Triệu chứng loét tá tràng và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc các bệnh lý về viêm loét dạ dày tá tràng rất cao. Các triệu chứng loét tá tràng không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này để có cách điều trị và phòng tránh hiệu quả.

1. Bệnh viêm loét tá tràng là gì?

Tá tràng chính là phần đầu của ruột non, có độ dài khoảng 25cm, kéo dài từ môn vị đến góc tá tràng – hỗng tràng. Tá tràng là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, tại nhú tá lớn và nhú tá bé là nơi dịch tụy và dịch mật đổ vào để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn.

Niêm mạc tế bào tá tràng có cơ chế bảo vệ chống lại axit dạ dày bởi các ion bicarbonate để trung hòa axit dạ dày. Nhưng vì những nguyên nhân như sự tấn công của vi khuẩn HP, do tác động của bia rượu, sự căng thẳng kéo dài… khiến cho tá tràng không thể chống đỡ lại trước sự bào mòn của axit dạ dày dẫn đến xuất hiện những ổ viêm loét tại đây. Loét tá tràng gây ra rất nhiều triệu chứng vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

2. Triệu chứng loét tá tràng phổ biến nhất

Triệu chứng của loét tá tràng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết loét. Thậm chí, một số trường hợp viêm loét tá tràng bệnh nhân có triệu chứng không rõ ràng. Theo các bác sĩ, triệu chứng viêm loét tá tràng cụ thể như sau:

2.1. Đau thượng vị – triệu chứng loét tá tràng điển hình

Người bệnh bị các bệnh lý về dạ dày tá tràng nói chung và viêm loét tá tràng nói riêng đều xuất hiện triệu chứng đau thượng vị. Các cơn đau này có thể kéo dài hoặc ngắn, đau âm ỉ hoặc dữ dội. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị cơn đau thượng vị “hành hạ” vài ngày, vô cùng khổ sở. Các cơn đau thượng vị thường khởi phát khi người bệnh ăn quá no hoặc để bụng quá đói, sau khi ăn thực phẩm khó tiêu hoặc khi suy nghĩ căng thẳng… Các cơn đau thượng vị có thể trầm trọng hơn khi vị trí đau lan ra ngực và sau lưng, khi nằm nghỉ cũng không giúp giảm đau.

triệu chứng loét tá tràng

Đau thượng vị là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm loét tá tràng

2.2. Các triệu chứng loét tá tràng phổ biến khác

– Người bệnh xuất hiện hàng loạt các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như nôn và buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đi ngoài phân đen, tiêu chảy, táo bón…

– Ngoài ra, người bệnh viêm loét tá tràng còn xuất hiện các triệu chứng toàn thân như chán ăn, gầy sút, thiếu máu dẫn đến da xanh xao, mệt mỏi, xuất huyết đường tiêu hóa…

Khi xuất hiện một trong các biểu hiện trên, người bệnh cần đi đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được thăm khám và điều trị.

3. Chẩn đoán loét tá tràng như thế nào?

3.1. Áp dụng phương pháp nội soi tiêu hóa trên

Nội soi tiêu hóa trên (bao gồm nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng) là phương pháp hiệu quả nhất để chẩn đoán bệnh lý tại các cơ quan này. Để thực hiện, bác sĩ sẽ luồn một ống mềm, linh hoạt có camera và nguồn sáng ở đầu ống vào bên trong người bệnh nhân theo đường miệng xuống thực quản, dạ dày tá tràng, giúp phát hiện chính xác những tổn thương viêm loét. Với phương pháp nội soi tiêu hóa trên, bác sĩ còn có thể thực hiện lấy mẫu tổn thương để sinh thiết xác định bản chất tổn thương là viêm loét hay ung thư và hỗ trợ điều trị trong các trường hợp bị chảy máu dạ dày, cắt polyp…

triệu chứng loét tá tràng do HP

Nội soi đường tiêu hóa trên không chỉ giúp chẩn đoán chính xác tổn thương viêm loét mà còn có thể lấy mẫu sinh thiết, cầm máu tổn thương…

3.2. Áp dụng phương pháp chụp X-quang tiêu hóa

Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh loét tá tràng thông qua hình ảnh x-quang. Bệnh nhân được yêu cầu uống chất cản quang barit trước khi chụp hình, chất này giúp các bác sĩ xác định được các vết loét ở tá tràng. Tuy nhiên, phương pháp này ít được sử dụng so với nội soi tiêu hóa trên vì khả năng phát hiện thương tổn kém hơn và không thể giúp sinh thiết hay hỗ trợ điều trị cầm máu tổn thương.

– Ngoài ra, để chẩn đoán nguyên nhân viêm loét tá tràng còn bao gồm phương pháp kiểm tra HP qua hơi thở, xét nghiệm phân để tìm ký sinh trùng và tìm dấu vết của máu (xác định bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày hay không) và xét nghiệm máu để xác định các chức năng quan trọng của cơ thể.

4. Điều trị viêm loét tá tràng bằng cách nào?

Việc điều trị bệnh loét  tá tràng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, nguyên nhân gây ra cũng như sức khỏe của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị loét tá tràng được sử dụng hiện nay gồm:

– Sử dụng thuốc kháng tiết axit: Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc ức chế axit, phổ biến là nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI), nhóm thuốc này có khả năng ngăn chặn axit mạnh. Lưu ý khi sử dụng các thuốc này, người bệnh cần ăn thêm một bữa sau dùng thuốc 30 phút nhằm để thuốc hoạt động hiệu quả hơn.

– Điều trị loét tá tràng bằng kháng sinh: Với các trường hợp bệnh nhân bị loét tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP bắt buộc phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Lưu ý khi dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ uống đủ liều và đúng thời điểm để quá trình điều trị loét tá tràng đạt được kết quả tốt nhất.

– Điều trị loét tá tràng bằng can thiệp qua nội soi dạ dày tá tràng: Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ đặc biệt để can thiệp vào những vết loét đang hoặc có nguy cơ cao chảy máu, đồng thời nếu vết loét rộng, nghi ngờ ung thư cũng được xử lý thông qua nội soi.

5. Có thể phòng ngừa bệnh viêm loét tá tràng không?

Bạn hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình khỏi các bệnh lý dạ dày nói chung và viêm loét tá tràng nói riêng bằng cách chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các lây nhiễm. Sau đây là một số khuyến cáo từ các chuyên gia y tế giúp ngăn chặn bệnh viêm loét tá tràng một cách:

phòng ngừa

Phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp bằng cách thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn

– Bạn có thể hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP bằng cách vệ sinh tay thường xuyên, ăn chín uống sôi, ăn những loại thực phẩm sạch, không nên ăn uống hàng quán vỉa hè, không nên ăn uống chung bát đũa.

– Không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm hoặc sử dụng các loại thuốc này phải theo tư vấn chuyên môn của bác sĩ.

– Ăn uống lành mạnh và khoa học, ăn các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, không uống rượu và hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, thực hành lối sống vui vẻ, suy nghĩ  tích cực…

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp khá đầy đủ đến các bạn thông tin về triệu chứng loét tá tràng cũng như phương pháp chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này. Khi phát hiện có những bất  thường, nghi ngờ bệnh bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital