Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt là trẻ em, từ sơ sinh tới 3 tuổi. Viêm tai giữa trẻ sơ sinh thường đáng lưu ý bởi trẻ còn nhỏ và đôi khi dấu hiệu ở trẻ khó nhận biết hơn trẻ lớn nên nhiều phụ huynh lơ là, có thể dẫn tới nhiều biến chứng phức tạp.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm về viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi rút ở tai giữa, thường đi kèm với cảm lạnh. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em, tiến triển trong khoảng từ 2-3 tuần.Viêm tai giữa thường phát triển và khỏi tương đối nhanh, được gọi là viêm tai giữa cấp tính. Với trường hợp viêm tai giữa tái phát thường xuyên hoặc kéo dài lâu ngày mới khỏi gọi là viêm tai giữa mạn tính.
2. Nguyên nhân gây viêm tai giữa trẻ sơ sinh
Viêm tai giữa cấp tính thường do cùng một loại vi rút gây cảm lạnh thông thường gây ra . Nhiễm trùng cấp tính cũng có thể do vi khuẩn thường trú trong miệng và mũi gây ra. Vi khuẩn ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bao gồm Escherichia coli và Staphylococcus aureus. Các vi khuẩn ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em lớn hơn bao gồm Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis. Nhiễm trùng ban đầu do vi rút đôi khi dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc viêm tai giữa bởi cấu trúc tai của trẻ chưa hoàn thiện, vòi nhĩ ở trẻ thường ngắn hẹp, dễ phù nề hơn người lớn, dễ gây ra tình trạng tắc và viêm.
Bên cạnh đó, sự thay đổi của thời tiết hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.
3. Các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ em
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai giữa là đau tai và tai nghe không rõ. Nếu như trẻ lớn có thể nói cho ba mẹ biết triệu chứng mình đang gặp phải thì trẻ sơ sinh lại không thể, do vậy ba mẹ cần để ý những dấu hiệu ở trẻ cho thấy bé đang có vấn đề về tai, bao gồm:
– Trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa cấp thường bị sốt và khó ngủ.
– Trẻ khóc nhiều hoặc trở nên cáu kỉnh mà không rõ nguyên nhân
– Bé bị sổ mũi, ho, nôn mửa và tiêu chảy
– Bé bị đau tai nhưng do không thể nói được nên sẽ thể hiện bằng cách kéo tai, túm vào tai
– Thính lực của trẻ suy giảm
– Dịch lỏng màu vàng tiết ra khỏi tai
Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm tai giữa, ba mẹ nên cho con đi khám sớm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
4. Các biến chứng của viêm tai giữa ở bé sơ sinh
Nhiễm trùng tai giữa cấp tính ít khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số trường hợp, viêm tai giữa có thể khiến màng nhĩ bị vỡ, máu hoặc chất dịch chảy ra khỏi tai. Ngoài ra, các cấu trúc lân cận có thể bị nhiễm trùng, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và cần được điều trị khẩn cấp:
– Nhiễm trùng xương xung quanh tai (viêm xương chũm) gây đau.
– Nhiễm trùng tai trong gây chóng mặt và điếc.
– Nhiễm trùng các mô xung quanh não (viêm màng não) hoặc tụ mủ trong não gây ra đau đầu, lú lẫn, co giật và các vấn đề thần kinh khác.
5. Chẩn đoán viêm tai giữa ở bé sơ sinh như thế nào?
Các bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng tai giữa cấp tính bằng cách sử dụng đèn cầm tay gọi là kính soi tai để quan sát màng nhĩ liệu có bị phồng và đỏ hoặc xem phía sau màng nhĩ có chất dịch không. Bác sĩ có thể làm sạch ráy tai để quan sát rõ hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ sử dụng ống cao su gắn vào ống soi tai để ép không khí vào tai xem màng nhĩ có di chuyển không. Nếu màng nhĩ không di chuyển hoặc chỉ di chuyển nhẹ, có thể có dịch trong tai giữa, một dấu hiệu của nhiễm trùng.
6. Các phương pháp điều trị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Tùy vào tình trạng của mỗi trẻ mà các bác sĩ sẽ lên phương án điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nói chung hầu hết trẻ bị viêm tai giữa nhẹ có khả năng tự khỏi sau 4-7 ngày mà không cần điều trị.
Với những trẻ còn rất nhỏ hoặc viêm tai giữa nặng, không cải thiện sau một thời gian ngắn, hoặc có dấu hiệu bị nhiễm trùng thường xuyên, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh.
Ngoài ra các loại thuốc khác được sử dụng như thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt (trong trường hợp viêm tai giữa gây sốt trên 38,5 độ C).
Một số trẻ bị viêm tai giữa có chảy mủ, bác sĩ có thể kê thêm thuốc nhỏ tai, làm sạch tai. Sau điều trị, trẻ cần được theo dõi và tái khám sau 1-4 tuần để kiểm tra xem tình trạng nhiễm trùng và dịch trong tai đã hết hẳn hay chưa, từ đó điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
7. Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ sơ sinh như thế nào?
– Tiêm phòng đầy đủ theo lứa tuổi: Các vắc-xin liên hợp phế cầu khuẩn, vaccine Haemophilus influenzae typ b (Hib) và vaccine virus cúm (cúm) làm giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp tính.
– Nam giới không nên hút thuốc khi gia đình có trẻ nhỏ để giảm thiểu nguy cơ viêm tai giữa trẻ sơ sinh.
– Cho bé bú mẹ: Sữa mẹ giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh. Cha mẹ cần lưu ý khi cho con bú bình bởi khi dốc bình sữa, sữa có thể chạy vào ống thính giác (ống Eustachian) và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. Khi cho con bú bình, cần cho trẻ bú đúng tư thế và vỗ ợ hơi sau khi ăn.
– Đối với bé trong tuổi ăn dặm, cần cho trẻ ngồi để ăn thay vì bế hoặc nằm.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác đang mắc cảm lạnh
– Hạn chế cho con bạn tiếp xúc với những đứa trẻ mắc bệnh cảm lạnh.
Trên đây là những thông tin cơ bản về viêm tai giữa trẻ sơ sinh. Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm, và nhiều trường hợp có thể tự khỏi nhưng phụ huynh không nên chủ quan bởi vì độ tuổi của trẻ còn rất nhỏ. Tốt nhất, ba mẹ nên đưa bé đi khám khi có các dấu hiệu sốt cao, vò tai, gãi tai, có dịch mủ chảy ra từ tai… để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp.