Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh lý thường gặp ở cả trẻ em và người lớn mọi lứa tuổi. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao từ người này sang người khác thông qua hắt hơi, ho hoặc dùng chung đồ dùng, đồ ăn… Tìm hiểu ngay những kiến thức về bệnh và cách phòng bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình của mình nhé.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa viêm họng liên cầu khuẩn
Đây là bệnh do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có triệu chứng đặc trưng là đau rát cổ họng. Mặc dù bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nó đặc biệt phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15.
Viêm họng là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan. Nó thường lây lan qua các giọt nhỏ đường hô hấp bay vào không khí khi người bị viêm họng hạt hắt hơi hoặc ho. Bệnh có thể lây khi chúng ta dùng chung thức ăn, đồ uống với người bệnh hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A.
Viêm họng do liên cầu khuẩn nếu được điều trị và chăm sóc thích hợp, người bệnh có thể khỏi trong vài ngày. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời, viêm họng do liên cầu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn như:
– Nhiễm trùng amidan, tai, xoang, máu và da.
– Sốt thấp khớp, dẫn tới đau khớp, viêm khớp, phát ban, nguy hiểm hơn là tổn tại đến van tim.
– Tăng nguy cơ cho các bệnh viêm nhiễm khác như ban đỏ.
2. Nguyên nhân viêm họng do liên cầu khuẩn
– Nguyên nhân chính là do vi khuẩn Streptococcus pyogenes, còn gọi là liên cầu nhóm A gây nên.
– Do bị nhiễm liên cầu khuẩn khi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng sau khi tiếp xúc với những vi khuẩn này.
– Bị lây bệnh khi dùng chung thức ăn, đồ uống với người nhiễm bệnh hoặc đứng gần người bệnh khi họ ho, hắt hơi
– Bị lây bệnh khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A, chẳng hạn như chạm vào tay nắm cửa hoặc vòi nước, sau đó đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng.
3. Triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn
Mức độ nghiêm trọng của viêm họng do liên cầu khuẩn có thể khác nhau ở mỗi người. Một số người gặp các triệu chứng nhẹ như đau họng, trong khi nhiều người lại có triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt và khó nuốt.
Nhìn chung, các triệu chứng điển hình của viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:
– Sốt đột ngột, đặc biệt sốt từ 38 độ trở lên
– Đau họng đỏ với các mảng trắng
– Đau đầu hoặc nửa đầu
– Ớn lạnh
– Mất cảm giác ngon miệng
– Sưng hạch bạch huyết ở cổ
– Khó nuốt
Thông thường, sau khi tiếp xúc với vi khuẩn liên cầu khoảng 5 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nêu trên.
4. Các phương pháp chẩn đoán viêm họng liên cầu
Khi thấy có các dấu hiệu sau đây, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị:
– Đau họng kéo dài hơn hai ngày
– Đau họng với các mảng trắng
– Các đốm màu đỏ sẫm trên amidan hoặc trên miệng
– Đau họng với phát ban màu hồng mịn như giấy nhám trên da
– Khó thở
– Khó nuốt
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ khám cổ họng để kiểm tra dấu hiệu viêm, đồng thời quan sát xem các hạch bạch huyết có bị sưng hay không. Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để phát hiện tình trạng viêm họng là do nhiễm trùng liên cầu khuẩn hay do vi khuẩn, vi trùng khác.
5. Điều trị viêm họng liên cầu như thế nào?
Do viêm họng do liên cầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị, nhằm ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng. Người bệnh cần tuân theo liệu trình điều trị để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Nếu như thấy các triệu chứng đã thuyên giảm và tự ý dừng thuốc, bệnh có thể dễ tái phát.
6. Phương pháp điều trị viêm họng do liên cầu tại nhà
Ngoài thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà, nhằm giúp giảm các triệu chứng của viêm họng gây ra bởi liên cầu khuẩn, bao gồm:
– Uống nhiều nước ấm, đặc biệt tốt cho họng là nước chanh ấm hoặc trà ấm
– Bật máy tạo ẩm phun sương
– Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen
– Ngậm viên thuốc/kẹo trị viêm họng
– Thêm 1/2 thìa muối vào 1 cốc nước và súc miệng với hỗn hợp nước muối nhiều lần trong ngày
– Sử dụng mật ong và dấm táo cũng giúp cổ họng dễ chịu hơn
7. Các biện pháp phòng chống viêm họng do liên cầu khuẩn
– Hiện nay, chưa có vắc xin nào ngăn ngừa bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. Một trong những cách hiệu quả nhất để giúp tránh nhiễm trùng là rửa tay thường xuyên, đặc biệt là khi tới những nơi công cộng, đông người. Đối tượng chủ yếu mắc bệnh là trẻ em, do vậy điều quan trọng nhất là phụ huynh nên dạy trẻ thói quen rửa tay với nước rửa tay sát khuẩn thường xuyên để bảo vệ bản thân không chỉ đối với viêm họng liên cầu mà các bệnh truyền nhiễm nói chung.
– Không dùng chung đồ uống hoặc thức ăn với người bị viêm họng do liên cầu. Đặc biệt khi trong gia đình có người mắc bệnh, chúng ta nên dùng riêng tất cả đồ dùng để ngăn ngừa lây bệnh. Đối với bát đĩa, quần áo của người bệnh, bạn nên giặt/rửa bằng nước nóng với xà phòng.
– Nếu bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn, khi hắt hơi hoặc ho, hãy dùng khăn giấy chứ không được ho, hắt hơi trực tiếp vào tay. Đồng thời, chú ý rửa tay thường xuyên, có ý thức phòng lây nhiễm cho người xung quanh.
Như vậy, có thể thấy rằng viêm họng do liên cầu khuẩn là bệnh rất dễ lây nhiễm tuy nhiên cũng không khó để phòng tránh đúng không nào. Bên cạnh đó, khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, chúng ta nên đi thăm khám và điều trị sớm, để phòng ngừa các biến chứng cho sức khỏe.