Viêm tai giữa mạn tính có nguy hiểm cho trẻ không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là bệnh lý không hiếm gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng và lứa tuổi nhưng thường xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ tuy nhiên thường chỉ là dạng cấp tính. Khi tình trạng viêm tai giữa xảy ra dài ngày hơn (trên 12 tuần), đồng thời kém hoặc không đáp ứng với những cách điều trị thông thường thì được coi là viêm tai giữa thể mạn tính. Khi đó, bệnh sẽ phức tạp hơn gây ra khó điều trị hơn và có nhiều nguy cơ khiến trẻ thủng màng nhĩ, phù nề niêm mạc tai.

1. Vì sao trẻ bị viêm tai giữa dạng mạn tính?

Viêm tai giữa dạng mạn tính là một bệnh lý khá nguy hiểm cho trẻ em, nhất là những trẻ ở độ tuổi rất nhỏ. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể biến chứng nặng hơn khiến trẻ gặp nguy hiểm, thính lực bị giảm sút, lây lan nhiễm trùng đến não.

viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa có thể sẽ nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Những nguyên nhân thường gặp khiến cho trẻ bị viêm tai giữa dạng mạn tính đó là:

1.1. Viêm tai giữa mạn tính do vi khuẩn gây nên

Khi trẻ vệ sinh tai không tốt hoặc khi trẻ có những vết thương hở ở trong tai, các tác nhân bên ngoài như virus, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào. Từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm bên trong tai của trẻ. Trẻ em là trường hợp dễ mắc các bệnh viêm tai hơn do cấu trúc ống tai của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ dàng bị tắc và viêm nhiễm hơn.

1.2. Viêm tai giữa mạn tính do nguyên nhân viêm đường hô hấp

Viêm đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên là tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này không nguy hiểm, nếu được điều trị đúng cách có thể không dẫn đến biến chứng nào.

Tuy nhiên, việc đáp ứng điều trị nhanh và điều trị đúng cách không phải luôn hiệu quả trong mọi trường hợp. Khi trẻ bị viêm đường hô hấp kéo dài, dẫn đến sự lây lan của các loại virus, vi khuẩn trong đường tai mũi họng, gây ra bệnh viêm tai giữa. Tình trạng này xảy ra với mật độ dày, thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến mạn tính.

1.3. Viêm tai do trẻ bị áp lực, chấn thương

Đây không phải là nguyên nhân phổ biến của viêm tai giữa. Trẻ bị viêm tai do bị chấn thương bởi những đồ vật nhọn hoặc bị côn trùng tấn công vào tai sau khi đã xâm nhập. Áp lực tại quá lớn cũng có thể làm ảnh hưởng xấu đến tai của trẻ.

1.4. Yếu tố khác

Viêm tai giữa dạng mạn tính có thể thường xảy ra hơn ở những đối tượng như:

– Trẻ bị suy nhược cơ thể, sức khỏe kém

– Sức đề kháng giảm

Trẻ suy dinh dưỡng

– Cấu trúc tai giữa hẹp

– v…v…

viêm tai giữa mạn tính

Đưa trẻ đi bác sĩ để được kiểm tra nguyên nhân chính xác gây viêm tai giữa

Cần đưa trẻ đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác trẻ bị viêm tai giữa, ngăn không cho bệnh kéo dài và tái đi tái lại sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hại cho trẻ.

2. Viêm tai giữa ở trẻ dạng mạn tính có thể có những biến chứng gì và biểu hiện bệnh?

Mỗi dạng viêm tai giữa sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Cụ thể là:

– Viêm tai giữa dạng nhầy: Khi bị viêm, trẻ sẽ bị chảy mủ từng đợt dựa vào những đợt trẻ bị viêm VA. Đặc điểm của dạng viêm tai này là dịch tai không có mùi hôi nhưng dính, nhầy và cũng chưa ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ.

– Viêm tai giữa dạng mủ: Mủ tai chảy kéo dài và có mùi hôi, màu xanh. Tai trẻ có thể bị đau âm ỉ và khả năng nghe bị kém đi.

– Viêm tai dạng hồi viêm: Trẻ bị sốt cao và kéo dài, ăn ngủ kém đi và suy nhược cơ thể thấy rõ.

Những biểu hiện viêm tai giữa sẽ theo từng giai đoạn của bệnh. Giai đoạn đầu của viêm tai giữa là dịch tai chảy theo từng đợt dạng nhầy dính, không có mùi hôi, không bị ảnh hưởng đến thính lực. Về sau, dịch tai sẽ chảy nhiều hơn, liên tục hơn ở dạng mủ xanh và có mùi hôi. Trẻ khi này sẽ có cảm giác đau tai, đau đầu và ảnh hưởng đến khả năng nghe. Đến giai đoạn sau đó, tình trạng đau tai ở trẻ sẽ lan rộng ra khiến trẻ bị nhức đầu, ù tai, mất cân bằng, chóng mặt… Khả năng nghe của trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trẻ không nghe được dẫn đến nói kém đối với trẻ đang trong độ tuổi tập nói.

Nếu như tình trạng viêm tai giữa kéo dài mà không được xử trí sớm có thể khiến trẻ gặp những biến chứng như:

– Điếc hoàn toàn bên tai bị viêm nhiễm do lỗ thủng ở màng nhĩ không lành lại được và chuỗi xương con bị phá hủy

– Các cơ quan lân cận bị lây lan viêm nhiễm khiến cho trẻ bị chóng mặt do tiền đình bị tổn thương, ảnh hưởng dây thần kinh vùng mặt, xương chũm, não, màng não bị viêm, có thể còn gặp tình trạng áp xe não, màng não,… gây nguy hiểm cho trẻ.

– Màng nhĩ bị phồng, xẹp hoặc thủng. Sức nghe giảm khi được đi thính lực. Nhiễm trùng lan tỏa ra xung quanh bên ngoài tai được thể hiện ở phim chụp CT.

3. Phương pháp dùng để điều trị viêm tai giữa cho trẻ là gì?

Khi trẻ bị viêm tai giữa, không thể để trẻ ở nhà tự điều trị được mà cần đưa trẻ đến khám bác sĩ. Bác sĩ cần thăm khám và làm những xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng viêm ở mức độ nào mới có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp. Khi đó trẻ có thể được chỉ định điều trị tại nhà hoặc cần can thiệp bằng ngoại khoa.

3.1. Điều trị nội khoa

Trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có kháng sinh uống hoặc tiêm trong trường hợp nặng. Nếu trẻ có lỗ thủng màng nhĩ do viêm thì cần dùng thuốc nhỏ tai.

viêm tai giữa mạn tính

Không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có ý kiến bác sĩ để chữa viêm tai giữa

Trẻ cũng cần được vệ sinh tai sạch sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc đến phòng khám để điều dưỡng làm thủ thuật nhằm loại bỏ những dịch mủ viêm trong tai.

Tất cả những loại thuốc được dùng cho trường hợp bé bị viêm tai giữa đều cần phải có đơn thuốc của bác sĩ kê, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho con, nhất là với kháng sinh.

3.2. Điều trị bằng ngoại khoa

Nếu tình trạng viêm tai của trẻ không đáp ứng với thuốc điều trị hoặc bệnh có liên quan đến những bất thường trong cấu trúc tai hoặc trẻ bị viêm mạn tính nặng thì có thể sẽ cần chỉ định phương án phẫu thuật để xử trí sớm, ngăn chặn viêm tai sẽ ảnh hưởng đến thính lực vĩnh viễn cũng như sức khỏe của trẻ.

Có hai phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho viêm tai giữa mạn tính ở trẻ đó là:

– Phẫu thuật để đặt ống thông tai: Cách tiến hành là bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ qua màng nhĩ để nối tai giữa với tai ngoài. Dịch mủ trong tai sẽ được dẫn từ tai giữa ra bên ngoài, giúp tình trạng nhiễm trùng giảm dần.

– Phẫu thuật chỉnh sửa, thay xương nhỏ. Trường hợp này sẽ áp dụng khi viêm tai giữa đã lan rộng hơn và có khả năng làm hỏng màng nhĩ. Việc phẫu thuật sẽ giúp cho tình trạng viêm nhiễm được khắc phục triệt để.

Viêm tai giữa dạng mạn tính ở trẻ em có thể được coi là bệnh nguy hiểm. Những biến chứng ở bệnh có thể khiến trẻ bị mất thính lực, viêm lan rộng ra não, thậm chí tử vong. Cha mẹ cần sớm đưa trẻ đi thăm khám và điều trị nếu trẻ mắc viêm tai giữa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital