Viêm tá tràng là căn bệnh khá thường gặp của hệ tiêu hóa. Dù chỉ ở tình trạng nhẹ thì bệnh cũng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm bệnh viêm tá tràng
Viêm tá tràng là tình trạng niêm mạc của bộ phận này xuất hiện các vết loét. Lớp niêm mạc bên trong tá tràng có nhiệm vụ sản xuất ra chất nhầy và các loại enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa. Nếu lớp bảo vệ này thương tổn và bị bào mòn thì sẽ xảy ra tình trạng viêm loét và lộ ra lớp tế bào bên dưới. Nếu vết loét không được phát triển sớm thì có thể gây thủng tá tràng.
Mọi người có thể bị viêm loét dạ dày và tá tràng đồng thời do hai cơ quan này nằm gần nhau. Trên thực tế, nhiều trường hợp viêm tá tràng do trước đó bị viêm loét dạ dày.
2. Những dấu hiệu của bệnh là gì?
Dấu hiệu viêm tá tràng ở mỗi người có thể khác nhau. Cường độ các dấu hiệu nhiều hay ít phụ thuộc vào tình trạng viêm.
2.1. Các triệu chứng thường gặp của viêm tá tràng
Hàng ngày bạn có thể cảm nhận thấy cơn đau từ tá tràng một hoặc nhiều lần vào thời gian nhất định. Triệu chứng gồm: Đau bụng, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn,…
2.2. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn
Khi xuất hiện các triệu chứng: phân lẫn máu (máu đen, đỏ hoặc màu hắc ín), đau bụng dữ dội, nôn ra máu bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Tình trạng này có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
3. Các nguyên nhân chính gây ra viêm tá tràng
Nhiễm khuẩn HP – Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Vi khuẩn xâm nhập và ruột non và dạ dày gây ra viêm nhiễm.
Việc sử dụng lâu dài các loại thuốc như: Naproxen, Aspirin, Ibuprofen cũng gây bệnh.
Một số nguyên nhân khác:
– Tình trạng tự miễn
– Bệnh Crohn hay thường gọi là viêm tiêu hóa
– Tổn thương ở ruột non
– Khi dịch mật chảy từ tá tràng vào dạ dày gây trào ngược dịch mật
– Nhiễm virus khi hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu
– Hút thuốc lá quá nhiều
– Sử dụng máy trợ thở
– Căng thẳng cực độ do chấn thương cơ thể nặng, phẫu thuật
– Ăn phải các chất ăn da, chất độc làm cháy và ăn mòn các mô tế bào
– Xạ trị ung thư
4. Viêm tá tràng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Viêm tá tràng nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người bệnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
– Khi tá tràng có vấn đề sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa làm cho người bệnh luôn thấy đầy bụng, chán ăn, buồn nôn khiến cơ thể suy nhược.
– Viêm tá tràng sẽ tạo ra lỗ thủng ở thành tá tràng và dẫn đến viêm phúc mạc.
– Theo các chuyên gia, viêm phúc mạc do biến chứng có thể đe dọa tới tính mạng nên không được cấp cứu kịp thời.
– Vì vậy, nếu bạn bị viêm tá tràng hay viêm loét dạ dày tá tràng kèm theo các biểu hiện đau bụng đột ngột, dữ dội thì cần đi khám càng sớm càng tốt.
– Thủng tá tràng còn gây xuất huyết trong, người bệnh nôn ra máu, đi ngoài ra máu, khó thở.
5. Các phương pháp giúp chẩn đoán viêm tá tràng
Ban đầu, bệnh nhân sẽ được khai thác các thông tin liên quan tới bệnh sử. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về các triệu chứng như: Đau bụng ở vị trí nào, thời gian đau trong bao lâu, vào thời điểm nào?,… cùng các dấu hiệu khác. Sau đó bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp thăm khám hiện đại như:
5.1. Nội soi dạ dày – tá tràng
Nội soi là phương pháp thăm khám rõ ràng và chính xác nhất về tình trạng viêm loét. Cách này giúp bác sĩ kiểm tra vị trí, tình trạng và kích thước của các vết loét.
5.2. Xét nghiệm xác định nhiễm khuẩn H.pylori
Nhiễm khuẩn HP thường là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tá tràng vì vậy bệnh nhân sẽ được chỉ định làm xét nghiệm có hay không tình trạng nhiễm khuẩn.
– Xét nghiệm hơi thở ure
Người bệnh sẽ uống loại thuốc chứa công thức Ure trước khi xét nghiệm. Bệnh nhân sẽ thu hơi thở vào một túi hơi. Nếu bị nhiễm khuẩn HP, lượng Ure chứa trong thuốc sẽ chuyển thành CO2. Bác sĩ sẽ dựa trên chỉ số CO2 trong hơi thở để xác định bệnh nhân có nhiễm khuẩn HP hay không.
– Xét nghiệm phát hiện kháng thể với vi khuẩn Helicobacter pylori.
– Xét nghiệm kháng nguyên phân: Phân của người bệnh sẽ được đưa tới phòng thí nghiệm. Việc làm này giúp tìm protein có liên quan tới vi khuẩn HP.
6. Các phương pháp điều trị viêm tá tràng hiệu quả
Tùy thuộc vào tình trạng của vết loét mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Các phương thức điều trị thường dùng:
6.1. Điều trị viêm tá tràng bằng thuốc
– Sử dụng thuốc kháng sinh: Đơn thuốc điều trị thường trong khoảng 14 ngày. Bác sĩ sử dụng các loại thuốc kháng sinh gồm: Metronidazole (Flagyl®), tetracycline, amoxicillin, clarithromycin(Biaxin®). Các loại thuốc này sẽ nhằm loại bỏ vi khuẩn HP. Người bệnh cần tuân thủ chính xác theo phác đồ để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho sức khỏe bản thân.
– Các thuốc khác để điều trị viêm tá tràng: Thuốc ức chế bơm histamine và proton đối kháng H2 sẽ làm giảm lượng axit trong dạ dày.
Lưu ý: Các thông tin về thuốc nêu ra ở bên trên chỉ mang tính tham khảo. Trên hết, việc sử dụng thuốc bắt buộc phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay áp dụng các đơn thuốc của người khác.
6.2. Điều trị bằng can thiệp ngoại khoa
Một biện pháp điều trị bệnh khác là thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên thủ thuật xâm lấn thường tiềm ẩn rủi ro cao. Giải pháp này thường chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc hoặc tình trạng viêm nhiễm nặng.
Người bệnh gặp biến chứng xuất huyết cần cấp cứu bằng phương pháp nội soi đường tiêu hóa để cầm máu.
7. Những lưu ý khi bị viêm tá tràng
Chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống, nếp sinh hoạt của người bệnh. Ăn uống, sinh hoạt khoa học có thể giúp bệnh được cải thiện và chữa lành tốt hơn. Những thay đổi mà người bệnh cần thực hiện như:
– Chấp hành nghiêm chỉnh theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không nên tự ý dừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng sẽ ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
– Nên từ bỏ các loại đồ uống có gas, có cồn và thuốc lá vì chúng làm cản trở quá trình phục hồi của các vết loét.
– Hạn chế ăn đồ chua, cay, đồ hun khói vì các thực phẩm này sẽ kích thích hệ tiêu hóa khiến tá tràng phải hoạt động nhiều.
– Tránh uống các loại thuốc có ảnh hưởng tới dạ dày, tá tràng như aspirin
– Uống đủ nước mỗi ngày
– Chọn ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như: Rau xanh, trái cây nhiều vitamin và chất xơ
– Buổi sáng trước khi ăn, bạn nên uống một cốc nước mật ong ấm sẽ giúp dạ dày hoạt động ổn định
– Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học như: Không thức khuya, giữ tinh thần thoải mái, tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng.
Hy vọng với những kiến thức trên, bạn đã biết cách chăm sóc và phòng ngừa tốt bệnh viêm tá tràng. Hãy chú ý chăm sóc sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng thật tốt.