Viêm gan B phá hủy tế bào gan trong thầm lặng, có thể gây xơ gan, suy gan và thậm chí ung thư gan. Việt Nam có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B rất cao, chiếm từ 10 – 15% dân số. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ viêm gan B là gì, mức độ nguy hiểm cũng như cách điều trị bệnh. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý truyền nhiễm này.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B gồm những dạng nào?
Virus viêm gan B (hay Hepatitis B Virus, viết tắt là HBV) là nguyên nhân gây bệnh. Chúng có hình cầu, được bao quanh bởi lớp vỏ chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Nếu không kịp thời điều trị, viêm gan B có thể gây ra những mối nguy cho lá gan và sức khỏe người bệnh nói chung.
Bệnh được chia thành 2 dạng chính là cấp tính và mạn tính, thông tin cụ thể như dưới đây.
1.1. Thể cấp tính của viêm gan B là gì?
Đây là giai đoạn đầu của quá trình nhiễm HBV, phát sinh trong khoảng 6 tháng đầu kể từ khi virus xâm nhập. Tỷ lệ trường hợp viêm gan B cấp tính tự khỏi là khoảng 90%. Số còn lại sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính, gây hại cho gan.
Theo các nghiên cứu, tình trạng viêm gan cấp trở thành mạn tính có liên quan đến độ tuổi của người nhiễm virus.
1.2. Thể mạn tính
Ở giai đoạn này, người bệnh đã nhiễm HBV trên 6 tháng. Viêm gan B mạn là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường. Người bệnh có nguy cơ đối mặt với nhiều bệnh lý trầm trọng về gan như xơ gan, suy gan, ung thư gan,…
Viêm gan B mạn tính gồm 2 dạng:
– Viêm gan B mạn tính thể không hoạt động: Trường hợp này còn được gọi là người lành mang virus viêm gan B. HBV tồn tại trong cơ thể nhưng ngủ yên không hoạt động. Người lành mang virus sẽ chung sống hòa bình với HBV, sinh hoạt – lao động như bình thường.
– Viêm gan B mạn tính thể hoạt động: Virus không ngừng sinh sôi và tấn công vào tế bào gan khiến men gan tăng liên tục. Gan bị tổn hại dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm.
2. Triệu chứng của viêm gan B
Người nhiễm HBV có thể xuất hiện triệu chứng hoặc không hề có biểu hiện gì tùy thuộc vào tình trạng hoạt động của virus. Khi virus viêm gan B ở thể hoạt động, các triệu chứng có thể xuất hiện gồm:
– Nổi ban, ngứa ngáy; mạch máu nổi lên trên da như màng nhện (còn gọi là dấu sao mạch).
– Mệt mỏi, sốt nhẹ.
– Đau nhức khớp.
– Ăn uống không ngon miệng, chán ăn.
– Buồn nôn, nôn mửa.
– Vàng da, phân có màu xanh xám, nước tiểu đậm màu.
– Sưng bụng, chướng bụng; đau hạ sườn phải; bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên.
3. Đường lây truyền của viêm gan B là gì?
Cơ chế lây nhiễm của virus viêm gan B tương tự như virus HIV. Chúng lây truyền chủ yếu qua 3 con đường: từ mẹ sang con, đường máu và quan hệ tình dục.
3.1. Viêm gan B lây từ mẹ sang con
Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, thai nhi có khả năng bị lây nhiễm khi người mẹ nhiễm virus thời điểm mang thai. Tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng theo từng giai đoạn của thai kỳ.
Cụ thể, tỷ lệ lây nhiễm là 1% trong 3 tháng đầu thai kỳ, tăng lên đến 10% trong 3 tháng giữa. Nguy cơ là 60 – 70% nếu người mẹ nhiễm HBV trong 3 tháng cuối thai kỳ. Đặc biệt, khả năng lây nhiễm có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp dự phòng sau sinh.
Người mẹ nhiễm viêm gan B trước khi chuẩn bị mang thai và trong suốt thai kỳ cần trao đổi với bác sĩ về bệnh sự của mình. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích và có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
3.2. Lây qua đường máu
Virus viêm gan B tồn tại trong máu người bệnh và có thể sống nhiều ngày trong máu khô. Do vậy, những việc làm sau rất dễ khiến virus lây truyền từ người mắc sang người lành:
– Truyền máu có chứa virus, vết thương hở tiếp xúc với máu nhiễm bệnh.
– Tiêm, xăm hình, xỏ khuyên, thực hiện các thủ thuật y khoa với dụng cụ không được khử trùng đúng cách.
– Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay chân với người mắc viêm gan B.
3.3. Lây qua đường tình dục
Người lành có thể nhiễm HBV nếu quan hệ tình dục với người mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ an toàn. HBV sống trong dịch sinh dục (tinh trùng, dịch tiết âm đạo). Chúng có thể lây truyền qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục (khác giới hoặc đồng giới).
4. Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm gan B
Dựa vào con đường lây lan của virus, những nhóm đối tượng được xác định dễ mắc bệnh nhất gồm:
– Những người dùng chung bơm kim tiêm với người bệnh, thường là những đối tượng nghiện ma túy. Ngoài ra, nguy cơ còn xuất hiện ở những người thường xăm hình, xỏ khuyên, làm móng, châm cứu tại các cơ sở không uy tín, không đảm bảo tiệt trùng dụng cụ.
– Bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở của bệnh nhân viêm gan B.
– Trẻ được sinh ra bởi người mẹ nhiễm HBV mà không được tiêm vaccine ngay sau khi sinh.
– Những người thân trong gia đình có người bị nhiễm viêm gan B: nguy cơ tăng cao nếu dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân, vợ chồng quan hệ tình dục không dùng biện pháp phòng tránh.
– Những người không chung thủy, quan hệ tình dục bừa bãi với người nhiễm viêm gan B, không dùng bao cao su khi quan hệ,…
5. Biến chứng nguy hiểm của viêm gan B là gì?
Giai đoạn mạn tính của bệnh đặc biệt nguy hiểm khi có thể gây nên những biến chứng như sau:
– Xơ gan: Các tế bào gan bị thay thế bởi các sẹo mô xơ, gan bị xơ hóa và suy giảm chức năng. Người bệnh thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, suy giảm miễn dịch, phù nề toàn thân.
– Bệnh não gan: Triệu chứng ban đầu của bệnh là cảm giác lo lắng, khó chịu, bứt rứt. Ở giai đoạn nặng hơn, các triệu chứng khó ngủ, dễ kích động, mất định hướng không gian – thời gian, suy giảm nhận thức có thể xuất hiện. Sau một thời gian tiến triển, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái mê sảng, hôn mê sâu. Não gan là bệnh hiếm gặp nhưng nguy cơ tử vong rất cao.
– Suy gan cấp: Chức năng gan suy giảm nghiêm trọng có thể dẫn tới suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Người bệnh thường xuyên buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt.
– Ung thư gan: Viêm gan B khiến tỷ lệ mắc ung thư gan tăng cao gấp 20 lần. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh, rất khó điều trị, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
6. Chẩn đoán và điều trị của bệnh
6.1. Cách chẩn đoán viêm gan B là gì?
Căn cứ để chẩn đoán viêm gan B gồm: yếu tố dịch tễ, yếu tố lâm sàng và yếu tố cận lâm sàng. Trong đó, yếu tố dịch tễ là: tiền sử gia đình có mẹ nhiễm viêm gan B, bản thân từng dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ, thực hiện thủ thuật xuyên qua da,…
Yếu tố lâm sàng bao gồm các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, đau hạ sườn phải, da vàng,… như đã nói ở trên.
Về cận lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác thông qua những xét nghiệm dưới đây:
– Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (HBsAg): Kết quả dương tính cho biết cơ thể đang nhiễm HBV.
– Xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể với HBV (Anti-HBs): Kết quả dương tình cho biết cơ thể đã có kháng thể chống lại virus. Đây là tình huống xảy ra ở người từng tiêm vaccine phòng HBV hoặc người từng mắc viêm gan B và đã khỏi.
– Một số xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, lượng virus, khả năng nhân lên của virus (nếu cần thiết) như: AST, ALT, Anti-HBc, Anti-HBe,… để xác định hướng điều trị phù hợp.
6.2. Điều trị viêm gan B
Để việc điều trị đạt kết quả cao nhất, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ tùy vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của từng trường hợp.
Viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi (chiếm 90% trường hợp), không cần dùng thuốc kháng virus. Người bệnh có men gan cao cần có chế độ ăn uống – sinh hoạt – nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ chức năng gan theo tư vấn của bác sĩ.
Trong khi đó, viêm gan B mạn tính cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Loại thuốc này giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan. Quá trình điều trị thường kéo dài, thậm chí cả đời. Do đó, người bệnh cần kiên trì, uống thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định.
Các thuốc tăng cường miễn dịch và ức chế virus hoạt động (như Peg-interferon, Interferon, thymosin alpha,…) cũng có thể được dùng trong điều trị viêm gan B mạn. Tuy nhiên chúng không được sử dụng phổ biến do các nhiều tác dụng phụ và hiện không sẵn có tại Việt Nam.
Qua bài viết trên, bạn đọc đã hiểu rõ viêm gan B là gì, con đường lây nhiễm cũng như cách phát hiện và điều trị bệnh. Hãy chú ý xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học để bảo vệ thật tốt sức khỏe gan mật của chính mình.