Viêm gan B mạn tính được coi là vấn đề y tế toàn cầu, riêng ở Việt Nam có khoảng 15 – 20% dân số nhiễm căn bệnh này. Viêm gan siêu vi B mạn thường diễn tiến âm thầm nhưng kéo dài và gây tổn thương gan trong nhiều năm cùng nguy cơ đưa đến những biến chứng nghiêm trọng như suy gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B và thể viêm gan B mạn tính
1.1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một căn bệnh về gan cực kỳ nguy hiểm do virus viêm gan B – HBV gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng và thường lây qua ba con đường cơ bản như sau:
– Lây qua đường máu: Máu là đường lây nhiễm virus có nguy cơ cao nhất. Theo đó, các trường hợp truyền máu, hiến máu, tiêm hoặc xăm hình,… cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn để không xảy ra khả năng lây nhiễm chéo.
– Lây từ mẹ sang con: Mẹ bầu mang virus có tỷ lệ cao sẽ lây nhiễm sang con. Để ngăn ngừa nguy cơ lây từ mẹ sang con, trẻ sơ sinh cần được tiêm vaccine phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và thực hiện đúng theo chỉ định từ bác sĩ.
– Lây qua đường tình dục: Khi thực hiện quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su, sử dụng chung đồ dùng tình dục,…) với người mang virus viêm gan B thì nguy cơ lây bệnh rất cao.
Viêm gan B phát triển theo 3 giai đoạn: Thời kỳ ủ bệnh, viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.
1.2. Viêm gan B mạn tính là gì?
Khi bệnh kéo dài hơn 6 tháng sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính và đây được coi là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm viêm gan B, vì thế đối với người bệnh viêm gan B thể mạn được xác định là sẽ mang virus cả đời.
Bệnh dù đã ở thể mạn tính vẫn ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết sớm, thường chỉ được tình cờ phát hiện khi thực hiện thăm khám sức khỏe tổng quát, đi hiến máu tình nguyện, khám thai kỳ.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất giúp chẩn đoán viêm gan B cũng như biết chính xác tình trạng diễn biến của virus. Bên cạnh đó có thể chú ý đến các dấu hiệu nghi ngờ bệnh viêm gan như mệt mỏi, kém ăn, đau tức vùng bụng có gan, vàng da, vàng mắt hoặc ngứa. Các trường hợp virus hoạt động và tấn công vào gan sẽ khiến gan to, gây xơ gan, men gan tăng cao.
2. Viêm gan B mạn tính gây ra những nguy hiểm gì tới người bệnh?
Viêm gan B thể mạn tính gây ra những tổn thương lâu dài cho gan dẫn tới chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng cùng những biến chứng nguy hiểm sau đây:
2.1. Viêm gan B mạn tính gây xơ gan
Khi virus tấn công trực tiếp và liên tục tới các tế bào gan gây ra những tổn thương lớn cho mô gan. Các mô gan bị tổn thương dần chuyển biến thành những mô xơ và sẹo. Các mô xơ và sẹo này nhanh chóng lan rộng khiến gan bị xơ hóa gây ra xơ gan. Xơ gan làm cho chức năng gan suy giảm và kéo theo hàng loạt những nguy cơ xấu ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
2.2. Suy gan
Suy gan cũng là một trong những loại biến chứng nghiêm trọng của viêm gan virus B mạn tính gây ra. Trong trường hợp bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, gan không có khả năng phục hồi, người bệnh sẽ phải đối mặt với các vấn đề như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận,…
2.3. Ung thư gan
Người mắc viêm gan B ở giai đoạn mạn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn người bình thường ít nhất là 20 lần. Xơ gan, suy gan chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan. Ung thư gan rất khó điều trị và tỷ lệ tử vong rất cao.
3. Các trường hợp diễn biến bệnh viêm gan B mạn tính
Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm, song người bệnh vẫn có thể chung sống “hòa bình với virus cả đời. Nói cách khác, không phải trường hợp nào cũng bắt buộc phải tiến hành điều trị mà chỉ thực hiện điều trị khi virus có dấu hiệu hoạt động và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Cụ thể, dựa vào các xét nghiệm HbsAg (đây là kháng nguyên bề mặt cho biết sự hiện diện của virus viêm gan B trong máu) và HbeAg (đây là kháng nguyên e chứng tỏ virus viêm gan đang hoạt động) để chia thành 4 trường hợp diễn biến bệnh như sau:
3.1. Trường hợp 1: HBsAg (+); HBeAg(-)
Điều này chứng tỏ có virus nhưng virus HBV không hoạt động và không hề có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Trường hợp còn được gọi là người lành mang mầm bệnh. Lúc này, người bệnh chỉ cần thực hiện theo dõi định kỳ và chưa cần tiến hành điều trị.
3.2. Trường hợp 2: HBsAg (+); HBeAg (-)
Điều này chứng tỏ có virus, virus HBV không hoạt động nhưng lại xuất hiện dấu hiệu lâm sàng (vàng mắt, vàng da, người mệt mỏi, chán ăn; enzym gan tăng cao). Đây là trường hợp người bệnh viêm gan B mạn tính mà virus đã từng hoạt động âm thầm, sau đó ngừng lại (gọi là viêm gan B không hoạt tính).
Trường hợp này chưa cần điều trị nhưng phải theo dõi đều đặn vì virus có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào.
3.3. Trường hợp 3: HBsAg (+); HBeAg(+)
Điều này chứng tỏ có virus, virus HBV đang hoạt động, nhưng không gây ra dấu hiệu lâm sàng rõ ràng, người bệnh có khả năng “dung nạp được miễn dịch”.
Trường hợp này cũng chưa cần điều trị nhưng vẫn sẽ có nguy cơ cao vì virus có thể tái kích hoạt nên đặc biệt cần chú trọng theo dõi sát sao để kịp thời xử lý.
3.4. Trường hợp 4: HBsAg (+); HBeAg (+)
Điều này chứng tỏ có virus, virus HBV đang hoạt động và có gây ra các dấu hiệu lâm sàng. Trường hợp này, cần được tiến hành điều trị ngay để kiểm soát khả năng sinh sôi của virus và nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới người bệnh.
Viêm gan B mạn tính là căn bệnh về gan nguy hiểm nên tuyệt đối không thể chủ quan. Nhưng đừng vì thế mà sinh tâm lý lo lắng, hoang mang. Mỗi người bệnh hãy thực hiện chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành lạnh, vận động điều độ và thực hiện tốt việc thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.