụng có phản ứng thành bụng, cảnh báo nguy cơ tràn dịch ổ bụng
– Xuất hiện vết bầm tím dưới da, quanh rốn, vùng sườn lưng trái, hông trái trong trường hợp xuất huyết
4. Biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm tụy cấp
Biến chứng có thể gặp khi bị bệnh này:
4.1 Sốc ở bệnh nhân viêm tụy cấp
Bệnh nhân có thể sốc trong những ngày đầu do bị sốc do mất máu, nhiễm độc kinin. Trường hợp sốc do nhiễm trùng thường xảy ra muộn hơn, ở tuần thứ 2 của bệnh.
4.2 Mất máu
Bệnh nhân bị xuất huyết tại tuyến tụy, trong ống tiêu hóa hoặc các cơ quan khác do men tụy tấn công, làm tổn thương mạch máu, tiên lượng khá nặng.
4.3 Nhiễm trùng
Triệu chứng nhiễm trùng thường xuất hiện khi sang tuần thứ hai, dẫn đến tình trạng áp xe tụy, hoại tử mô, tiên lượng khá nặng.
4.4 Suy hô hấp cấp ARDS
Bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, bệnh nhân khó thở, giảm oxy máu, tiên lượng nặng.
4.5 Nang giả tụy
Bệnh nhân xuất hiện nang giả tụy, thường ở tuần thứ 4 của bệnh. Nang giả tụy có thể được hấp thu và tự dẫn lưu vào tụy, tự hết trong 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, trường hợp tồn tại lâu hơn, nang giả tụy có thể bị bội nhiễm, hình thành ổ áp xe.
5. Chẩn đoán viêm tụy cấp dựa vào đâu?
Để chẩn đoán phân biệt viêm tụy cấp và những mặt bệnh khác, bác sĩ cần dựa vào thăm khám trực tiếp, tìm điểm đau khu trú, hỏi bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh để có thể kết luận bệnh và đưa ra phác đồ điều trị.
5.1 Khám lâm sàng bệnh nhân viêm tụy cấp
Bác sĩ sẽ kiểm tra điểm đau khu trú, tổn thương thực thể, những dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài. Kết hợp nghe tim, phổi và một số biện pháp thăm khám khác, nhằm xác định vùng tổn thương. Bác sĩ sẽ khai thác thêm bệnh sử, tiền sử bị bệnh của gia đình và người bệnh, đồng thời lấy chi tiết diễn biến bệnh trong lần vào viện này để thu thập thông tin.
5.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
Một số xét nghiệm được sử dụng nhằm chẩn đoán phân biệt và tìm hiểu nguyên nhân bao gồm:
– Định lượng men tuỵ: amylase máu và nước tiểu, lipase máu
– Ngoài ra
5.3 Chẩn đoán hình ảnh
Bệnh nhân được chỉ định làm X – quang, siêu âm ổ bụng để phát hiện tổn thương. Ngoài ra, hình ảnh còn giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt với bệnh lý khác. Siêu âm ổ bụng nhằm phát hiện tổn thương, kích thước cũng như tình trạng diễn biến bệnh. Bệnh nhân được chỉ định CT, MRI để phát hiện tình trạng tổn thương tốt hơn.
Đây là bệnh lý cấp tính, cần được điều trị kịp thời, nhằn hạn chế biến chứng nguy hiểm. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng việc hạn chế uống rượu bia. Đồng thời chú ý ăn thực phẩm an toàn, ít dầu mỡ. Đặc biệt cần giảm lượng đạm hoặc rượu quá nhiều trong một lần nạp vào cơ thể. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm tụy.