Viêm khớp thái dương hàm: Triệu chứng và nguyên nhân

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm khớp thái dương hàm có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau, xuất hiện tiếng kêu ở khớp hàm, khó cử động hàm… làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và tổn hại sức khỏe lâu dài của người bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng nữ giới trong độ tuổi dậy thì và mãn kinh thường có tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất.

1. Viêm khớp thái dương hàm là bệnh gì?

Khớp thái dương hàm là một loại khớp nằm ở hai bên đầu, vị trí ngay phía trước tai, nối xương hàm dưới với xương thái dương. Đây là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương cùng các thành phần khác như bao khớp, dây chằng, đĩa khớp, mô sau của đĩa khớp. Khi khớp thái dương hàm xoay hoặc di chuyển ra trước – sau và sang hai bên sẽ giúp cho hệ cơ xương hoạt động bình thường, nhờ đó hàm có thể đóng – mở linh hoạt, đảm bảo việc nhai, nuốt, nói hoặc ngáp của người bệnh được trơn tru.

Viêm khớp thái dương hàm hay rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp hàm thái dương là một loại bệnh lý rối loạn hoạt động và chức năng khớp hàm và các cơ mặt xung quanh, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể người bệnh có thể gặp tình trạng đau, co thắt cơ theo chu kỳ. Ngoài ra khớp nối giữa xương hàm và xương sọ có thể mất cân bằng.

Viêm khớp hàm thái dương là một bệnh khá phổ biến hiện nay, có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới tuổi dậy thì và mãn kinh thường cao hơn.

Viêm khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm có vai trò quan trọng trong việc điều khiển các hoạt động đóng, mở miệng, nhai nuốt,…

2. Các triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm khớp hàm thái dương

2.1 Triệu chứng viêm khớp thái dương hàm

Đau khớp thái dương hàm là biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh nhân bị viêm khớp này. Cơn đau thường xảy ra ở một hoặc cả hai bên mặt. Ban đầu người bệnh chỉ xuất hiện những cơn đau nhẹ, sau đó bệnh tự khỏi. Các cơn đau liên tục và dữ dội hơn, đặc biệt là khi ăn và nhai, tăng lên khi bệnh tiến triển nặng và có thể kèm theo các triệu chứng:

– Đau đầu.

– Đau nhức mặt.

– Mỏi cổ.

– Đau trong và xung quanh tai.

– Nhức thái dương.

– Mệt mỏi.

– Nổi hạch ở một hoặc hai bên.

– Phì đại cơ nhai cùng bên khớp bị viêm khiến mặt bị phình to, mất cân đối.

– Gặp khó khăn khi cử động hàm, khó mở miệng, đóng miệng.

– Có tiếng kêu lục cục ở khớp khi mở miệng hoặc nhai. Điều này khiến người bệnh phải ngậm miệng lệch sang một bên, dẫn đến mỏi hàm, mặt cắn không đều.

Nếu khớp thái dương hàm bị đau nhiều, đau tăng lên khi nhai và xuất hiện các tiếng kêu lục cục thì có thể bệnh đã ở giai đoạn nặng, người bệnh cần nhanh chóng được điều trị kịp để tránh các biến chứng.

2.2 Biến chứng viêm khớp hàm thái dương

Bệnh viêm khớp nối hàm – thái dương nếu không được điều trị sớm có thể gây ra biến chứng giãn khớp và dễ dẫn đến trật khớp, dính khớp. Khi đó các đầu khớp thoái hóa sẽ gây ra hiện tượng dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, lâu dài sẽ gây thủng đĩa khớp. Thủng đĩa khớp khiến các đầu xương bị phá hủy và gây xơ cứng khớp, khiến bệnh nhân không thể há miệng được.

triệu chứng viêm khớp hàm thái dương

Khớp thái dương hàm sưng viêm gây đau đớn cho người bệnh.

3. Nguyên nhân gây rối loạn khớp hàm thái dương

Có nhiều nguyên nhân có thể gây rối loạn khớp thái dương hàm, trong đó phổ biến nhất là:

3.1 Các bệnh lý xương khớp

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn khớp thái dương hàm, thường gồm thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn các khớp cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu,… Trong đó, nguyên nhân do viêm khớp dạng thấp chiếm tới 50% các trường hợp viêm khớp thái dương hàm. Viêm do thoái hóa khớp thường xảy ra ở người cao tuổi, những người có nhiều khớp xương đã bị thoái hóa.

3.2 Chấn thương

Các chấn thương vùng hàm mặt do tai nạn giao thông, ngã khi lao động hoặc chấn thương do va đập khi chơi thể thao đều có thể gây tổn thương khớp thái dương hàm.

Ngoài ra, một số động tác, thói quen hoặc tình trạng tạo áp lực lớn cũng có thể tác động lên khớp hàm thái dương có thể khiến khớp này bị viêm như:

– Há miệng quá rộng đột ngột

– Nghiến răng khi ngủ

– Hay nhai kẹo cao su

Răng mọc lệch, mọc chen chúc

– Các can thiệp nha khoa như nhổ răng hàm, nhổ răng khôn

– Sang chấn tâm lý, stress

4. Cần làm gì khi bị rối loạn thái dương hàm?

4.1 Chẩn đoán và điều trị viêm khớp thái dương hàm

Bệnh rối loạn khớp thái dương hàm thường không gây nguy hiểm nhưng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể tự khỏi song cũng rất dễ tái phát. Các triệu chứng của bệnh thường nặng hơn nếu người bệnh bị căng thẳng tâm lý, stress hoặc trầm cảm…

Khi thấy có các biểu hiện đau nhức vùng hàm, mặt, thái dương, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác loại bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Nếu được chẩn đoán có viêm khớp hàm thì cần điều trị kịp thời tránh biến chứng.

Tùy thuộc nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể bao gồm:

– Dùng thuốc hoặc các bài tập giảm đau cơ khớp, giãn cơ… Thông thường thuốc giảm đau như paracetamol và ibuprofen sẽ được sử dụng khi bệnh nhân bị đau nhiều nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

– Vật lý trị liệu như xoa bóp, tập vận động dưới hàm, đeo máng nhai, chiếu tia hồng ngoại… Các bài tập ở nhà nên được thực hiện khi đã tham khảo ý kiến chuyên gia, tránh khiến khớp và cơ hàm tổn thương thêm. Khi có dấu hiệu trở nặng phải đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán rối loạn khớp thái dương hàm

Thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

4.2 Các biện pháp hỗ trợ

Bệnh nhân nên lưu ý để cải thiện tình trạng bệnh với các biện pháp đơn giản tại nhà như:

– Duy trì chế độ ăn mềm, dùng cháo, sữa, cháo sữa, các món canh ninh, hầm, sinh tố trong 2 – 4 tuần đầu.

– Tránh uống hút thuốc lá và uống cà phê.

– Tránh các cử động mạnh như ngáp to, nhai kẹo cao su

– Không ăn quá cứng, quá to, quá dai hay quá nhiều.

– Không cắn chặt hai hàm răng vào nhau, hạn chế đưa hàm sang 2 bên. Các răng chỉ nên chạm nhau khi bệnh nhân nhai, nuốt và nói.

– Tránh các tư thế gây căng cơ ở cổ và vai, chẳng hạn như nằm sấp.

– Dành ít nhất 10 – 15 phút để thư giãn mỗi ngày.

– Vệ sinh răng miệng hàng ngày

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm khớp hàm thái dương. Nếu cần tư vấn hoặc có nhu cầu khám chuyên khoa Cơ xương khớp, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital