Viêm khớp phản ứng là bệnh gì có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm khớp phản ứng là bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm kết mạc, viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung và các tổn thương da.

1. Tổng quan về viêm khớp phản ứng

Viêm khớp phản ứng là tình trạng sưng, xảy ra do nhiễm trùng ở một số cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt là ở các cơ quan tiêu hóa, tiết niệu và cơ quan sinh dục. Bệnh gây tổn thương đầu gối, khớp mắt cá chân và bàn chân.

Bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi lao động từ 20 – 40 tuổi, đa phần là nam giới. Người cao tuổi và trẻ em hiếm gặp bệnh này. Các triệu chứng bệnh này thường xuất hiện đột ngột và kéo dài và biến mất sau 12 tháng. Bệnh không được xếp trong nhóm bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, các vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền qua thực phẩm ô nhiễm hoặc qua đường tình dục.

Viêm khớp phản ứng là bệnh khá phổ biến

Viêm khớp phản ứng là bệnh khá phổ biến ở độ tuổi thanh niên.

2. Đi tìm nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng

Hầu hết nguyên nhân gây ra viêm khớp là do vi khuẩn đường tiết niệu – sinh dục hoặc hệ tiêu hóa.

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do các vi khuẩn như Trachomatis, Chlamydia.

– Nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa do các vi khuẩn như Salmonella, Shigella, Borrelia, Yersinia, Campylobacter…

– Một số virus gây bệnh như viêm gan B, Rubella, HIV…

– Do viêm đường ruột, viêm loét đại tràng

Tuy nhiên 20% người bệnh không tìm được nguyên nhân.

3. Phát hiện triệu chứng

Người bị viêm khớp thường xuất hiện các triệu chứng như:

– Đau cứng khớp, nhất là ở vị trí lưng, đầu gối, chân hoặc mông.

– Mệt mỏi, khó chịu trong người, chán ăn, sụt cân.

– Sưng tấy các khớp ngón tay, chân

– Tổn thương niêm mạc ở vùng miệng, lưỡi, bao quy đầu…

– Các tổn thương mắt như: đỏ mắt, sợ ánh sáng, viêm loét kết mạc…

Viêm khớp khiến người bệnh đau nhức

Viêm khớp khiến người bệnh đau nhức, mệt mỏi, sụt cân

Thông thường, các dấu hiệu của viêm khớp xuất hiện và kéo dài trong 12 tháng. Bệnh viêm khớp và đau lưng đều có xu hướng tái phát cao.

Các dấu hiệu bệnh có thể xảy ra đột ngột, sau đó diễn ra tình trạng nhiễm khuẩn từ 1 vài tuần đến vài tháng, thậm chí là vài năm. Tùy cơ địa và thể trạng người bệnh, mức độ nặng nhẹ triệu chứng bệnh sẽ khác nhau. Người bệnh nên chủ động đi khám để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể, kịp thời chữa trị.

4. Viêm khớp phản ứng nguy hiểm không?

Hầu hết các bệnh nhân bị viêm khớp phản ứng được tiên lượng tốt. Các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng và người bệnh có thể hồi phục sau vài tuần, vài tháng hoặc sớm hơn.

Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng nếu người bệnh chủ quan, không đi khám sớm khi phát hiện triệu chứng và không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, do thói quen sinh hoạt và ăn uống chưa khoa học, các triệu chứng có thể tăng dần. Sau thời gian dài, các triệu chứng sẽ gây khó khăn cho hoạt động thường ngày của bệnh nhân.

Bệnh có nguy cơ tái phát cao hoặc sẽ chuyển sang mạn tính, nhất là ở bệnh nhân mắc bệnh do di truyền. Theo thống kê, khoảng 15 – 30% trường hợp bệnh bị biến chứng sang chứng viêm cột sống dính khớp.

5. Chẩn đoán tình trạng viêm khớp phản ứng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng các triệu chứng, tìm hiểu thông tin bệnh sử của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh chính xác.

Các xét nghiệm viêm khớp bao gồm:

Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện nhiễm trùng do vi khuẩn, virus. Phát hiện tình trạng viêm thông qua việc tỷ lệ lắng máu và tốc độ lắng. Phát hiện kháng nguyên HLA – B27 chẩn đoán bệnh do di truyền.

– Kiểm tra dịch khớp: Dùng kim thu hồi mẫu chất lỏng ở khớp xương bị tác động, đưa đi xét nghiệm để phát hiện nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng xảy ra ở dịch khớp thì có thể người bệnh bị viêm lâu ngày gây ra tổn thương khớp nặng. Ngoài ra, kiểm tra dịch khớp nhằm xác định sự tồn tại của tinh thể acid uric có trong bệnh gout.

– Chụp X-quang: Phát hiện những tổn thương ở xương khớp, sụn, mô mềm và những gân bám vào xương. Đồng thời, chụp X-quang phát hiện các bệnh lý viêm khớp khác của bệnh nhân.

Chụp X-quang nhận biết viêm khớp phản ứng

Chụp X-quang giúp nhận biết vị trí tổn thương khớp

Chụp MRI hoặc CT scanner: Kiểm tra kỹ, chi tiết hơn những tổn thương ở xương và mô mềm phần hông.

– Một số xét nghiệm khác: Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng ở chất nhầy ở cổ họng, nước tiểu, phân, cơ quan sinh dục.

6. Điều trị viêm khớp phản ứng thế nào?

6.1. Điều trị viêm khớp phản ứng bằng thuốc

Thông qua thăm khám lâm sàng, dựa trên tình trạng sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp. Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc kháng sinh để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể. Một số loại thuốc thường được chỉ định điều trị bệnh gồm:

– Thuốc chống viêm không steroid: Giúp giảm các triệu chứng đau, viêm do bệnh.

– Corticosteroid: Có tác dụng ngăn viêm khớp xương, giảm các triệu chứng và giúp cơ xương khớp hoạt động bình thường trở lại.

– Khi bệnh tiến triển thành viêm khớp mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định điều trị các loại thuốc DMARDs kinh điển như Methotrexat, Sulfasalazin… Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên sử dụng đúng thuốc và theo đúng liều lượng của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định, hoặc ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

6.2. Tập vật lý trị liệu điều trị viêm khớp phản ứng

Các bài tập vật lý trị liệu, tập thể dục thể thao được khoa học chứng minh, là một trong những phương pháp hữu hiệu hỗ trợ cải thiện chức năng, tăng sức mạnh và độ dẻo dai cho xương khớp. Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân nên tập luyện những bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh việc tập quá sức có thể ảnh hưởng xấu đến các vùng cơ xương khớp còn yếu.

7. Phòng bệnh bằng cách nào?

Bên cạnh các phương pháp điều trị nêu trên, bạn nên bỏ túi một số mẹo phòng tránh bệnh nhằm hạn chế khả năng tái phát, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống:

– Uống thuốc theo đơn và liều lượng mà bác sĩ kê.

– Tái khám đúng hẹn theo chỉ định bác sĩ để kiểm tra tình trạng bệnh.

– Sử dụng miếng dán nóng hoặc lạnh giúp cải thiện tình trạng co cứng, đau và làm giảm sưng khớp.

– Giữ tư thế chuẩn khi ngồi, ngủ và đứng.

– Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su.

Thông qua bài viết trên, chắc hẳn các bạn đã nắm rõ hơn về bệnh viêm khớp phản ứng và phương pháp điều trị của căn bệnh này. Từ đó, bạn sẽ có biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, đồng thời bảo vệ tốt sức khỏe của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital